Sự việc hy hữu xảy ra ở Giang Tô, Trung Quốc. Một cô dâu đã huỷ hôn ngay trước ngày cưới vì nhìn thấy cảnh mẹ chồng tương lai tắm cho chú rể. Theo chia sẻ của cô dâu Tiểu Vũ, một ngày trước đám cưới, cô thấy mẹ chồng tương lai bận bịu sắp xếp phòng tân hôn và một số chuyện vụn vặt khác, trong đó có cả chuyện tắm cho con trai.
Tối hôm đó, Tiểu Vũ sững sờ khi tận mắt chứng kiến người mình chuẩn bị lấy làm chồng, ngày mai đã kết hôn rồi vẫn còn để mẹ phải tắm cho. Mắt thấy hai người bước vào nhà tắm, mẹ chồng tương lai kỳ lưng cho con trai, Tiểu Vũ thực sự không thể chấp nhận ‘chuyện hoang đường’.
Không suy nghĩ nhiều, Tiểu Vũ quyết định huỷ hôn. Cô khẳng định, cô không hề biết chồng sắp cưới của mình lại phụ thuộc vào mẹ đến mức như vậy. Với những hành động này, chắc chắc chồng tương lai là một “mama boy” (thuật ngữ chỉ những chàng trai phụ thuộc quá nhiều vào mẹ, mọi chuyện đều nghe lời mẹ nói, để mẹ sắp đặt”.
Trước thông báo huỷ hôn, dứt áo ra đi của cô dâu, gia đình chú rể xấu hổ và sững sờ, mọi người đều nói rằng “Nhà mới tân hôn cũng đã mua rồi, giờ phải làm sao đây?”. Mẹ chú rể cũng khổ sở vô cùng, bà không nghĩ rằng hành vi của mình lại huỷ hoại cuộc hôn nhân của cậu con trai bảo bối.
Sau khi sự việc được truyền thông đưa tin, đa số mọi người đều ủng hộ quyết định của cô dâu Tiểu Vũ. Họ cho rằng hành động của mẹ con chú rể quá kỳ quái, không thể chấp nhận được.
Hậu quả của việc cha mẹ bao bọc con quá mức
Trẻ em em ngày nay thiếu độc lập và tự chủ hơn những thế hệ trước. Ngày càng ít trẻ đi bộ một mình đến trường, tự đạp xe dạo quanh khu phố hay giúp cha mẹ việc vặt.
Theo The Wall Street Journal, tại Mỹ, cha mẹ có thể bị buộc tội nếu để con ra ngoài hoặc chơi đùa mà không giám sát. Tuy nhiên, bao bọc con cái quá mức lại dẫn đến những tác hại khôn lường.
Các nhà tâm lý học và chuyên gia giáo dục nhận định đó là yếu tố làm tăng số lượng trẻ em và thanh niên mắc hội chứng rối loạn lo âu.
Theo một nghiên cứu được công bố năm nay trên Journal of Developmental & Behavioral Pediatrics, năm 2012, 4,1% trẻ trong độ tuổi 6-17 bị chẩn đoán mắc hội chứng lo âu ( con số này được ghi nhận ở thời điểm năm 2007 là 3,5%).
Trong khi đó, Hiệp hội Y tế Cao đẳng Mỹ cho biết 21,6% trong số hơn 31.000 sinh viên tham gia khảo sát năm 2017 từng bị chẩn đoán hoặc phải điều trị các vấn đề về lo âu.
Một nghiên cứu quy mô lớn năm 2007 được công trên tạp chí Clinical Psychology Review đã khảo sát tài liệu khoa học về việc nuôi dạy con cái ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển tâm lý ở trẻ. Theo đó, hành động “cấp quyền tự chủ” của phụ huynh (khuyến khích trẻ đưa ra ý kiến, quyết định, lựa chọn và đưa ra giải pháp cho các vấn đề cũng như thừa nhận quan điểm độc lập của con) tác động mạnh nhất đến tính cách đứa trẻ sau này. Càng tự chủ bao nhiêu, đứa trẻ càng ít lo lắng bấy nhiêu.
Đối với những đứa trẻ mắc hội chứng lo âu, bảo vệ chúng quá mức càng làm tình trạng tệ hơn. “Điều đó khiến trẻ tin rằng ở đó có thứ chúng e ngại và thế giới đầy rẫy nguy hiểm”, Rebecca Rialon Berry, một nhà tâm lý lâm sàng tại Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em Langone NYU, thông tin.
Thiếu tự lập cũng ngăn cản phát triển sự tự tin ở trẻ, khiến chúng phụ thuộc cha mẹ và người khác ngay cả khi đã trưởng thành, Jack Levine, một bác sĩ nhi tại New York, Mỹ cho hay.
Sự bảo bọc quá mức của cha mẹ làm suy yếu sự phát triển của trẻ về các kỹ năng đối phó độc lập. Để học các chiến lược đối phó hiệu quả, trẻ phải học cách thích nghi với các tình huống khó khăn. Trải nghiệm thử thách sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng sống. Trẻ em cũng cần tiếp xúc với rủi ro để cho phép cơ chế đối phó của chúng trưởng thành .
Tuy nhiên, những đứa trẻ được bao bọc quá mức không có cơ hội đó. Chúng được đặt trong một bong bóng cách xa thế giới thực và được che chắn khỏi những thực tế đau thương. Những đứa trẻ đã quen với việc cha mẹ lên kế hoạch và dọn dẹp đống bừa bộn của chúng nên không chuẩn bị trước để đối phó với những gì cuộc sống có thể ập đến.
Thực tế, nhu cầu tự lập khi lớn lên đều tự nhiên. Do đó, nếu phụ huynh ngăn cản mong muốn đó, trẻ có thể trở nên giận dữ và phá phách, theo Brad Sachs, nhà tâm lý gia đình ở Columbia.
Dấu hiệu cha mẹ đang bao bọc quá mức
Làm mọi thứ cho con
Cha mẹ bao bọc quá mức không thể chịu đựng được việc để con cái mình trải qua bất kỳ thất bại nào. Đây là những bậc cha mẹ luôn sẵn sàng cứu con mỗi khi chúng phải đối mặt với thử thách dù là nhỏ nhất.
Kiểm soát từng chi tiết nhỏ nhất
Các bậc cha mẹ bao bọc quá mức sẽ lo lắng về mỗi bước di chuyển của con. Họ theo dõi và kiểm soát các hành động cũng như môi trường sống, hay nói cách khác là quản lý mọi khía cạnh trong cuộc sống của con.
Luôn phản ứng thái quá
Cha mẹ bao bọc quá nhạy cảm và thường phản ứng thái quá với bất cứ điều gì liên quan đến con cái. Họ quá thận trọng đối với các hoạt động mà con tham gia hay liên tục nhắc nhở về sự an toàn và nguy hiểm. Cha mẹ cũng sẽ can thiệp nếu con mình không được đối xử đặc biệt mà họ mong muốn con được hưởng.