Khi đó, Hà đi cùng một người bạn ra quán cafe gần bờ biển và tình cờ gặp Sơn. Hà nói cô “còn bỡ ngỡ lắm vì mới đặt chân sang vùng đất mới, đang bận ngắm cảnh, quên nhìn người”. Nên kết quả là Hà chỉ buông lời chào hỏi Sơn rồi quay đi. Bẵng đi vài tuần Sơn nhắn tin ngỏ ý rủ Hà đi gặp gỡ làm quen nhưng cô đã từ chối.
Trong ba năm liền, đôi bạn cùng sinh năm 1996 theo đuổi các chương trình học tại Cuba và chưa có lần gặp gỡ thứ hai dù họ ở ngay gần nhau. Trường Sơn học cách bến xe bus mà Hà hay đi qua chỉ có ba bước chân. Nhưng sự sắp đặt của định mệnh đã khiến cả hai một lần nữa chạm mặt vào cuối năm 2018 tại một bữa tiệc. Lần này, cả hai có cuộc trò chuyện lâu hơn. Sơn nói: “Trước khi gặp mặt Hà, tôi cũng đã biết và nghe mọi người trong cộng đồng du học sinh kể nhiều về cô ấy. Hà quả thực rất xinh”. Trong khi đó, Hà lại được nghe kể về Sơn là một người ít nói và trầm tính. Nhưng lúc gặp gỡ Sơn, Hà cảm thấy con người anh rất khác xa lời đồn.
Từ những lần chuyện trò như những người bạn, giữa cả hai nảy sinh thứ gọi là tình yêu. “Đằng sau vẻ bề ngoài lạnh lùng, Sơn là một người rất ngọt ngào và hài hước một cách… nhạt nhẽo. Tôi phải lòng Sơn vì sự tốt bụng, ân cần của anh ấy. Sơn trong mắt tôi là một anh người yêu nếu nếu ráng cười sẽ chỉ thấy hai đường chỉ trên mắt. Ban sáng anh sẽ hỏi: ‘Ai? Ai bắt nạt em yêu của anh?’, rồi tối về luôn ngọt ngào thủ thỉ: ‘Có chuyện gì cũng phải nói anh nghe’. Anh còn có sở thích mang người yêu đi khoe cả thế giới nữa… Đây chắc hẳn là một điều vô cùng đáng khen tới từ phía nam chính của câu chuyện”, Hà nói. Hà cho biết Sơn đã đến và luôn ở bên cô lúc vui, buồn và cả lúc suy sụp nhất, khiến cô rất biết ơn.
Hà cho biết khi Covid-19 ập tới, dịch bệnh bùng phát, cộng thêm sự thiếu hụt nhiều mặt hàng làm cuộc sống tại Cuba càng khó khăn hơn. Lúc làm xong thủ tục quay về Hà Nội, cả hai vẫn gặp nhiều trắc trở và chặng bay bị trì hoãn. “Nhưng chính lúc chuyến bay bị hoãn, chúng tôi đã có cơ hội để lại một dấu ấn thông qua lời mời tham gia một tập phim trên sóng truyền hình quốc gia. Nhìn lại, quãng thời gian hai năm dịch bệnh ấy, dù có vô vàn sóng gió, chúng tôi vẫn thấy được nhiều hơn là mất”, cặp 26 tuổi nói.
“Trong quá trình yêu, chúng tôi không gặp thử thách, cám dỗ gì lớn. Tuy nhiên, lúc mới yêu, tôi có cái nết cứ giận là im lặng. Hiện tại tôi hiểu được tầm quan trọng của việc nói ra tâm tư, muộn phiền trong lòng mình. Sự cáu giận phải được làm rõ để cùng nhau tìm hướng giải quyết. Nếu cứ im lặng thì mình bực là một chuyện, nhưng đồng thời cũng tạo áp lực và những căng thẳng không đáng có cho người mình yêu. Giờ tôi vui cũng kể, buồn cũng kể, lúc hậm hực cáu giận càng phải kể để nửa kia hiểu rằng: Họ có thể vô tình đang làm tổn thương mình, tìm cách dỗ dành đi nhé”, Hà cười nói.
Hà cho biết chuyện cảm động cả hai đã làm cho nhau rất nhiều, như một cuộc thi. Cả hai thường tặng nhau những đồ vật mà đối phương thực sự cần. “Mà làm sao để nhận ra nửa kia của mình đang thiếu một đồ vật gì đó mà không cần nghe người ấy nói ra? Đó là từ sự để ý, sự thương yêu. Món quà tuy hình thức vật chất nhưng lại mang giá trị tinh thần nhiều hơn”, cô nói. Món quà Sơn tặng khiến Hà cảm thấy cảm động nhất là những món anh gửi tặng ba mẹ Hà. Cô cảm nhận được Sơn không chỉ yêu thương mình mà còn yêu thương những người quan trọng nhất với cô và là một điểm cộng lớn.
Khi về nước để lập nghiệp, cô nàng freelance về báo chí, thiết kế và anh chàng bác sĩ viện răng hàm mặt TW Hà Nội khó dành cho nhau nhiều thời gian như trước. Nhưng cả hai vẫn tranh thủ từng phút giây để gặp mặt, để quan tâm nhau. Điều mà Hà và Sơn tâm niệm khi yêu là luôn tôn trọng, cư xử chân thành và dành cho nhau tình cảm nồng cháy.
Từ câu chuyện của bản thân, Hà muốn dành một câu cho những người đang yêu: “Cả tuần miệt mài hăng say làm lụng, cuối tuần thảnh thơi, bạn hãy nhớ qua ngó nghiêng gương mặt cười nhăn nhở của người ấy. Đôi lúc buồn vẩn vơ, hãy nhớ đắm đuối an ủi người ấy, vỗ về để trái tim lại thổn thức, cuộc đời lại vui tươi”.
Hằng Trần