Trước đây, Thanh Thảo chưa từng nghĩ rằng mình sẽ mắc bệnh tâm lý. Cô không quan tâm nhiều đến thuật ngữ “sức khỏe tâm thần”, cũng chưa từng nghe gia đình hay bạn bè nói về điều đó.
Thứ duy nhất cô biết chắc là những cơn buồn bã, lo âu cứ liên tục kéo dài mà không rõ nguyên do. Cách đây 2 năm, khi bắt đầu có suy nghĩ về cái chết, cô tìm đến bác sĩ để trị liệu.
Với Thanh Thảo, cô một mình trải qua nỗi buồn và cũng đơn độc trên hành trình chữa bệnh tinh thần.
Ngay khi được cô thông báo phải trị liệu tâm lý, cha mẹ cô phản đối gay gắt. Họ khẳng định cô bị ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội và làm quá vấn đề.
“Trong mắt gia đình tôi, các rối loạn tâm lý đều được gọi chung là áp lực. Cha mẹ nghĩ tôi quá yếu đuối, thiếu sức chịu đựng. Thú thật, tôi đã lường trước kết quả này nhưng vẫn có khó tránh khỏi hụt hẫng. Đôi lúc, tôi còn thấy mình có lỗi vì ‘dám’ trầm cảm”, Thảo chia sẻ cùng Zing.
‘Sao không sống như người bình thường?’
Ngồi nghe Thanh Thảo giải thích về bệnh tình, đồng thời cho xem bệnh án từ bệnh viện, gia đình khẳng định cô gặp căng thẳng do học tập và ăn ngủ không điều độ.
Cha mẹ động viên cô phải tập thể thao, ăn nhiều đồ bổ nhằm cải thiện giấc ngủ. Mỗi ngày, mẹ đều liên tục gửi những bài viết về lối sống tích cực, nói cô đọc và ngẫm nghĩ. Ngoài ra, cả nhà còn thường xuyên đưa nhau đi lễ chùa để tinh thần thư thái.
Sợ phụ huynh lo lắng, Thanh Thảo cố gắng đáp ứng các yêu cầu. Tuy nhiên, cô cho rằng tinh thần của mình càng sa sút hơn bởi không được thấu hiểu.
“Người nhà sẵn sàng chi mạnh tay cho các khoản ăn uống, giải trí, mong tôi ‘quên đi cảm giác trầm cảm’. Nhưng sau lưng gia đình, tôi vẫn lén tự trả tiền cho các buổi gặp chuyên gia tâm lý. Điều này khiến cha tôi nổi giận. Thậm chí, ông còn hỏi vì sao tôi không cố sống như người bình thường”, cô gái 22 tuổi nhớ lại.
Tương tự, khi biết con trai chi gần 2 triệu đồng cho mỗi giờ trị liệu tâm lý, gia đình Phúc Duy (25 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng anh đang phí phạm tiền bạc cho chuyện vô bổ.
Theo cha mẹ Phúc Duy, chứng rối loạn lưỡng cực thiên hưng cảm của anh chỉ đơn giản là sự phấn khích có chút quá đà.
“Ai cũng tin tôi là người hoạt ngôn, tư duy nhanh nhạy, giàu năng lượng. Thực tế, đó chỉ là ‘sản phẩm’ của những cơn hưng cảm. Khi cảm giác phấn khích trôi qua, tôi thường đột ngột cáu gắt, kích động, rồi lại chìm vào nỗi đau. Tôi chỉ có thể ngủ 3-4 giờ đồng hồ mỗi ngày. Giấc ngủ trọn vẹn là ước mơ suốt nhiều năm qua”, anh thở dài.
Tháng 1 vừa qua, họ hàng vô tình biết chuyện Phúc Duy tiếp nhận trị liệu tâm lý. Không ai nhận xét, song anh nhận thấy mọi người muốn né tránh mình. Nhiều lần, vài cô, chú họ kéo con mình lại, không cho tiếp xúc với anh. Sự bàn tán nhanh chóng kéo gia đình anh vào khủng hoảng.
Dưới áp lực lớn, cha yêu cầu Phúc Duy ngừng thăm khám. Ông chưa thể chấp nhận chứng rối loạn tâm thần ở con. Nhằm hạn chế tranh cãi, chàng trai 25 tuổi quyết định dọn ra sống một mình.
“Hiểu rằng cha mẹ quan tâm, nhưng tôi vẫn sợ cảm giác tù túng, mắc kẹt khi không được thấu hiểu”, Phúc Duy bày tỏ.
Khó thấu hiểu ngay
Sau khi ra riêng, Phúc Duy duy trì thăm khám hàng tuần. Ngoài ra, anh còn tập thiền, vẽ tranh và hoạt động thể thao nhằm cân bằng năng lượng.
Chia sẻ với Zing, anh thừa nhận vẫn khá chật vật với những cơn hưng cảm, song đã phần nào kiểm soát được chúng. Mỗi khi cảm thấy bức bối, anh thực hiện bài tập đếm số kết hợp hít thở sâu.
Vài tháng gần đây, bác sĩ đề xuất giảm nhẹ đơn thuốc cho Duy. Nhận thấy con tươi tắn và có sức sống hơn, cha mẹ anh thôi gay gắt với chuyện trị liệu.
“Vừa rồi, mẹ khoe đã động viên đồng nghiệp đưa con đi khám vì bạn ấy có nhiều biểu hiện giống tôi ngày trước. Cha cũng dành thời gian tìm hiểu các rối loạn tâm lý, tập chấp nhận ‘sự bất thường’ ở tôi. Thay đổi này khiến tôi mừng rỡ, nhẹ nhõm”, anh bày tỏ.
