5 năm trước, má tôi mất vì căn bệnh ung thư quái ác, để lại ba một mình. Không có người chăm, cãi nhau làm vui, ba sa sút, ít nói hẳn đi. Rồi ba bị tai biến nhẹ, may mà cháu tôi phát hiện kịp thời dấu hiệu khác thường của ông nội.
Ngày ba tôi nhập viện là cả vấn đề với anh em tôi. Anh hai bảo anh bị cao huyết áp, đau thần kinh tọa, tự lo còn không xong, nói gì đến việc lên bệnh viện chật chội, đông đúc đó. Chị tôi thì phải chăm cháu ngoại cho con gái đi làm ở thành phố.
Em trai tôi cũng từ chối với lý do nó là thợ hồ, tay làm hàm nhai, chăm ba thì ai lo cho vợ con nó? Dù chúng tôi nói sẽ góp tiền, coi như trả công lao động ngày em nuôi ba, nhưng em vẫn không đồng ý.
Một mình tôi có muốn cũng không thể lo cho ba suốt. May sao, việc thuê mướn người phụ cùng tôi cũng qua cái đận khó đó. Thấy con cái vất vả, ba tôi quyết định bán đất để thủ tiền, lo cho bản thân khi hữu sự, không phiền gì ai. Nghe ý định của ba, anh chị em tôi đều đồng ý.
Thế nhưng sau khi nhận đặt cọc của người ta, gió đã xoay chiều thành bão trong nhà tôi. Nghe ba tính chia cho mỗi đứa con 1,5 tỷ đồng, anh hai tôi phản ứng mạnh.
Anh nói khi xưa nhà nước chia đất dựa trên số nhân khẩu ở nhà. Nhà anh lúc đó là hai vợ chồng và năm đứa con cùng ở chung với ba, nên ba mới được nhiều đất vậy. Giờ anh nhận số tiền đó rồi chia cho con, vợ chồng anh đâu còn bao nhiêu. Như vậy là không công bằng. Con anh sẽ nghĩ gì về ông nội?…
Em tôi cũng “quay xe”, giờ muốn nhận đất chứ không muốn lấy tiền: “Chia đất cho tui, tui làm gì thì làm. Chứ tui không muốn lấy tiền. Bao nhiêu cũng không nhận”.
Dù tôi và chị tôi đã cố thuyết phục anh và em tôi bằng mọi lý lẽ là dùng tiền đó có thể đầu tư, mua đất khác hay có vốn làm ăn, để ba tôi được sống những ngày cuối đời trong an ổn. Tiền của cha mẹ cho dù là một đồng cũng là quý, vì đó là công sức của cha mẹ mình tạo dựng mà nên.
Nhưng bỏ ngoài tai tất cả, anh hai và em tôi vẫn kiên quyết kiện ba ra tòa với lý do vi phạm luật thừa kế. Mà người được ủy quyền là chị dâu tôi, với sự trợ giúp của đứa em họ của chị – một luật sư.
Đất đã bán và tình cũng cạn. Đã 3 năm qua, em tôi ở chung nhà nhưng không chăm lo gì cho ba. Lý do em không nhận tiền chia, vì vậy, vợ chồng em cũng không nấu ăn cho ba, để người hàng xóm phải nấu giúp đem sang. Con của em thấy ba tôi cũng như thấy người dưng qua đường, không hề chào hỏi.
Anh hai tôi thì trách ba coi thường mình nên đám giỗ má tôi anh tự cúng ở nhà anh, không bước chân đến nhà ba má tôi và cấm mấy đứa con, cháu mình nhắc đến ông nội, ông cố. “Ổng có thương con cháu đâu mà nhắc chi cho mệt”, anh hờn lẫy.
Ba tôi từ ngày nghe có đơn kiện của hai con trai, ông vẫn nói cứng: “Đất tui, tui bán, nó không chịu thì kệ nó”. Nhưng tôi biết ba tôi nuốt nước mắt vào trong. Ông không sang nhà hàng xóm chơi như xưa nữa, với lý do không khỏe, mà thật ra là ông xấu hổ với người ta. Ai về già cũng khoe con, khoe cháu làm ăn nên, học giỏi, mua nhà, sắm xe… Chứ ai như ông, về già chia của nhưng con cháu còn không chịu nhận.
Được ba cho tiền, tôi và chị gái mua một miếng đất gần nhà và cho thuê đất đó. Giờ nó đã tăng gấp đôi giá trị nhưng chúng tôi không muốn bán, vì tôi coi như miếng đất đó là của ông bà để lại, con cháu phải giữ gìn và bồi đắp thêm.
Riêng ba tôi – cụ ông 85 tuổi, tuần sau lại hầu tòa.
Theo Phụ nữ TP.HCM