Bữa tiệc 30.000 đồng của 9 người phụ nữ
Xóm trọ Nhân Đạo ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, đối diện cổng Bệnh viện K Tân Triều là nơi lưu trú của nhiều bệnh nhân ung thư.
Gần ngày 20/10, nhiều phụ nữ (bệnh nhân, người nuôi bệnh) đang thuê trọ tại đây cũng bất giác chạnh lòng.
Chị Nguyễn Thị Hà (33 tuổi, quê Thanh Hóa) đang chăm chồng bệnh cũng trải qua những ngày đặc biệt ở xóm trọ.
Chị Hà kể, một nữ bệnh nhân mắc ung thư phổi, nhìn thấy hình ảnh cơ quan của mình tổ chức tiệc liên hoan mà rơi nước mắt.
Nhiều người bệnh đã tiến triển ở giai đoạn nặng, di căn nhiều nơi nên tâm trạng vào dịp này càng thêm chùng xuống.
Để khuấy động không khí, ngày 17/10, chị Hà cùng 8 phụ nữ cùng xóm trọ nghĩ ra cách làm tiệc mừng ngày 20/10. Bữa tiệc như lời động viên mọi người cùng nhau cố gắng.
Sau khi bàn bạc, các chị em quyết định góp 30.000 đồng mua ốc để làm tiệc. Số tiền nhỏ nhưng nó lại rất ý nghĩa.
“Đã đến viện với căn bệnh ung thư thì nhà nào cũng eo hẹp về kinh tế. Chúng tôi chọn mua ốc để được nhiều, chị em có thời gian vừa ăn vừa tâm sự”, chị Hà cho biết.
Ngoài ra, mấy chị em tổ chức tiệc liên hoan ngày Phụ nữ Việt Nam sớm là để tránh ngày giỗ của chồng một nữ bệnh nhân ung thư phổi. Chị này đang trọ trong xóm và chồng chị cũng mất do mắc ung thư.
Sau khi một chị xung phong đi mua ốc, những người còn lại chia nhau thái sả ớt, pha nước chấm…
Đĩa ốc nóng hổi vừa được mang ra, 9 người phụ nữ ở nhiều độ tuổi ngồi xuống quây quần bên nhau. Họ vừa ăn vừa tâm sự.
Câu chuyện được nhắc nhiều nhất vẫn là bệnh tình của bản thân hoặc người thân. Có cơ hội chia sẻ, mọi người như được bớt gánh nặng bệnh tật.
“Ở đây có cả phụ nữ trẻ tuổi, trung niên và những cụ tóc bạc nuôi người bệnh. Người chăm chồng, người chăm con, con gái chăm bố… Ai cũng nặng trĩu tâm sự, chỉ chờ có giây phút thư thả để chuyện trò”, chị Hà xúc động.
Không chỉ người thuê trọ đùm bọc nhau, chủ trọ cũng rất tốt, thường mang đồ ăn ngon đến cho người thuê trọ. Phòng thoáng mát, sạch sẽ, được trang bị đầy đủ vật dụng mà giá thuê lại rẻ.
Món quà nhỏ ngày 20/10
Cũng như nhiều hoàn cảnh tại xóm trọ, mỗi ngày trôi qua với chị Hà đều vui buồn lẫn lộn. Hôm nào tái khám, bác sĩ báo bệnh tình của chồng chị ổn định thì vợ chồng vui vẻ.
Thế nhưng, hễ nghe chuyện ai đó bị ung thư di căn, chồng chị lại khóc. Người làm vợ như chị cảm thấy bất lực, không biết cách nào an ủi chồng.
“Chồng tôi đang chờ kết quả kiểm tra mà nghe tin anh kia mắc cùng loại bệnh vừa bị di căn vào phổi nên tinh thần suy sụp. Bởi vậy, tôi cùng chị em ở đây cố gắng động viên, tỏ ra vui vẻ, nhộn nhịp… cho người bệnh bớt nghĩ linh tinh”, chị Hà tâm sự.
Mấy hôm nay, chồng của chị Hà tập tành chống nạng, tự đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân… Anh không cho chị hỗ trợ mình và bảo phải tập dần cho quen.
Thương chồng, chị Hà trêu: “Anh cố gắng chữa bệnh, em kiếm đủ tiền sẽ lắp chân giả cho anh. Lúc đó, anh tha hồ đi lượn”.
Nghe vợ nói thế, chồng chị lại cười.
Rồi, anh hỏi chị: “20/10 năm nay, em không được tặng quà thì có buồn không? Mọi năm, ngày này, cơ quan của em liên hoan rực rỡ. Năm nay, em theo anh ở viện không được đi đâu thì buồn nhiều không?”.
Không đợi vợ trả lời, chồng chị Hà nói tiếp: “Thôi, vợ cố gắng ở đây với chồng nhé. Hôm sau, chồng khỏe, chồng mua quà bù cho 3 mẹ con”.
Những năm trước, chị Hà cùng đồng nghiệp đều diện áo dài, tổ chức nấu ăn mừng ngày 20/10. Năm nay, nhìn hình ảnh đồng nghiệp vui ngày lễ phụ nữ, chị Hà cảm thấy chạnh lòng.
Nhưng rồi, chị tự động viên chính mình: “Chồng cũng có tặng quà cho mình mà…”.
Quà của chồng chị là một chai nước trái cây được ông bà bán quán nước đầu cổng xóm trọ cho. Ông bà bảo anh mang về tặng vợ.
Anh ngại ngùng tặng chị: “Cho vợ này, uống đi mà lấy sức chăm chồng nhé. Quà 20/10 đó”.
Chị Hà cầm chai nước nhỏ, gượng cười để kiềm lại những giọt nước mắt đang ở khóe mi.
Ngoài chị Hà, một phụ nữ đang sống trọ tại đây cũng tận tụy chăm chồng. Đó là trường hợp cô Nụ (hơn 50 tuổi), có chồng bị ung thư thanh quản.
Cô mới bị tai nạn gãy 8 cái xương sườn nhưng ngay khi hồi phục, cô lại vào chăm chồng.
Hoặc, một bác gái chăm chồng bị ung thư phổi di căn lên não. Bà vừa chăm chồng vừa lo đám cưới cho con gái.
Trước khi về quê chuẩn bị cưới cho con, bà đến từng phòng nhờ mọi người lo cơm nước cho chồng. Thương người cùng cảnh ngộ, bà con trong xóm có gì ngon cũng mang đến cho.
Ở khu trọ còn có hai nữ bệnh nhân góa chồng. Một trong số đó phải nhờ mẹ già chăm nom.
Ngày nào, cụ già tóc bạc, lưng còng cũng dìu đỡ con gái đi dạo quanh xóm. Bà lo cho con gái từng miếng ăn giấc ngủ. Dù lớn tuổi nhưng bà luôn tỏ vẻ lạc quan, khỏe khoắn để động viên con gái.
Với chị Hà và những phụ nữ ở xóm trọ Nhân Đạo, món quà lớn nhất ngày 20/10 là sức khỏe của người thân. Chẳng có đóa hoa nào đẹp, món quà nào ý nghĩa bằng sự hy sinh của họ.