Hôm 13/9, vợ chồng ông Mong Phước Minh (74 tuổi) và bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc (70 tuổi, sống tại Long Xuyên, tỉnh An Giang) vừa hoàn thành chuyến khám phá một tuần trong rừng nguyên sinh Nam Trường Sơn thuộc tỉnh Đắk Nông.
Không sóng điện thoại, hoàn toàn thanh tịnh giữa rừng già, ông bà vừa cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, vừa tâm đắc “một trải nghiệm quá tuyệt vời!”.
“Hơn 10 năm dầm mưa dãi nắng phượt khắp vùng miền Tổ quốc, đã đủ rồi cái thời ngang dọc đội nắng phơi sương”, ông Minh nói.
Những “cuộc rong chơi” của đôi vợ chồng U70
Những năm 1975, ông Minh là kỹ sư nông nghiệp, còn vợ là kỹ sư hóa học, cùng công tác tại trường Đại học Cần Thơ. Sau này, ông bà chọn từ bỏ công việc để về quê Long Xuyên lập nghiệp.
Trong một lần dẫn bạn đi mổ bướu tuyến giáp ở Sài Gòn, bà Cúc phát hiện mắc khối u ác tính, được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy hóa trị.
Một năm sau, bà được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng, phải cắt bỏ và tiếp tục hóa trị.
Những biến cố cuộc đời lần lượt ập đến khiến ông Minh tuyệt vọng. Bước ngoặt cuộc đời xảy đến khi ông quyết định bỏ lại hết sau lưng những khó khăn, cùng vợ “đi khắp thế gian”, bởi ông quan niệm: “Cuộc đời này ngắn lắm, ta có thể khiến nó dài hơn qua những chuyến đi”.
Vợ chồng ông Minh bắt đầu đi phượt từ năm 2011, sau một chuyến săn ảnh với những người bạn ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Nhóm 5 người, đèo nhau trên 3 chiếc xe máy, khởi hành từ sáng sớm một ngày giữa tháng 12/2011.
Hôm sau, chưa vội về, cả nhóm lái xe qua Campuchia chơi. May mắn, tất cả thành viên đều mang theo hộ chiếu. Họ đã cùng nhau tham quan, ngắm cảnh một ngày, trước khi về lại Long Xuyên.
“Qua chuyến đi này, vợ chồng tôi cảm thấy thích thú khi đi phượt bằng xe máy”, ông Minh nói. Đây cũng là bước đệm cho những chuyến đi đến các quốc gia khác của ông bà sau này.
Tháng 2/2012, ông Minh và bà Cúc phượt 700km trên xe máy Daehan 125 phân khối mua từ năm đầu thế kỷ XXI, từ Long Xuyên xuống bán đảo Cà Mau, đến Rạch Giá rồi về lại Long Xuyên trong vòng 4 ngày.
Ông Minh nói “cuộc rong chơi’ này là để rèn luyện kinh nghiệm lái xe đường dài, tạo hứng thú và động lực cho chuyến đi Lào hai tháng sau. Dù đến phút chót, những người bạn đồng hành đều bỏ cuộc, ông bà vẫn quyết tâm chinh phục thử thách.
Những năm sau đó, vợ chồng ông Minh “độc hành” nhiều nơi, xuyên Đông Dương bằng xe khách qua Campuchia – Thái Lan – Myanmar (2013), xuyên Việt bằng xe máy 2 lần (2015-2018), xuyên Mỹ từ Đông (Atlanta, Georgia) qua Tây (Los Angeles, California), bằng xe khách và tàu hỏa (2017), xuyên Úc từ Sydney xuống Canberra rồi Melbourne bằng xe khách và tàu hỏa (2019).
Hai năm Covid-19 “trói chân” cặp vợ chồng già, cũng không thể ngăn họ thực hiện những chuyến đi khám phá vùng Duyên hải bằng con xe việt dã 5 chỗ những lúc dịch bệnh được kiểm soát.
Đầu năm 2022, ông bà khởi động lại “cuộc rong chơi” bằng chuyến phượt Hà Giang theo tour.
Trước mỗi chuyến đi, ông Minh luôn duy trì thói quen cùng vợ thắp hương lên các bàn thờ, cầu nguyện hành trình bình an và con cháu ở nhà mạnh khỏe. Bà Cúc thường chuẩn bị đủ thuốc men, áo mưa, dù, đèn pin, nồi cơm mini…
Đi đâu cũng vậy, ông bà tuân thủ nguyên tắc không đến điểm kế tiếp sau 4h chiều để đảm bảo an toàn.
