Nhiều bậc phụ huynh hiện nay thường có thói quen chiều chuộng con trẻ, làm giúp con mọi việc, con thích gì mua đó, lo lắng không cho con đến nơi này nơi khác vì sợ nguy hiểm. Trên thực tế, chăm sóc đúng mức sẽ giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh nhưng nếu quá nuông chiều sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành và tương lai của con.
Giáo sư, chuyên gia nổi tiếng về tâm lý học Lý Mai Cẩn từng khuyên các bậc cha mẹ “không nên nghe lời con cái”. Bạn càng chiều con, con càng dễ nổi loạn. Ở nhà trẻ muốn gì cha mẹ cũng đáp ứng, dần dần chúng sẽ cảm thấy tất cả những gì cha mẹ cho là đương nhiên. Không những không trân trọng mà còn dễ đòi hỏi hơn.
Một đứa trẻ như vậy sau này sẽ tự cho mình là trung tâm, không biết tự kiểm điểm bản thân và dễ đổ lỗi cho người khác. Đồng thời, khi trẻ quen với sự cưng chiều quá lâu của cha mẹ, chúng thường thiếu khả năng tự lập, chăm sóc bản thân, mọi việc đều ỷ lại cho cha mẹ.
Chắc chắn không phụ huynh nào mong muốn con mình khi trưởng thành vẫn phải phụ thuộc vào bố mẹ từng việc nhỏ nhất. Vậy nên nếu cha mẹ giúp trẻ thành thạo 3 kỹ năng này từ nhỏ, con cái sẽ ngày càng giỏi hơn trong tương lai và biết ơn bạn.
1. Tự chăm sóc bản thân
Một số cha mẹ luôn làm hộ những việc nhỏ nhặt nhất cho con, từ giúp mặc quần áo, đi tất, lau mặt mà không dạy chúng tự làm. Khi đến trường trẻ cũng không biết làm, phải nhờ đến cô giáo, khó có khả năng tự lập như các bạn đồng trang lứa. Cô giáo cũng có lúc bận rộn khi phải quan tâm đến tất cả các bé trong lớp. Khi đó, các con bạn sẽ phải làm thế nào?
Khi ở nhà, cha mẹ nên làm mẫu rồi dần dần tập cho con những việc trẻ có thể làm, những hoạt động phù hợp với lứa tuổi của con. Một số trẻ lúc đầu làm chưa tốt, cha mẹ không nên mất kiên nhẫn rồi làm hộ con luôn. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn khuyến khích trẻ tiến bộ, để trẻ có khả năng tự lập trong môi trường không có sự hỗ trợ của người lớn.
Nhờ biết chăm sóc bản thân từ nhỏ, sau này phụ huynh có thể dễ dàng dạy con làm việc nhà như nấu ăn, giặt giũ, lau dọn phụ giúp gia đình. Trong tương lai, kỹ năng này cực kỳ cần thiết và có ích nếu con cái học tập, làm việc xa nhà.
2. Tập trung
Trẻ em giàu trí tưởng tượng, tò mò và dễ bị thu hút bởi những điều mới lạ. Nhưng chúng cũng chỉ tỏ ra thích thú với một việc trong thời gian ngắn, tầm 3-4 phút. Tập trung là kỹ năng quan trọng nhưng vẫn còn ít phụ huynh quan tâm phát triển từ sớm cho con cái, dù 4-10 tuổi là giai đoạn quan trọng để rèn luyện.
Phụ huynh có thể cho con chơi những trò chơi rèn luyện trí óc, đòi hỏi sự tập trung cao. Nếu có thể hãy sắp xếp một góc học tập yên tĩnh, tập cho con học trong thời gian cố định và có khoảng nghỉ theo một số phương pháp như Pomodoro (học 25 phút – nghỉ 5 phút), hoặc điều chỉnh phù hợp với khả năng tập trung của trẻ.
Chúng ta đều biết tập trung sẽ giúp tăng hiệu quả học tập và làm việc, vậy nên rèn luyện sớm sẽ giúp trẻ rất nhiều trong tương lai.
3. Tự giác học hỏi
Học ở đây không chỉ là kiến thức sách vở ở trường lớp, mà còn là những kiến thức thực tế đời sống, cách đối nhân xử thế. Không phải lúc nào trong cuộc sống cha mẹ cũng có thể đồng hành cùng trẻ, vậy nên phụ huynh cần khơi gợi trong trẻ sự tò mò với thế giới xung quanh, gợi ý chúng cách đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trẻ đặt ra. Khi đó trẻ sẽ say mê tìm hiểu thông qua sách báo, internet… để nâng cao tri thức, càng trưởng thành càng tích lũy nhiều kiến thức.
Thành tích học tập có thể đại diện cho chỉ số IQ và khả năng tiếp thu kiến thức một chiều, nhưng việc phát triển thói quen học tập mọi lúc, mọi nơi sẽ có lợi cho trẻ suốt đời. Thành công trong tương lai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng học hỏi là con đường hiệu quả nhất để trẻ tự đi sau này mà không cần sự nâng đỡ của bố mẹ.
Kết lại
Phụ huynh thương con là đồng hành cùng con lớn lên bằng chính khả năng của chúng, không phải là lớn hộ con. Cha mẹ tốt sẽ không để chúng sống mãi dưới đôi cánh của chính mình, mà để con cái tự học cách bay.