Cô dâu hụt tên Vũ ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc chia sẻ với truyền thông: “Tôi quá sốc và tức giận. Tôi đã đòi bồi thường hơn một triệu tệ nhưng anh ta không chịu”.
Theo Vũ, họ yêu nhau được hai năm. Cô gái quê ở An Huy còn người yêu quê Trùng Khánh. Ở quê cô gái có tục lệ thách cưới cũng như đòi sính lễ cao. “Anh ta biết điều này, đã chấp nhận nhưng lại lật kèo ở những phút cuối”, Vũ nói. Mấy ngày nay cô chỉ vùi mình trong khách sạn thuê trước khi đám cưới diễn ra, không muốn ra ngoài.
Trương – chú rể hụt – sau khi đột ngột hủy hôn cũng từ chối lời xin lỗi từ phía gia đình Vũ. Người đàn ông này nói rằng, mọi việc đang diễn ra tốt đẹp, cả hai gia đình tất bật cho lễ cưới thì gia đình cô dâu bất ngờ đòi thêm tiền sính lễ, lên đến nửa triệu tệ khiến chú rể trở tay không kịp. Chán nản trước đòi hỏi này, anh quyết định chia tay, cho rằng vì chưa đăng ký kết hôn nên việc hủy đám cưới rất đơn giản.
Vì Vũ đang mang thai 5 tháng, nên Trương thương lượng bỏ đứa con. Tuy nhiên cô gái từ chối vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe sau này. Nhưng sau đó Vũ lại yêu cầu trả tiền cho ca phẫu thuật, đòi thêm tiền bồi thường nhưng bị từ chối.
Sính lễ “tăng chóng mặt” khiến cơ hội lấy vợ của nam giới Trung Quốc ngày càng thu hẹp
Sính lễ là một trong những phong tục cưới hỏi của người Trung Quốc, phổ biến ở nhiều địa phương. Chẳng hạn, ở Tứ Xuyên phải chuẩn bị từ 60.000 tệ đến dưới 100.000 tệ (210 – 355 triệu đồng), ở Quảng Đông chỉ 10.000-20.000 (35-70 triệu đồng).
Chi phí sính lễ cao nhất và tăng mạnh hàng năm tập trung ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, hoặc các tỉnh phía nam như Phúc Kiến. Một số trường hợp, các gia đình cạnh tranh xem ai có thể chi nhiều tiền nhất cho đám cưới hoặc tổ chức một hôn lễ hoành tráng hơn, khiến nhiều cặp đôi chìm trong nợ nần sau khi về chung một nhà.
Nhiều người chỉ trích số tiền khổng lồ chi cho sính lễ, nói rằng các gia đình “đang bán con gái” và “phô trương sự giàu có”.
Những người khác lập luận rằng truyền thống quy định hầu hết các bậc cha mẹ phải tặng quà cho cặp vợ chồng mới. “Ở Phủ Điền, nếu có lễ vật đính hôn trị giá một triệu tệ, trong hầu hết các trường hợp cha mẹ cô dâu sẽ trao hồi môn với con số tương đương. Tất cả tài sản đều thuộc về cặp đôi mới cưới”, một người dùng khác trên mạng xã hội Weibo lập luận. Một số người khác cho biết ở tỉnh Giang Tây cũng tương tự.
Trên Zhihu (một trang web hỏi đáp của Trung Quốc), một người cho biết: “Đời bố mẹ tôi về cơ bản chỉ cần con lợn đãi khách là xong. Cho đến năm 2011, tiền sính lễ bắt đầu bùng nổ và đến năm 2016 leo thang chót vót”.
Phụ nữ đã “qua một lần đò” vẫn thách cưới cao. “Tôi có một người anh họ đi xem mắt một phụ nữ đã ly hôn và có con một tuổi. Anh tôi đưa ra mức 200 nghìn tệ nhưng bị người phụ nữ đó từ chối”, một người chia sẻ.
Theo truyền thống Trung Quốc, sính lễ là một phần trong lễ kết hôn, bao gồm tiền mặt và những món quà khác như vàng, đồ trang sức để trao cho nhà gái. Các cô dâu cần phải đeo vàng khi kết hôn, thậm chí đeo tất cả vàng có được lên cơ thể. Một trong các mục đích là để chứng tỏ rằng gia đình nhà mẹ đẻ rất có thế lực và họ sẽ không bị ức hiếp khi gả vào nhà trai.
Tỷ lệ chênh lệch giới tính ở Trung Quốc (104 nam so với 100 nữ vào năm 2022) cũng góp phần khiến quà cưới cao “tăng phi mã”.