Gặp cô gái sinh năm 2001 Lê Thị Vân, nếu Vân không giới thiệu mình là người khiếm thị thì có lẽ ít ai ngờ rằng cô gái xinh xắn, nói năng hoạt bát, hay cười và luôn hướng ánh nhìn của mình về người đối diện lại hoàn toàn không nhìn thấy gì. Trong khi đó, người bạn đời hơn cô 5 tuổi Trần Quốc Hiệp lại là một chàng trai bại não, phải ngồi xe lăn.
Dù khuyết thiếu, nhưng bằng tình yêu, họ đã cùng nhau vượt qua bao nhiêu khó khăn của cuộc sống. Từ khi đồng hành cùng nhau, Vân trở thành “đôi chân” của Hiệp, còn Hiệp lại trở thành “đôi mắt” của Vân, một người nhìn đường, một người đẩy đi. Cứ thế, họ cùng nhau vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc sống. Hiện tại, Quốc Hiệp đang là Phó Chủ nhiệm CLB Người trưởng thành sống với chứng bại não Việt Nam, cộng tác viên Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam.
Kể về khiếm khuyết của mình, đôi mắt của Hiệp đượm buồn: “Mình sinh ra là một đứa trẻ bình thường, nhưng đến khi được 7 tháng tuổi thì bị viêm não Nhật Bản và sau đó bị bại não. Gia đình cũng cố gắng chạy chữa, từ Đông y, Tây y, nhưng không có kết quả. Cơ thể cứ thế dần co cứng lại, mọi sinh hoạt đều gắn liền với chiếc xe lăn”.
Cũng giống như Hiệp, cô gái Lê Thị Vân sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Cuối năm lớp 5, mắt của Vân bắt đầu mờ dần. “Lúc đầu em chỉ nghĩ là học nhiều nên bị cận. Gia đình chạy chữa khắp nơi, đã có lúc mắt em sáng lại đạt thị lực 9/10. Nhưng rồi thị lực lại yếu dần, cả quãng tuổi thơ của em là quá trình liên tục đi chữa mắt ở khắp nơi. Hết năm học lớp 7, mắt em chính thức không còn nhìn thấy ánh sáng nữa”, Vân nhớ lại.
Trần Quốc Hiệp sinh ra ở Hà Nội, còn Lê Thị Vân quê ở Lạng Sơn. Cơ duyên để hai người đến với nhau xuất phát từ sự ngưỡng mộ của Hiệp dành cho một cô gái khiếm thị nhưng đam mê học hỏi, đặc biệt là tiếng Anh. “Ngay khi nhìn thấy Vân trên Facebook, tôi đã thấy cảm mến cô gái này. Cho đến ngày 20/10/2021, tôi đã quyết định lên Lạng Sơn tìm Vân. Dù Vân khiếm thị nhưng lại chỉ đường rất giỏi. Đến khi gặp nhau rồi thì trong lòng tôi nghĩ đây chính là người mà mình có thể đồng hành trên mọi nẻo đường”, Quốc Hiệp tâm sự.
Sau lần gặp ấy, Vân và Hiệp thường xuyên cùng nhau sinh hoạt, tham gia các câu lạc bộ dành cho người khuyết tật. Để chứng minh bản thân có thể tự lập dù không nhìn rõ mọi thứ, Vân đã quyết tâm xuống Thủ đô, dù trước đó mọi sinh hoạt của cô chỉ gói gọn trong bốn bức tường. Gặp gỡ nhau thường xuyên, cảm mến nhau, Hiệp và Vân đã quyết định về sống chung một nhà dù gặp biết bao khó khăn, cản trở.
Trong “tổ chim cúc cu” của Quốc Hiệp và Vân, cả hai đã san sẻ công việc trong cuộc sống cho nhau. Hiệp trở thành “đôi mắt” cho Vân, còn Vân hỗ trợ Hiệp trong việc sinh hoạt, đi lại cần thiết. Dù có khó khăn nhưng bằng sự lạc quan, họ luôn vui vẻ và hạnh phúc khi đồng hành cùng nhau.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Vân có một mơ ước rất đặc biệt, đó là trở thành người bận rộn, còn Quốc Hiệp mong muốn bản thân có thể giúp đỡ được nhiều người đồng cảnh ngộ hơn, truyền cảm hứng nhiều hơn nữa cho các bạn trẻ.