1. Thừa nhận sự tồn tại của đứa trẻ bên trong bạn
Bước đầu tiên để có thể chữa lành đứa trẻ bên trong là hãy thừa nhận sự tồn tại của nó. Nói theo ngôn ngữ tâm lý học là học cách nhận diện, gọi tên và chấp nhận cảm xúc của bản thân. Theo Kim Egel, một nhà trị liệu tâm lý ở Cardiff, California, nếu bạn cảm thấy nghi ngờ với sự tồn tại của đứa trẻ và từ chối với việc quay trở lại quá khứ, bạn sẽ gặp khó khăn khi bắt đầu quá trình chữa lành. Bạn có thể tưởng tượng rằng đây là quá trình tự khám phá bản thân để cảm giác được thoải mái hơn.
2. Lắng nghe đứa trẻ bên trong
Có bao giờ bạn thực sự ngồi lại với chính mình, lắng nghe đứa trẻ bên trong thực sự đang cảm giác như thế nào, bị tổn thương và bị những vấn đề gì chưa?
Một khi bạn đã mở cửa để kết nối với đứa trẻ bên trong, điều quan trọng tiếp theo nên làm là hãy lắng nghe những cảm xúc sâu bên trong. Những cảm xúc mạnh mẽ có thể gây khó chịu vì những vết thương cũ:
– Cảm giác bị bỏ rơi, hay bị từ chối
– Cảm giác không an toàn
– Dễ tổn thương
– Cảm giác tội lỗi
– Lo lắng
Nếu lần theo được dòng cảm xúc gắn với các sự kiện thời thơ ấu cụ thể nào đó, bạn có thể nhận ra những tình huống tương tự trong cuộc sống hiện tại, kích hoạt các phản ứng cảm xúc cũng giống như vậy.
Lắng nghe cảm xúc của đứa trẻ bên trong sẽ giúp bạn đối mặt những đau khổ mà bản thân đã trải qua, để có thể nhẹ nhàng chấp nhận trải qua cảm xúc hiện tại. Việc lắng nghe cảm xúc bên trong, từ đó nhận diện và chấp nhận cảm xúc của chính mình, sau đó tìm ra cách đối phó với những cảm xúc và hành động theo bản năng chính là một trong những kỹ năng quan trọng để chữa lành đứa trẻ đang tổn thương bên trong.
3. Viết lá thư chữa lành
Hãy bắt đầu viết và trao cho mình những lời yêu thương. Bạn có thể trải lòng mình để viết những ký ức đau khổ thời niên thiếu từ vị trí và quan điểm phiên bản người lớn hiện tại của bạn. Cách làm này giúp bạn tự xoa dịu các suy nghĩ và cảm xúc của mình. Việc viết ra những cảm xúc của mình còn giúp bạn nhắc nhở bản thân về sức mạnh và những thành công trong quá khứ, tạo cho bạn một sức mạnh. Để từ đó mọi việc ở quá khứ được thấy ở góc nhìn sâu sắc hơn, giúp bạn giải thích được hoàn cảnh lúc mà bạn không thể hiểu được lúc đó, từ đó giúp bạn vượt qua những rào cản xung quanh để có cảm xúc tích cực hơn.
4. Thiền để chữa lành đứa trẻ bên trong bạn
Mỗi hơi thở và bước đi chánh niệm có thể tạo ra năng lượng thức tỉnh trong mỗi tế bào cơ thể. Năng lượng đó sẽ ôm lấy chúng ta và chữa lành đứa trẻ bị tổn thương trong mình.
Thiền giúp bạn thực hành thừa nhận với bất kỳ cảm xúc nguyên thuỷ của bạn. Khi bạn quen với việc chấp nhận cảm xúc của bản thân, bạn sẽ cảm giác dễ dàng thể hiện những cảm giác đó theo cách lành mạnh. Mọi thứ sẽ vẫn ổn nếu để cảm xúc đó biểu hiện ra ngoài mà bạn không cần kìm nén chúng.
5. Tìm lại niềm vui thời thơ ấu
Ở tuổi trưởng thành, con người ta thường gánh vác nhiều trách nhiệm mà lãng quên đi những thứ giúp bản thân được thư giãn và vui cười.
Nếu thời thơ ấu của bạn không có những trải nghiệm tích cực, thì hãy nghĩ tới kỷ niệm vui nho nhỏ để xoa dịu, chữa lành nỗi đau và những gì bạn cần khi còn nhỏ.
Niềm vui ấy đơn giản chỉ là thưởng thức que kem sô cô la, đi dạo, chơi đùa với cún con, mèo nhỏ, nói chuyện cười đùa ôn lại kỷ niệm cùng bạn thân. Hãy dành thời gian tìm niềm vui và sự nhẹ nhàng trong cuộc sống, giúp khơi dậy những cảm xúc tích cực của tuổi trẻ.
6. Cởi mở
Quá trình chữa lành đứa trẻ bên trong là hành trình lâu dài vô thời hạn. Duy trì được sự hòa hợp với đứa trẻ bên trong có thể giúp bạn ý thức được giá trị của bản thân hơn, củng cố sự tự tin của bản thân. Từ đó giúp bạn tiếp tục nuôi tình yêu thương chính mình và giàu lòng trắc ẩn.
7. Nhờ sự giúp đỡ từ nhà tâm lý học
Những chấn thương thời thơ ấu có thể gây ra rất nhiều đau khổ. Các nhà trị liệu tâm lý sẽ tạo không gian an toàn để bạn từ từ điều hướng được những cảm xúc hỗn loạn bên trong. Các nhà trị liệu thường nhận thấy rằng những trải nghiệm thời thơ ấu và các sự kiện trong quá khứ khác có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, các mối quan hệ và sức khỏe hiện tại của bạn.
Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp nào cũng đều nên đi sâu và khám phá những chuỗi đau khổ và sự kiện trong quá khứ bởi nó sẽ là vết thương lớn khó khép lại, và bạn có thể không kiểm soát được. Khi đó, bạn có thể tìm tới chuyên gia tâm lý trị liệu để được tham vấn và hỗ trợ quá trình chữa lành đứa trẻ bên trong được đúng hướng và an toàn hơn.
Theo VOV