Trong khi đó, Ngọc Ánh (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) chưa sẵn sàng chia sẻ tình trạng rối loạn ăn uống cho người thân hay bạn bè. Với mọi người, cô chỉ đang quá lo lắng về ngoại hình.
Thực tế, cô gặp khó khăn với việc kiểm soát chế độ ăn. Nhân viên văn phòng này thường rơi vào cảnh ăn vô độ, sau đó lại tự bỏ đói vì cảm thấy tội lỗi. Vì cân nặng của cô vẫn ở mức bình thường, không ai nghĩ đây là vấn đề nghiêm trọng.
Dù đã tiếp nhận điều trị được hơn 4 tháng, Ngọc Ánh thừa nhận chưa thể kiểm soát tốt tình hình. Cô vẫn thấy buồn bã, tuyệt vọng với hành vi ăn uống.
“Có lần, chị gái bắt gặp tôi vừa ăn, vừa khóc. Chị càng hoang mang hơn khi tôi nói mình mắc rối loạn tâm thần. Chị nói tôi đừng quan tâm ngoại hình thái quá”, Ánh bày tỏ.
Thay vì tiếp tục né tránh, Ngọc Ánh chủ động chia sẻ tài liệu về rối loạn ăn uống cho người thân. Cô cũng rủ chị tham gia vài workshop về sức khỏe tâm lý để có cái nhìn cụ thể về tình trạng hiện tại.
Tương tự, Thanh Thảo cũng không ép phụ huynh cảm thông ngay cho rối loạn trầm cảm lo âu. Cô nghe theo lời khuyên của chuyên gia, tập trung cải thiện tinh thần, chứng minh hiệu quả của quá trình tham vấn tâm lý.
“Cha mẹ vẫn e ngại khi nghe tôi nhắc đến nội dung này. Tuy nhiên, họ đã từ bỏ ý định ép tôi ‘sống như người bình thường’. Với tôi, như vậy đã là một sự thay đổi đáng mừng”, Thảo nói thêm.
Cần nhiều dũng khí để chấp nhận
Trao đổi với Zing, chị Huyền Trang, chuyên viên tâm lý tại Văn phòng tâm lý Ladies of Vietnam, cho biết các rối loạn tâm lý trong đời sống đang được nhìn nhận một cách cởi mở hơn. Dù vậy, mọi người vẫn cần thời gian dài để thực sự đối mặt, giải quyết vấn đề.
Hiện nay, nhiều kênh truyền thông đẩy mạnh cung cấp thông tin về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, nếu cá nhân không nghiên cứu, trải nghiệm, họ sẽ khó nhìn nhận toàn diện về vấn đề. Đó là lý do nhiều người xem nhẹ các tâm bệnh và việc tham vấn, trị liệu tâm lý. Họ cho đây là chuyện vô bổ, phí phạm tiền bạc và thời gian.
“Trong quá trình hoạt động, chúng tôi từng gặp nhiều thân chủ trẻ tuổi, vẫn lệ thuộc tài chính vào người thân. Một số bị buộc dừng trị liệu khi cha mẹ biết rối loạn tâm lý xuất phát từ yếu tố gia đình.
Nhóm khác không nhận được sự tin tưởng của phụ huynh. Thay vì thừa nhận sự bất ổn, cha mẹ chỉ nghĩ con lười biếng, hư hỏng. Góc nhìn và hành động của họ phần nào thể hiện quan điểm ‘tầm thường hóa’ các rối loạn tâm thần”, chuyên viên này cho hay.
Đồng thời, nhiều người ngại tìm đến tâm lý gia vì cho rằng tham vấn, trị liệu khó xử lý dứt điểm vấn đề mình mắc phải. Với họ, lấy tiền mua sắm, ăn uống là cách giải tỏa hiệu quả hơn.
Chị Huyền Trang đánh giá đây là tâm lý dễ bắt gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Ai cũng ưu tiên cách thức nhanh, gọn, rẻ, song lại quên rằng cần nhiều thời gian, công sức mới có thể xoa dịu tổn thương tinh thần.
“Thực tế, niềm vui từ những hình thức giải trí chỉ mang tính tạm thời, không giúp giải quyết tận gốc nguồn cơn của các rối loạn. Bạn có thể ngó lơ vết thương lòng, nhưng nó vẫn ở đó và sẽ nhanh chóng gây đau đớn trước áp lực. Vòng lặp này chỉ dừng lại khi bạn tìm được phương án hiệu quả hơn”, chị nói.
Ngoài ra, khi tâm bệnh bị xem nhẹ trong thời gian dài, chúng dễ dàng chuyển thành cơn đau thể chất. Chẳng hạn, người bệnh có thể mắc vấn đề về tiêu hóa, tim mạch hoặc đau đầu. Nếu không xử lý kịp thời, đúng cách, sức khỏe sẽ nhanh chóng sa sút, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều bạn trẻ đang trong quá trình trị liệu, nhưng bị lung lay trước những lời can ngăn, dèm pha. Thậm chí, số ít còn tự trách móc, cho rằng mình “bất bình thường”.
Dưới góc nhìn của chị Huyền Trang, không có thước đo nào chứng minh sự bình thường. Thay vì lăn tăn, mọi người cần tập trung vào nhu cầu, vấn đề của bản thân. Bởi nếu tổn thương tâm lý không được giải quyết, chúng sẽ luôn âm ỉ và bào mòn con người.
“Giới trẻ ngày nay đã có hình dung nhất định về tầm quan trọng của một tinh thần khỏe mạnh. Tôi mong các bạn có dũng khí chấp nhận chính mình và tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý. Họ sẽ thấu hiểu các rối loạn tâm thần dưới góc nhìn khoa học, cùng bạn hướng đến sự khỏe mạnh, an toàn, hạnh phúc”, chuyên viên nói thêm.