Chàng trai nghèo nên duyên với cô gái ngoan hiền
Năm 1981, chú Nguyễn Phước (hiện 61 tuổi, người gốc Huế) từ quê vào TP HCM kiếm công ăn việc làm và định cư từ đó đến nay. Chú Phước có cơ duyên quen một người anh. Người này thấy chú Phước hiền lành, chất phác nên đã mai mối em gái cho chú, đó là cô Lê Thị Hoa (hiện 50 tuổi, quê gốc ở Cần Thơ).
Lần đầu gặp cô Hoa, chú Phước thấy cô gái nhỏ, dễ thương, xinh xắn, trắng trẻo, mặc một bộ áo bà ba lụa hồng rất đẹp. Hình ảnh của cô đã lập tức khắc ghi vào tâm trí của chú. Sau một lần cùng ngồi uống cà phê thì chú đã cảm mến cô.
Về phía cô Hoa, lần đầu gặp chú Phước mà cô cảm thấy như đã quen thuộc từ thuở nào, dù ấn tượng đầu tiên của cô về chú là đen, xấu. Ngày ấy chú Phước vất vả, nhà không có mà dựng tạm một túp lều nhỏ bên đường để ở, bán phụ tùng xe máy, cuộc sống rất khổ cực.
Chú Phước bắt đầu kết bạn, trò chuyện với cô Hoa nhiều hơn. Lần đầu đi chơi, chú chẳng biết đưa cô đi đâu, bèn đưa vào sở thú. Trong những cuộc trò chuyện, chú Phước, cô Hoa tâm sự về những khó khăn trong cuộc sống cho nhau nghe. Từ đó, cô chú tìm thấy ở nhau sự đồng cảm và càng thấu hiểu đối phương hơn.
Chỉ sau 1 tháng, chú Phước đã chinh phục được cô Hoa bằng trái tim chân thành của mình. Trước đó, cô Hoa cũng có nhiều người theo đuổi, nhưng vì mới 18 tuổi nên chưa để ý gì nhiều. Đến khi gặp chú Phước, cô mới thực sự cảm thấy rung động. Cô biết chú là người luôn cố gắng vươn lên vì trước đây, chú từng có một vài mối tình dang dở vì người ta chê nghèo. Biết vậy, cô lại càng thương chú nhiều hơn.
Tìm hiểu được 2 tháng thì chú Phước nói chuyện với anh trai cô Hoa để ngỏ lời xin cưới. Được hai bên gia đình đồng ý, cô chú chính thức tiến tới hôn nhân. Cô Hoa kể, ngày đó cô chú yêu thương nhau trong sáng, tổ chức đám hỏi xong mà vẫn chưa dám nắm tay.
Nhà chú Phước rất nghèo, bố mất sớm. Năm 1990 chú mua một mảnh đất, tự mua gạch ván về mấy anh em hỗ trợ xây lên một căn nhà nhỏ. Đám cưới của cô chú diễn ra tại căn nhà đó vào năm 1991, rất đơn sơ, giản dị. Mẹ chú Phước nuôi được mười mấy con gà thì đem ra thịt, anh chị em mỗi người góp một ít để nấu mấy mâm cỗ cưới ngay tại sân nhà.
“Cái nhà đó trống rỗng 4 bề, không có vách ngăn gì hết, chỉ có giường của mẹ nằm thôi. Sau đám cưới thì anh em bạn bè quý mến tôi nên ở lại, trải chiếu giăng mùng quanh nhà ngủ nên hai vợ chồng không dám động phòng. Nhà như vậy nên hai vợ chồng động phòng cũng phải nhẹ nhàng lắm“, chú Phước dí dỏm kể.
31 hôn nhân hạnh phúc vẹn tròn
Sau khi cưới, cô Hoa về phụ chồng bán phụ kiện tùng xe máy. Sau này, chú Phước chuyển sang kinh doanh nhà đất. Với niềm đam mê với thơ, chú Phước sáng tác rất nhiều tập thơ, hiện đang là cộng tác viên của NXB Văn học với bút danh Vũ Hồng Lam.
Cô chú có 2 người con, con trai lớn sinh năm 1993 hiện đã có gia đình nhỏ, con trai thứ 2 sinh năm 2001 đang học đại học. Cuộc sống tuy có khó khăn nhưng cô chú luôn đồng hành, yêu thương, dạy bảo các con. Hai con của chú Phước, cô Hoa đều ngoan ngoãn, hiếu thảo, học hành tới nơi tới chốn.
Hơn 31 năm hôn nhân, vợ chồng chú Phước không tránh được những lúc cãi vã, nhưng rồi lại hòa. Chú Phước tâm sự, chú là người hay giận dỗi, với mục đích thử lòng vợ xem sao. Nhưng cô Hoa lại là người cương quyết, nhất định không chịu xin lỗi nên là đàn ông, chú chủ động nhận lỗi, làm lành với bà xã.
Năm xưa đám cưới, chú Phước chẳng có sính lễ gì tặng vợ, nay chú chuẩn bị một chiếc nhẫn để tặng cho cô, cùng lời nhắn nhủ ngọt ngào: “Anh biết trong sự thành công của anh đến bây giờ đã có bàn tay chăm chút và sự động viên khích lệ của em. Anh cảm ơn em đã dành cho anh trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình để suốt cuộc đời này em vẫn mãi là người yêu, người bạn đồng hành cùng anh. Mong em và các con dồi dào sức khỏe, thương em và gia đình mình nhiều“.