Gia cảnh tốt cũng không thể cứu nổi bạn trước bão giông cuộc đời nếu bạn thiếu kỹ năng tự làm chủ cuộc sống. Câu chuyện của ông Yoshihisa Maeda (70 tuổi, sống ở Nhật Bản) là một ví dụ điển hình. Cả thời trẻ, ông chỉ sống phụ thuộc vào bố mẹ, em gái. Cho đến khi họ mất đi thì ông trơ trọi, việc gì cũng không thể tự làm.
Suốt hơn mấy chục năm, ông không kết hôn, chỉ sống nhờ tài sản của cha mẹ để lại. Rác thải cứ chất thành núi trong nhà.
Chuyện của ông Yoshihisa Maeda được giới thiệu chương trình có tên “Có Thể Về Nhà Cùng Bạn Không” đã khiến không ít người bất ngờ. Theo lời chia sẻ, ông Yoshihisa Maeda vốn là con nhà dòng dõi, gia thế giàu có, sở hữu bất động sản nhiều đến mức không kể xiết. Bởi thế từ nhỏ tới lớn, ông Maeda chưa bao giờ phải tự làm bất kỳ điều gì, dù là việc lớn hay nhỏ. Ông chỉ có một việc duy nhất chính là đi học.
Bước ngoặt xảy đến khi ông liên tiếp thi trượt kỳ tuyển sinh đại học. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đều đỗ vào các trường tốt như ĐH Waseda, ĐH Waseda…, ông là người duy nhất bị bỏ lại.
Sống trong mặc cảm tất cả bạn bè đều thi đỗ thành tài, ông Maeda bỏ học hẳn vì không thể tập trung như trước. Gia đình thấy vậy cũng tìm cho ông một công việc, thế nhưng làm chỉ được 2 năm, ông chủ động nghỉ vì bất mãn khi bị chủ la mắng. Từ công tử con nhà giàu, ông trở thành kẻ cùng đinh của xã hội.
Áp lực cuộc sống và tâm trạng u uất lại càng khiến ông Yoshihisa Maeda uống rượu nhiều, gây tổn thương thận. Cuối cùng, ông trốn ở nhà, sống một cuộc đời của một hikikomori (là hiện tượng những người tự giam mình trong căn phòng đơn lẻ). Ông từ chối tham gia vào đời sống xã hội và gia đình trong thời gian dài hơn 6 tháng, chỉ liên hệ duy nhất với người thân trong gia đình (người bị bệnh nặng gia đình người thân cũng không quan tâm).
Đến lúc cha mẹ qua đời, ông thừa kế mọi thứ và xác định sẽ tự kết liễu đời mình sau khi tiêu hết khối gia sản khổng lồ này.
Hiện tại, ông cũng đã sử dụng gần hết số tiền của bố mẹ và em gái để lại. Hàng ngày, ông chỉ đi mua đại một thứ gì đó thật rẻ và ăn cho đỡ đói, sống tạm qua ngày.
Bản thân ông Maeda cũng chỉ lủi thủi một mình, không có bạn bè, không giao tiếp với bất kỳ ai. Ông chỉ ra ngoài khi thật sự cần và để mua đồ ăn. Tính đến thời điểm hiện tại, ông ở trong nhà như vậy được khoảng 10 năm liền. Khi được chương trình hỏi: “Tại sao ông không dọn dẹp căn nhà, có phải là do lười biếng?”, ông cho biết gia đình mất đi khiến ông không thấy ý nghĩa cuộc sống nữa, mọi thứ không còn quan trọng.
Sau khi quay xong, ekip chương trình còn gom góp tiền để dọn dẹp căn nhà giúp ông vì không thể chịu đựng nổi cảnh đồ đạc “chất thành núi”. Họ cũng kêu gọi mọi người nếu có thể thì hãy đến và nói chuyện, chia sẻ cùng ông, để ông có thể tìm lại niềm vui, ý nghĩa sống.
Khi cha mẹ không để con trưởng thành!
Đa số cha mẹ cho rằng con cái mình chỉ có thể thụ hưởng cuộc sống hạnh phúc khi không phải lo lắng về tiền bạc, địa vị, quyền lực. Một cách tự nhiên, thu nhập, nhà cửa, tiện nghi sinh hoạt, chức tước trở thành mục tiêu truy cầu trong tâm thức của nhiều gia đình.
Phụ huynh mong mỏi và sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả can dự vào đời sống cá nhân của con cái với hy vọng con “bằng bạn bằng bè”, ngang bằng, thậm chí vượt lên các cá nhân khác về phương diện đời sống vật chất.
Tuy nhiên, vì cha mẹ bao bọc nên con thiếu tự lập, thấy con lớn dần và thiếu tự lập, cha mẹ lo lắng hơn và lại tiếp tục bao bọc. Chính thế nên nhiều bạn trẻ chỉ lớn về thể xác mà không trưởng thành về tinh thần.
Sự bao bọc cũng khiến đứa trẻ cho mình là trung tâm của vũ trụ, muốn gì được nấy, thích gì làm nấy, thiếu kỷ luật, thiếu trách nhiệm với bản thân và cả những người xung quanh. Trong quyển sách “Con cái chúng ta đều giỏi”, nhà giáo dục Adam Khoo đã dẫn chứng về kiểu bố mẹ nuông chiều con quá mức và kết quả là đứa trẻ phạm tội phải vào tù. Câu chuyện này không hề hiếm trong xã hội hiện tại.
Cha mẹ nào trên thế giới cũng yêu thương con, chỉ có cách yêu thương là khác nhau. Như Sara – tác giả quyển sách dạy con nổi tiếng “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” đã so sánh: tình yêu thương con của người mẹ Trung Quốc (đại diện cho cả phương Đông) hình tử cung tức họ luôn muốn bao bọc con mình, hậu quả là trở thành nô lệ cho chính con.
Tình yêu thương con của người mẹ Do Thái hình ngọn lửa, hun đúc con mình trở thành những người mạnh mẽ, nhưng cũng rất ấm áp tình cảm. Bằng cách yêu thương nhưng vẫn nghiêm khắc rèn cho con sự tự lập mà cả ba người con của Sara đều thành người thành đạt, đáng trân trọng hơn, cả ba đều hiếu thảo, biết cách quan tâm người xung quanh và có trách nhiệm với cộng đồng.
Bởi vậy, ngày nay, yêu thương con tốt nhất không phải là bao bọc lấy con mà là hướng dẫn cho con cách để con tự đương đầu với cuộc sống, để rồi cha mẹ có thể tự tin, thanh thản nhìn con trưởng thành.