Yang Suo (sinh năm 1986, tại Tín Dương, Hà Nam, Trung Quốc). Gia đình Yang Suo tuy không có thế mạnh về tài chính nhưng cậu lại là con một nên rất được bố mẹ yêu chiều.
Nhiều người dân trong làng kể, khi Yang 8 tuổi, cha của Yang sợ con đi lại bị ngã nên đã cho Yang vào một chiếc giỏ tre và khiêng cậu đi. Tháng thu hoạch mùa màng, họ cũng mang con theo rồi kê một chiếc ghế dài nhỏ ven đường và để Yang ngồi trên đó đợi.
Yang Suo cũng có lúc muốn làm việc này hay việc khác nhưng cậu vừa làm được chút thì bố mẹ liền nhắc ra ngoài chơi, không cho cậu giúp.
Bi kịch ập đến vào năm cậu bé 13 tuổi. Cha Yang qua đời vì bệnh gan, gánh nặng gia đình dồn lên vai người mẹ.
Làm việc quá sức để nuôi cả nhà, sức khỏe của người mẹ càng giảm sút. Lúc này, bà đặt hy vọng vào con trai sắp đến tuổi trưởng thành sẽ thay mẹ cáng đáng, san sẻ trách nhiệm cùng.
Song, vốn quen chăm bẵm từ bé, Yang từ lâu đã thiếu đi khả năng tự chăm sóc, càng không biết phụ giúp việc nhà. Các động tác đơn giản hàng ngày như mặc quần áo, xúc cơm ăn, cậu vẫn phụ thuộc hết vào mẹ.
Năm Yang tròn 18 tuổi, mẹ cậu cũng ra đi. Còn lại một mình, cuộc sống của chàng trai càng khó khăn hơn.
Không kĩ năng sống, không công việc, Yang Suo xin làm trong một công trường nhưng không trụ được lâu. Vốn có cuộc sống không phải lo nghĩ gì, nay lại phải tự kiếm tiền nên “anh chàng lười” nhanh chóng bỏ việc. Từ ấy Yang Suo xin ăn người xung quanh và kiếm được gì ăn nấy, thậm chí phải ăn quả dại.
Ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, ai cũng học hành và mong ước một tương lai sáng lạn thì Yang Suo lại dần đánh mất thanh xuân. Đến mùa đông năm 2009 là lúc mùa Đông giá rét căm căm, anh chàng không thể đi ăn xin được nữa, thức ăn cũng chẳng kiếm được.
Cuối năm 2009, anh họ của Yang Suo thương tình mang cho Yang một chiếc chăn bông và một bữa ăn. Nhưng đến nơi, người anh này đã thấy Yang chết vì đói và lạnh.
“Em bé khổng lồ” đã qua đời trong chính căn nhà của mình, lúc này, Yang mới 23 tuổi.
Câu chuyện của Yang Suo vừa đáng trách lại vừa đáng thương. Sau này, người ta đã làm một bộ phim về Yang Suo để cảnh báo các bậc cha mẹ. Thông điệp của bộ phim là: Cha mẹ yêu thương con là lẽ đương nhiên nhưng việc nuông chiều trẻ quá mức lại hoàn toàn không có lợi cho con.
Vì sao cha mẹ không nên nuông chiều con quá mức mà nên cho chúng làm việc nhà từ sớm?
Các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đã có nhiều công trình tìm hiểu sự phát triển của những đứa trẻ được nuôi dạy theo phương pháp nuông chiều. Họ nhận ra rất nhiều hạn chế của nó. Dưới đây là một số kết quả tiêu cực đó:
– Con bạn không được chỉ bảo tường tận về những việc cần làm, nên chúng không học được kĩ năng giải quyết vấn đề, một kĩ năng quan trọng giúp chúng đưa ra các quyết định trong cuộc sống sau này.
– Cha mẹ ít kì vọng vào con thì chúng sẽ không có động lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi việc. Khi bạn không khuyến khích trẻ thử thách bản thân để đạt được những kết quả cao hơn thì chúng không thể trở thành những người tốt hơn.
– Trẻ chưa đến tuổi đi học có nguy cơ gặp các vấn đề về tinh thần cao hơn bao gồm chứng trầm cảm và sợ hãi.
– Trẻ có thể cư xử hung hăng hơn bình thường. Khi trẻ không được dạy dỗ cách kiểm soát cảm xúc một cách đúng đắn, chúng sẽ hành xử một cách hung hăng.
– Những trẻ vị thành niên có nguy cơ gặp nhiều vấn đề về hành vi cao hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc nuôi dạy con dễ dãi dẫn đến gia tăng tỷ lệ sử dụng rượu bia, trở thành học sinh cá biệt ở trường và kết quả học tập kém.
Trong nghiên cứu Grant Study của trường Y Harvard, các nhà khoa học kết luận nếu trẻ muốn thành công khi lớn lên, các em phải làm việc nhà từ sớm.
Làm tốt công việc nhà được giao có thể khiến trẻ tự hào về bản thân. Trẻ sẽ cảm thấy mình có ích và giúp đỡ được bố mẹ. Không chỉ vậy, thường xuyên làm việc nhà sẽ khuyến khích tính tự lập của trẻ.
Nếu có thể làm tốt một việc gì đó, những lần sau trẻ sẽ tự động làm mà không cần bố mẹ phải nhờ vả.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra, trong quá trình phát triển của trẻ, ý thức trách nhiệm liên quan mật thiết với phát triển kỹ năng vận động, năng lực nhận thức. Ở một số quốc gia như Mỹ, trẻ dù lớn hay nhỏ đều được xác định vai trò trong gia đình và được dạy sống có trách nhiệm.
Bố mẹ Mỹ thường yêu cầu trẻ làm việc nhà. Những công việc mà trẻ có thể tự làm thì bố mẹ sẽ không làm thay. Điều này không chỉ giúp trẻ có năng lực làm việc mà còn sống chăm chỉ, có trách nhiệm suốt cuộc đời.
Đối tượng nào dễ mắc rối loạn trầm cảm