La mắng thậm tệ không phải cách dạy trẻ hiệu quả
Tiến sĩ Laura Markham, nhà tâm lý học lâm sàng kiêm tác giả cuốn Peaceful Parent, Happy Kids: How to Stop Yelling and Start Connecting từng phát biểu: “Quát mắng là cách giải tỏa sự tức giận nhưng đó không phải cách hiệu quả để thay đổi hành vi”.
Khi cha mẹ mắng mỏ con cái một cách thậm tệ, thậm chí có sử dụng bạo lực, bộ não của trẻ sẽ phát ra tín hiệu rằng chúng không được an toàn. Người đang quát mắng là mối đe dọa. Và sau đó trẻ sẽ xảy ra phản ứng chống trả hoặc bỏ chạy. Lúc này các vùng trung tâm học tập của não bộ sẽ đóng lại.
Hơn nữa, theo tiến sĩ Markham phân tích, khi giận dữ và bắt đầu la mắng, phụ huynh đang xem bản thân như một cái búa và con cái giống như cái đinh. Mọi lời phản bác của con, cha mẹ đều không công nhận. Điều đó khiến con cảm thấy mình không có giá trị, không được tôn trọng. Dần dần con sẽ xa lánh bố mẹ, không dám tự tin bày tỏ ý kiến.
Thậm chí, quát mắng có hậu quả tương tự lên trẻ như một hình phạt về thân thể. Nhiều nghiên cứu về tâm lý học trẻ em đã rút ra rằng, bạo hành ngôn từ và bị mắng thường xuyên có thể làm thay đổi cảm xúc và bộ não của con phát triển. Trẻ không thể điều chỉnh được cảm xúc của bản thân khi phải đương đầu với những tình huống giống bố mẹ. Chúng sẽ dễ giận dữ, nổi cáu…
La mắng mang nghĩa lên án mạnh, dùng những từ ngữ rất tệ trong cơn nóng giận để dạy bảo người khác, hoặc đơn giản là để “xả” cảm xúc của bản thân. Còn dạy bảo là giải thích lý lẽ, đúng sai của sự việc để con lắng nghe và chỉ ra cách làm đúng đắn cho con.
Nhiều phụ huynh không phân biệt được 2 khái niệm này, thành thử việc dạy con đi vào “ngõ cụt”. Thậm chí không ít người than phiền rằng: “Tôi cũng mắng con, chồng cũng mắng nhưng chẳng có hiệu quả gì. Nó càng lớn càng hư”.
Cách cha mẹ thông minh mắng con hiệu quả
1. Cha mẹ cần bình tĩnh trước
Sự nóng giận của bố mẹ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái. Vì vậy phụ huynh cần hít thở sâu, dù có nóng giận tới cỡ nào đi nữa thì cũng phải thật điềm tĩnh. Sự bình tĩnh giúp bố mẹ thấu hiểu hành động của con sai ở đâu, vì sao sai và cần dạy bảo chúng thế nào?
2. Quan sát trước khi trách mắng con
Phụ huynh cần quan sát hành vi của trẻ để xem xét việc la mắng đó có phù hợp không? Cần xem xét sự việc 1 cách thấu đáo để có cái nhìn tổng quan nhất. Từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về hành vi sai phạm của trẻ.
3. Thái độ của cha mẹ khi dạy bảo trẻ
Cha mẹ khi trách mắng con không nên quá nóng nảy, giận dữ, tuy nhiên cũng tuyệt đối không đùa cợt, biểu lộ thái độ dễ dãi. Phụ huynh cần có thái độ nghiêm túc khi phê bình trẻ. Khi con làm sai cần chỉ bảo chúng ngay lập tức. Bởi nếu để thời gian sau mới dạy bảo chúng, con có thể quên mất hành vi của mình.
Nên dùng những lời lẽ mắng mỏ ngắn gọn. Nếu nói nhiều, nhai đi nhai lại vấn đề, trẻ sẽ sinh tâm lý khó chịu và phản ứng lại. Hãy nhìn thẳng vào mắt trẻ để mắng, những lời này sẽ đọng lại trong tâm trí trẻ. Mắng đúng cách cũng sẽ tạo động lực cho trẻ cố gắng sửa chữa lỗi sai và làm tốt hơn nữa.
