Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình khỏe mạnh, nhanh nhẹn tuy nhiên trong sinh hoạt hàng ngày, đôi khi cha mẹ sinh hoạt sai cách, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ mà không hề hay biết.
1. Con chậm phát triển ngôn ngữ vì bố mẹ cho trẻ ăn đồ xay nhuyễn quá lâu
Nhai nuốt thức ăn là một kỹ năng cực kỳ quan trọng mà mỗi đứa trẻ cần phải học. Không chỉ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, kỹ năng nhai nuốt cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về mặt ngôn ngữ của trẻ.
Nhiều gia đình có thói quen cho con ăn cháo xay, đồ ăn được nghiền nát, làm mềm ở giai đoạn đầu tập ăn dặm. Tuy nhiên nếu như đến 2-3 tuổi, trẻ vẫn tiếp tục được ăn theo kiểu này sẽ làm cho sự linh hoạt của lưỡi bị ảnh hưởng, khả năng phối hợp hoạt động của môi và lưỡi cũng không thành thạo, không có lợi cho việc nói và phát âm của trẻ.
Thực tế có một số trẻ bắt đầu nói từ rất sớm, nhưng do ăn thức ăn lỏng lâu ngày, không có cơ hội vận động nhai bằng miệng dẫn đến trở ngại trong việc sử dụng miệng. Chức năng ngôn ngữ của trẻ bị suy giảm nên trẻ có thể đột nhiên ngừng nói.
2. Con chậm phát triển ngôn ngữ vì bố mẹ nói quá nhiều, nói mớm lời cho trẻ
Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của việc trò chuyện với trẻ. Tuy nhiên, cần xác định rõ xem chúng ta đang nói chuyện với trẻ ra sao. Bởi nếu không xác định được yếu tố này thì rất có thể đây là những thói quen xấu khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ. Có hai thói quen chúng ta dễ bắt gặp đó là nói quá nhiều và nói mớm lời cho trẻ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sẽ học ngôn ngữ tốt nhất khi được nghe những câu dài hơn 1-2 từ so với câu trẻ đang nói. Thông thường khi trò chuyện, trẻ cần thời gian để xử lý thông tin xem nội dung người lớn muốn truyền đạt là gì. Sau đó, trẻ cần tìm ra từ phù hợp để phản hồi lại. Theo đó, với những câu nói dài, trẻ cần nhiều thời gian hơn để hiểu và đáp ứng. Thậm chí, một số trường hợp trẻ còn gặp khó khăn trong việc nắm được thông điệp chính mà cha mẹ muốn chuyển tải do…nói nhiều quá.
Về chuyện nói mớm lời, một ví dụ thường gặp là chuyện chào hỏi. Không khó để bắt gặp tình huống khi gặp người quen, cha mẹ lập tức nói: ” Con chào bác XYZ đi, con chào bác chưa” và tỏ ra sốt ruột khi không thấy con nói ngay khi cha mẹ nói xong. Việc nói mớm lời thành thói quen khiến trẻ không có cơ hội chủ động để nói, bày tỏ quan điểm. Theo thời gian, trẻ sẽ thụ động trong việc sử dụng ngôn ngữ và quen chờ người lớn gợi ý.
3. Con chậm phát triển ngôn ngữ vì bố mẹ cho xem nhiều thiết bị điện tử
Tivi, điện thoại, Ipad chỉ là phương tiện truyền thông, tác động một chiều, không phải là phương tiện giao tiếp. Đáng tiếc là nhiều bậc phụ huynh lại không hề hay biết luôn đặt trẻ vào môi trường không có sự tương tác.
Theo đó, nhiều trẻ mới 6- 8 tháng tuổi đã được người lớn vừa cho trẻ xem tivi, điện thoại vừa đút trẻ ăn hoặc mở lên rồi cho trẻ chơi với những thứ đó cả buổi. Trong khi đó, chính gia đoạn này trẻ rất cần sự tương tác để phát triển ngôn ngữ.
Đây là điều cực kỳ nguy hại. Bởi với thao tác vuốt với màn hình cảm ứng của Ipad hoặc điện thoại smart phone sẽ khiến trẻ được tiếp xúc với những hình ảnh và âm thanh sống động. Hành vi này được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành thói quen khiến trẻ chỉ tiếp nhận thông tin một chiều (nghe nhìn mà không có sự hồi đáp, tương tác). Điều này khiến những âm thành từ đời thực trở nên xa vời, trẻ không còn quan tâm lại càng không hứng thú bằng những âm thanh sống động trong tivi, trên ipad hoặc điện thoại.
4. Trẻ chưa kịp nói, phụ huynh đã đáp ứng khiến con chậm phát triển ngôn ngữ
Nhiều mẹ thật sự cảm thấy rất tự hào vì khả năng hiểu con như lòng bàn tay. Có thể thấy trong cuộc sống hàng ngày, con chỉ nhăn mặt khó chịu là mẹ đã biết con cần gì, con khóc ré lên một tiếng là mẹ hiểu ngay con đang muốn thứ gì.
Cứ như vậy, phụ huynh đã tạo thành một thói quen cho con cái. Con chẳng cần phải nói ra câu nào nhưng mọi người vẫn hiểu ý con không sai một ly.
5. Con chậm phát triển ngôn ngữ vì bố mẹ không dành thời gian chơi với con
Một ngày 24h đôi lúc dường như là không đủ để người lớn dành thời gian chơi với con. Chúng ta cần làm việc tại cơ quan, làm công việc nhà, lo cho con ăn uống tắm giặt,… mà lại quên đi việc chơi cùng con. Thiếu thời gian, thiếu không gian chơi, không biết cách chơi với con,.. đều là những nguyên nhân khiến trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ.
Vậy thực sự có thể kể hết những hệ lụy của việc này không? Cha mẹ cùng con thiếu sự kết nối, trẻ thiếu đi người định hướng và dẫn dắt trong quá trình chơi ngoài chậm phát triển ngôn ngữ thì trẻ còn có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Bởi thực tế, trong quá trình vui chơi trẻ học được rất nhiều về: ngôn ngữ, tư duy, cách giải quyết tình huống. Do đó, cha mẹ hãy cân đối thời gian để chơi cùng con nhiều hơn.