Cái giá của cuộc sống độc thân

Xem bài viết

Cái giá của cuộc sống độc thân - Ảnh 1.

Nhiều người cho rằng hẹn hò là thứ xa xỉ trong tình hình hiện tại.

Sự thúc giục từ cha mẹ, dòng họ, bình luận khó nghe của bạn bè đã có người yêu, nhận xét ngẫu nhiên của một người xa lạ. Đó là trường hợp phổ biến với nhiều người Mỹ chưa lập gia đình khi đối mặt với các truy vấn về tình trạng mối quan hệ.

Tuy nhiên, ai cũng từng trải qua thời kỳ độc thân vào một thời điểm nào đó dù kết hôn sớm hay muộn. Gần 118 triệu người, trong đó nhóm trên 18 tuổi chiếm 46%, vẫn đang “cô đơn lẻ bóng”, số liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ.

Theo một cuộc khảo sát với hơn 2.000 người trưởng thành ở xứ cờ hoa do The Harris Poll thực hiện, 35% Gen Z cho biết họ cũng không tích cực tìm kiếm một mối quan hệ.

Việc không bị ràng buộc dường như không còn là vấn đề lớn trong xã hội ngày nay. Khoảng 68% người Mỹ tin rằng sự kỳ thị về độc thân đang dần giảm bớt.

Ngoài ra, bất chấp các lợi ích về hôn nhân do bạn bè và gia đình truyền đạt, những người đơn độc có xu hướng cảm thấy tự tin hơn trong việc quản lý tài chính cá nhân, theo Fortune .

Cái giá của cuộc sống độc thân - Ảnh 3.

Những người chưa lập gia đình cho rằng họ có khả năng quản lý tài chính cá nhân tốt hơn nhóm còn lại.

Áp lực

Thống kê của The Harris Poll cho thấy cứ 10 người Mỹ độc thân thì có 7 người nghĩ rằng trải nghiệm đó đã dạy họ cách sử dụng đồng tiền hiệu quả.

“Chúng ta cần xem xét lại nhận thức của mình về nhóm nhân khẩu học này. Điều quan trọng là độc thân không có gì xấu. Có rất nhiều mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa mà họ đang duy trì. Hãy chú ý đến cách lựa chọn sự kết nối của họ”, Libby Rodney, Giám đốc chiến lược tại The Harris Poll, nói.

Họ thích có nhiều thời gian hơn để tập trung vào đam mê, phát triển cá nhân và sự nghiệp. Hơn 8 trong số 10 người không muốn phải lo lắng về khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài chính với bạn đời.

Lisa Gralnek (45 tuổi), nhà sáng lập của công ty tư vấn chiến lược độc lập LVG & Co., cho hay những người đơn độc có xu hướng tự lực cánh sinh vì không có ai để gánh vác cùng.

Theo cách đó, họ sẽ trở nên toàn diện hơn dù không có đối tác hẹn hò. Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng.

Cái giá của cuộc sống độc thân - Ảnh 5.

Áp lực tiền bạc, các vấn đề trong cuộc sống sẽ nhẹ bớt khi có vợ/chồng cùng gánh vác.

“Tôi đã nỗ lực rất nhiều và hoàn thành các mục tiêu trong điều kiện của mình. Nhưng khi nhìn sang những bạn bè đang yêu đương, cho dù có nhiều tiền hay không, họ vẫn khá giả về tài chính hơn tôi”, Gralnek chia sẻ.

Trên thực tế, 3/4 người Mỹ cho rằng gánh nặng tiền bạc sẽ nhẹ bớt khi có bạn đời hỗ trợ. Đặc biệt là khi sinh hoạt phí như tiền nhà, thực phẩm hoặc hóa đơn hàng tháng được chia nhỏ.

Vào năm 2021, thu nhập hộ gia đình trung bình của các cặp vợ chồng là 106.921 USD. Phụ nữ độc thân kiếm được ít nhất 51.168 USD, trong khi nam giới là 70.525 USD.

