Chồng đòi “bố mẹ ai người ấy tự lo”

Xem bài viết

Chồng đòi

Ảnh minh họa: Theo Phụ Nữ Việt Nam.

01

Phương và chồng kết hôn đã 7 năm nay. Khi còn yêu, Hải – chồng Phương là một người đàn ông khá dễ chịu. Anh biết quan tâm đến bạn gái, luôn lo lắng cho cô rất nhiều. Tuy nhiên, đến khi kết hôn rồi, Phương mới nhận ra người chồng mình chọn đúng là biết quan tâm. Tuy nhiên, anh chỉ quan tâm đến một mình Phương thôi. Những người xung quanh cô như gia đình, mẹ, Hải không bao giờ để tâm tới.

Phương đã từng nói chuyện với Hải để trao đổi về việc này. Cô hoảng hốt với câu trả lời của anh: “Anh cưới em chứ không cưới cả nhà em nên anh chỉ quan tâm đến em là đủ. Đừng bao giờ bắt anh phải có trách nhiệm với cả gia đình em nữa”.

Tuy nhiên, cái Phương cần đâu phải là trách nhiệm gì nặng nề như Hải lên án. Đơn giản như chuyện mẹ Phương lên chơi, Hải đứng lại nói chuyện, hỏi han anh cũng không làm được. Bố Phương đã mất, ngày giỗ bố vợ mà Hải cũng đủng đỉnh viện cớ bận để không tham gia.

Sự vô trách nhiệm đó của chồng khiến Phương dần dần lạnh lòng. Càng nói nhiều, hai vợ chồng chỉ càng cãi vã hơn mà thôi.

02

Càng sống với nhau, Phương càng nhận ra nhiều tính xấu của chồng. Anh ích kỷ, không biết lo toan. Đến nỗi bố mẹ chồng cũng biết chuyện, nhắc nhở con trai nhưng không ăn thua.

Có lần Hải tức tối vì Phương mang chuyện này về tâm sự với mẹ anh, Hải đã quay sang mắng mỏ Phương, nói rằng cần thì chia ra. Anh ta lo nhà nội, Phương lo nhà ngoại, tiền nong chi tiêu trong nhà chia đều. Cả hai chẳng đụng chạm gì đến chuyện này đỡ cãi vã.

Nói thì như thế nhưng Phương làm sao mà không đối nội đối ngoại cho được. Cô vẫn thường xuyên hỏi thăm bố mẹ chồng, biếu ông bà một chút tiền sinh hoạt.

Thất vọng với chồng, Phương tập trung vào chuyện công việc, chăm sóc con gái nhỏ. Sự nghiệp của cô đi lên, thu nhập ngày càng tăng cao. Trái lại, cơ quan Hải giảm biên chế, anh đúng lúc nằm trong danh sách đó. Hải bắt đầu đi kiếm việc bên ngoài, cuộc sống ngày càng chật vật.

Cuộc sống gia đình Phương vẫn thế, hàng tháng tiền học cho con, tiền ăn, tiền điện nước cô đều chia đôi hóa đơn, chẳng cần đôi co nhiều.

Một ngày nọ, bố mẹ chồng quyết định xây nhà mới. Hải quay sang mong muốn được làm lành và yêu cầu Phương chi một khoản để biếu ông bà, coi như hai vợ chồng có trách nhiệm. Anh nói với vẻ hiển nhiên, bảo rằng mình bây giờ khó khăn, chẳng đủ tiền. Phương nghe mà bật cười.

Suốt mấy năm qua, chưa một lần Hải mua biếu bố mẹ mình giỏ hoa quả hay gói quà Tết. Anh thực hiện đúng chính sách “bố mẹ ai người nấy chăm” thế mà bây giờ lại yêu cầu như vậy. Phương không nói ra chẳng phải cô ngu ngốc mà cô đã thất vọng tột độ rồi. Những năm qua, vợ chồng sống mà như khách trọ chung nhà, nếu không phải vì con gái chắc Phương đã quyết định ly hôn.

Cô nói thẳng: “Bố mẹ xây nhà em sẽ biếu một ít tiền nhưng đó là tấm lòng của con dâu và cháu, không gộp chung hai vợ chồng với nhau được đâu. Nếu như anh muốn thể hiện trách nhiệm thì tự mình biếu bố mẹ. Chính anh đã đề nghị kiểu sống này mà, từ lúc cưới đến bây giờ đến tiền mua đồ chơi cho con anh cũng về đưa hóa đơn để chia đôi đấy”.

Hải nghe mà tê tái nhưng đến bây giờ, nói gì cũng đã muộn rồi. Bây giờ muốn thể hiện trách nhiệm, gạt đi ích kỷ của mình cũng không kịp nữa.

03

Cuốn tiểu thuyết Vi thành (Thành phố bị bao vây) của nhà văn Trung Quốc Tiền Chung Thư có viết: “Hôn nhân giống như một thành phố bị bao vây, người bên trong muốn đi ra, người bên ngoài muốn vào”.

Có những vấn đề xảy đến trong cuộc sống vợ chồng mà đôi khi người ngoài biết được, họ lại nghĩ chỉ là lời đùa mà thôi. Câu chuyện của vợ chồng Phương Hải có lẽ cũng như thế.

Khi bắt đầu mối quan hệ, cặp vợ chồng nào cũng hướng tới tương lai với những mong ước tốt đẹp nhất. Tuy nhiên khi ở bên nhau một thời gian dài, sự tươi mới và những ước ao ban đầu dễ bị mài mòn. Kéo theo đó là cả những mâu thuẫn khó lòng giải quyết khiến cho mối quan hệ giữa hai vợ chồng khó bền chặt.

Với hôn nhân, sự gắn kết dành cho nhau không phải ở riêng phương diện tình cảm hay cảm xúc. Một khi đã về chung một nhà, hai bên phải có trách nhiệm với nhau.

Sự trách nhiệm đó đâu dừng lại ở phương diện chỉ gói gọn ở vợ hoặc chồng. Nó còn là trách nhiệm đối với gia đình hai bên. Đừng bao giờ tồn tại tư tưởng cưới chồng cưới vợ thì chỉ cưới một mình người đó. Dù sao đi chăng nữa việc đối nội, đối ngoại cũng là vấn đề phải lưu tâm.

Đôi khi, những ông chồng vì sự ích kỷ của riêng mình đã khiến mối quan hệ của cả hai trở nên lạnh nhạt tột độ. Họ giống như những khách trọ chung nhà, làm gì cũng phải chia đều, sợ hãi việc đối phương chiếm phần lợi thế.

Một cuộc hôn nhân thiếu vắng đi trách nhiệm dành cho nhau là thiếu đi phần cốt lõi. Họ tự biến tổ ấm của mình trở nên không vững chắc, mất đi nền móng cơ bản nhất khiến cho nó có thể lung lay, đổ xuống bất cứ lúc nào.