Khen con là một nghệ thuật, nhưng nhiều cha mẹ vẫn áp dụng chưa hiệu quả dẫn đến việc trẻ tự mãn, ỷ lại. Ngược lại, nếu biết cách khen, trẻ sẽ ngày càng tự tin, học tập và làm việc càng chăm chỉ. Haim Ginott – nhà tâm lý học lâm sàng, bác sĩ trị liệu cho trẻ em và nhà giáo dục về phương pháp làm cha mẹ ở Mỹ từng nói: Khen ngợi, giống như penicillin, không được tùy tiện sử dụng, nhất là với trẻ em.
Một trường hợp thực tế từng được người dùng mạng xã hội chia sẻ: Một người mẹ thường khen con mình “Con trai mẹ thông minh nhất trên đời”. Bị mẹ “lừa dối” trong thời gian dài, đứa trẻ nghĩ rằng mình siêu tài năng và không chịu học hành chăm chỉ. Cậu bé thậm chí còn không thèm học thuộc lòng bài tập về nhà đơn giản nhất mà giáo viên giao cho. Khi được hỏi lý do, lúc nào trẻ cũng cho rằng mình thông minh , không cần phải học.
Khen ngợi đúng cách là gì? Tiến sĩ Lin Wencai, một chuyên gia về cha mẹ và con cái đã chia sẻ 3 điểm cốt lõi, nhiều cha mẹ áp dụng và thu được những kết quả khả quan với con cái mình:
1. Khen phải cụ thể, bàn đúng vấn đề, không chung chung
“Lớp học bổ túc ngân hà” là bộ phim từng gây sốt vào năm 2019. Trong phim, nhân vật người bố Mã Hạo Văn thường khen ngợi con mình là người điềm tĩnh và có khả năng suy nghĩ độc lập. Khi cậu con trai Mã Phi lớn lên, trở thành một phi hành gia, rồi gặp phải tai nạn máy bay, vào thời điểm quan trọng, anh lại nhớ đến lời động viên của cha mình, từ đó bình tĩnh tìm ra cách hạ cánh an toàn.
Một câu nói đơn giản “Con thật tuyệt vời” không bao giờ là con đường dẫn đến sự tự tin. Vấn đề là sự tuyệt vời ở đâu? Tại sao tuyệt vời? Những điều thiết yếu này chính là lời khen ngợi để trẻ rút kinh nghiệm và làm tốt hơn vào lần sau. Kiểu khen ngợi này khắc sâu vào lòng trẻ và sẽ có tác động rất tích cực đến cách cư xử trong tương lai của chúng.
2. Khen phải khẳng định cả quá trình chứ không chỉ khen kết quả
Bạn có để ý rằng ngày càng có nhiều trẻ em không thể chịu thất bại. Chúng khóc như mưa khi chỉ giành được vị trí thứ hai, thất vọng khi bản thân không được đánh giá cao nhất. Thực ra vấn đề nằm ở cách khen ngợi trong giai đoạn đầu.
Biết bao bậc cha mẹ đã nói với con câu này: Sao chỉ về nhì chứ? Về nhì không có gì tự hào cả. Nhất định sẽ có lúc con đứng thứ nhất cho mà xem. Ý định ban đầu là khiến trẻ bớt tự cao, nhưng cuối cùng, điều này lại khiến mọi nỗ lực của trẻ đều bị phủ nhận. Giống như bạn đã nỗ lực rất nhiều ở công ty, nhưng khi không đạt được mục tiêu cao nhất, sếp lại đánh giá bạn lười biếng, không làm được việc vậy.
Giáo sư Carroll của Đại học Stanford cho rằng: Rất không công bằng với trẻ em khi chỉ khẳng định kết quả mà không khẳng định quá trình, điều này sẽ làm cho các giá trị bị bóp méo. Khi con thành công, hãy ôm con vào lòng; khi con thất bại, hãy khen ngợi con đủ điều.
3. Khen phải đúng chỗ, không làm trẻ hiểu nhầm
Mọi người có xu hướng quy thành công là do sự nỗ lực của bản thân và thất bại cho lý do khách quan. Lấy một ví dụ đơn giản: Tôi đã đạt được 10 điểm trong bài kiểm tra này nhờ sự chăm chỉ thường ngày; lần này tôi đã trượt bài kiểm tra vì các câu hỏi quá khó. Đây là một sự phân bổ sai điển hình, nhiều người không thể tránh khỏi vòng luẩn quẩn này và trẻ em cũng không ngoại lệ.
Vì vậy, khi khen trẻ, chúng ta phải quy kết đúng, không gây hiểu lầm. Ví dụ: Nếu con tự mình dọn dẹp phòng, thì hãy khen ngợi trẻ có trách nhiệm, nếu dọn dẹp rất tốt, thì hãy khen ngợi con có tính ngăn nắp; Nối các lý do với nhau, đừng mù quáng khen ngợi “con thật tuyệt vời” hay “con thật thông minh”.
Nhà tâm lý học người Mỹ William James từng nói: Bản chất sâu xa nhất của con người là mong muốn được đánh giá cao. Đứa trẻ nào cũng mong được cha mẹ công nhận trong quá trình lớn lên. Điều cha mẹ cần học hỏi là làm thế nào để biến sự công nhận này thành động lực để con tiếp tục cố gắng mà không tự cao, kiêu ngạo. Đó mới chính là phương pháp khen ngợi đúng đắn.