Nhưng chi phí mà nhóm chưa lập gia đình phải đối mặt vượt xa các khoản chi tiêu thông thường.

Thời gian để thực hiện các nhiệm vụ mà một cặp đôi có thể chia sẻ, các biện pháp giảm thiểu rủi ro mà những người độc thân phải thực hiện vì không có mạng lưới an toàn và thậm chí cả sự phân biệt đối xử họ đang đối mặt, đặc biệt là đối với phụ nữ, tất cả đều tăng lên.

Mặt trái của độc thân

“Thuế đơn” (single tax) cũng là yếu tố gây khó chịu cho bộ phận không trong mối quan hệ tình cảm nào.

Theo Gralnek, khía cạnh tốn kém nhất của việc ở một mình là bỏ thêm nhiều công sức để hoàn thành các nghĩa vụ khác nhau, trong khi nếu có người giúp thì điều đó sẽ giảm đi phần nào.

60% người độc thân cho hay hẹn hò đang trở thành một thứ xa xỉ và ngày càng tốn kém do lạm phát.

“Thay vì mất thời gian, tiền bạc cho việc gặp gỡ ai đó thì tôi tập trung vào sự nghiệp, công việc và kiếm thêm thu nhập”, Gralnek nói.

Là một người chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ sống cô độc cả đời nhưng cô cũng không có ý định yên bề gia thất sớm.

“Cảm giác cô đơn khi ở bên ai đó còn tồi tệ hơn nhiều. Hạnh phúc khi đơn độc có lẽ là một cách nói quá. Thật tuyệt khi tìm được ‘nửa kia’ phù hợp, nhưng nếu chưa, tôi vẫn ổn với tình hình hiện tại”, Gralnek nói thêm.

Ngoài hẹn hò, nhóm không có người yêu thường phải tự hoàn thành các công việc hàng ngày.

Trừ khi thuê trợ lý cá nhân, quỹ thời gian của họ sẽ chia cho những việc lặt vặt như giặt khô, đổ xăng và nấu nướng.

Ngay cả khi đi du lịch, chi phí thuê phòng đơn cho một người cũng cao hơn.

Ngày nay, những người độc thân tại xứ cờ hoa có thể không gặp nhiều phiền phức khi chia sẻ thẳng thừng về hôn nhân, nhưng vẫn tồn tại một số bất bình đẳng. 79% trong số đó muốn chính phủ giảm thuế nhiều hơn cho họ.

“Thật không may, chúng tôi bị phân biệt đối xử rất công khai ở vài nơi”, Gralnek bày tỏ.

Cái giá của cuộc sống độc thân - Ảnh 8.

Những người sống một mình không thể chia sẻ việc nhà với ai.

Đối với Gralnek, rào cản lớn nhất là khi mua nhà. Sau khi bán căn hộ của mình ở Boston vào năm 2018, Gralnek chuyển đến thành phố New York và bắt đầu săn lùng nhà.

Khi được chấp thuận trước cho một khoản thế chấp lớn, cô đã bị nhân viên từ chối cho vay vì phát hiện ra tình trạng độc thân và đang tự kinh doanh.

Sau hai năm chờ đợi để tạo hồ sơ khai thuế cần thiết, Gralnek rơi vào tuyệt vọng lần nữa khi đại dịch Covid-19 bùng phát và ngân hàng thắt chặt chính sách tín dụng. Cuối cùng, dù có sẵn số tiền mặt kha khá, cô đành tạm mua một ngôi nhà ở Connecticut.

“Khi tôi đi ký giấy tờ, trên đó ghi là ‘Cô Lisa Gralnek, một phụ nữ chưa lập gia đình’. Luật sư của tôi nói đừng lo lắng về điều đó, đó chỉ là ngôn ngữ pháp lý tiêu chuẩn của Connecticut. Nhưng tôi thực sự quan tâm”, cô kể.