“Chúng tôi có trách nhiệm với bản thân và gia đình, hứa với các con rằng phải đi thật an toàn để chúng yên tâm. Mỗi ngày, cả hai đều gọi điện thoại về nhà”, ông Minh kể.
Dù mỗi chuyến đi luôn ẩn chứa cảm giác mạnh, nhưng hai “phượt thủ” đều dựa trên kiến thức và vốn hiểu biết để sắp xếp lộ trình, nhấn mạnh “đi chơi, đi du lịch, chứ không phải đi tìm cái chết”.
10 năm qua trên các hành trình, điều vợ chồng ông Minh cảm thấy may mắn nhất là chưa từng xảy ra sự cố nghiêm trọng ngoại trừ một vài lần xe bị bể bánh.
Khoảnh khắc không thể quên trong đời
Sau mỗi chuyến đi, ông Minh thường chỉnh sửa ảnh, ghi chép lại nhật ký hành trình rồi chia sẻ với bạn bè qua email, diễn đàn phượt hay những năm gần đây là mạng xã hội Facebook.
“Độc hành cùng vợ bằng xe máy mới cảm nhận được hết những vẻ đẹp trên từng cung đường, mà nếu đi theo tour sẽ chẳng thể biết được”, ông Minh tâm sự.
Có lần, hai vợ chồng chạy xe máy 120km đi qua cánh rừng già, từ biên giới Việt Nam sang Attapeu (Lào). Đường đi suốt 50km không người, không nhà cửa, chỉ có ông bà lọt thỏm giữa miền núi rừng.
Lần khác, trong chuyến đi bụi bằng tàu hỏa và xe buýt xuyên nước Mỹ, có những chặng đường dừng lại hai, ba trạm để đổi xe, đổi tài xế, vợ chồng ông Minh phải bám những người đi cùng vì sợ nhầm chuyến. Nhờ biết chút ít tiếng Anh, ông bà hỏi thăm đường sá và mua thức ăn khi cần thiết.
Đặc biệt, khoảnh khắc khiến người đàn ông U70 bật khóc, không thể nào quên trong cuộc đời, là một buổi chiều khi rời Bangkok (Thái Lan) để đi qua Yangon (Myanmar) bằng đường bộ.
Bà Cúc đi phía trước, dắt chiếc xe đạp gấp màu xanh. Ông Minh theo sau, chở hành lý trên chiếc xe màu đỏ, từ homestay đến điểm hẹn xe khách chừng 1km.
“Bà ấy đã theo tôi mấy chục năm. Dù đi bằng xe máy hay xe đạp, người phụ nữ ấy vẫn luôn ngồi phía sau để cùng tôi chinh phục mọi nẻo đường. Ở xứ lạ quê người, dáng đi phía trước của vợ khiến tôi xúc động”, ông Minh nói.
Những cảm xúc hạnh phúc dù trải qua hàng chục năm vẫn còn vẹn nguyên, khiến ông bà bồi hồi mỗi khi hồi tưởng.
Ông Minh tâm sự, dù đã đặt chân đến nhiều đất nước, nhưng khi nhìn lại, chỉ có quê hương Việt Nam là đẹp nhất.
Ông ấn tượng với đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) – tứ đại đỉnh đèo, thác Bản Giốc (Cao Bằng) – ông đã khóc khi đứng trước con thác đẹp lộng lẫy của đất nước.
Qua những chuyến đi, tình cảm vợ chồng thêm sâu đậm. Mỗi năm, họ đều cùng nhau trên những hành trình, không chuyến dài thì chuyến ngắn.
Chính những “cuộc rong chơi” đã giúp bà Cúc luôn vui vẻ, tinh thần thoải mái vượt qua bệnh tật. Bà nói, tình yêu người, yêu thiên nhiên, là liều thuốc tốt nhất.
“Tùy theo đam mê và sức khỏe, mọi người đều có thể phượt bằng xe máy để ngắm nhìn cảnh sắc Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất, chúng ta cần đảm bảo an toàn, với tinh thần vui vẻ, không liều mạng, tránh những điều gây hại cho sức khỏe”, ông Minh chia sẻ.
Cuối năm nay, cặp vợ chồng dự định khám phá các khu rừng Quốc gia dọc Trường Sơn, quyết tâm thực hiện giấc mơ “cùng nhau đi khắp thế gian”.