4. Chỉ phê bình những điều trẻ đã làm, không chỉ trích nhân cách
Khi mắng trẻ, mục đích chính của phụ huynh là cho chúng thấy hành vi của mình sai ở đâu, chứ không phải chỉ trích nhân cách hay trình độ, sự hiểu biết của con trẻ. Nếu cha mẹ la mắng kèm những câu nói chỉ trích nhân cách sẽ khiến con có cảm giác tự ti, không hài lòng và tin tưởng vào bản thân mình. Thậm chí là ghét bỏ bố mẹ.
5. Cùng nói lời xin lỗi với trẻ
Việc trẻ làm việc xấu hay làm những chuyện nguy hiểm thì la mắng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, có đôi lúc trẻ gây phiền phức cho bạn bè hoặc những người xung quanh. Những lúc như vậy, không nên chỉ la mắng mà bố mẹ hãy cùng con đến xin lỗi những người đã bị trẻ làm phiền.
Cha mẹ nên làm gương cho chúng thấy phải xin lỗi như thế nào. Việc khiến người thân phải xấu hổ, xin lỗi người khác vì mình, trẻ sẽ áy náy và tự giác thay đổi hành động hơn.
6. Không đào sâu khi trách mắng trẻ
Nếu con làm điều gì đó sai, cha mẹ nên để bé tự trải nghiệm hậu quả của hành vi đó. Không cần phải thuyết giáo quá nhiều. Khi mắng trẻ, cha mẹ cũng không nên đào bới những việc làm của con ở quá khứ để đay nghiến. Nếu những lời la mắng không giúp trẻ tự mình nhận ra và sửa lỗi thì đến một lúc nào đó, trẻ có thể bị chai lì, không bộc lộ cảm xúc nữa.
Khi trẻ đã thấy hối hận về việc làm của mình, cha mẹ nên dừng lại việc mắng mỏ trách phạt. Phụ huynh có thể ở bên cạnh trẻ, chờ đợi và làm những điều hợp với những việc trẻ đang làm.
7. Tỏ ra thông cảm với trẻ
Trẻ con cũng có lý lẽ riêng của chúng. Tuy nhiên vì còn nhỏ nên nhiều khi con chưa nhận thức được hành vi đó là đúng hay sai. Vì vậy khi bị mắng chắc chắn chúng sẽ cảm thấy oan ức, buồn bã. Thay vì “thao thao bất tuyệt” mắng con, phụ huynh nên dừng lại 1 chút để quan sát tâm trạng của trẻ. Nếu cha mẹ đọc vị đúng tâm trạng con lúc đó, trẻ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng. Bộ não sẽ phát ra tín hiệu an toàn. Từ đó con học hỏi, tiếp thu được nhiều hơn.
8. Không so sánh khi mắng trẻ
Rất nhiều phụ huynh khi mắng mỏ con cái thường so sánh chúng với “con nhà người ta”. Khi bị so sánh, trẻ sẽ cảm thấy thua kém bạn bè. Từ đó con dễ cảm thấy tự ti, hoặc khó có thể kết bạn với những người khác, đặc biệt là “nhân vật” thường xuyên bị cha mẹ lôi ra so sánh.
9. Chỉ ra sai lầm cụ thể, đưa giải pháp
Khi mắng trẻ, không nên nói chung chung con sai hay con hư mà hãy nói với chúng cụ thể hành động sai trái của bản thân. Sau đó hướng dẫn con cách giải quyết, nói lời xin lỗi và sửa đổi.
10. Nói những điều tốt của trẻ trước mặt người khác
Khi con làm sai, cha mẹ không nên bêu riếu chúng. Phụ huynh đừng tưởng chúng không biết gì, hoặc không để ý. Thực tế thì một câu nói xấu của bạn với người khác lọt tai trẻ, chúng sẽ ấn tượng hơn nhiều câu khen trực tiếp với trẻ. Do đó, hãy thay đổi cách “mắng” gián tiếp đến trẻ.
Phụ huynh nên tận dụng sự có mặt của người thứ 3 để nói về hành vi tốt của con. Như thế con sẽ cảm thấy tự hào về bản thân, muốn trở thành người tốt, giỏi giang, ngoan ngoãn. Tuy nhiên đừng khen ngợi chúng 1 cách quá đà, trẻ sẽ dễ ảo tưởng về bản thân, mắc bệnh ngôi sao và không nhận ra được bản thân cần phải cố gắng để hoàn thiện hơn.