Đàn ông không đưa tiền cho vợ quản lý rốt cuộc là có suy nghĩ gì?

Xem bài viết

Trên mạng xã hội từng nổi lên một chủ đề: Những người đàn ông không giao tiền cho vợ quản lý rốt cuộc là đang nghĩ gì? Phía dưới có rất nhiều người bình luận với những lời đầy sự tỉnh táo và tàn nhẫn của hiện thực: “Người đàn ông đưa tiền cho bạn giữ, chưa chắc đã đáng tin. Nhưng người đàn ông không đưa tiền cho bạn giữ chắc chắn là không đáng tin”.

Quả thực, đa phần đàn ông đều lý trí, lòng họ hướng về đâu thì tiền sẽ để ở đó. Vì thế, lời thề non hẹn biển chỉ nói tình yêu không nhắc tới tiền bạc đa phần chỉ là trò đùa hời hợt mà thôi. Vừa bỏ ra tiền bạc và tình cảm để đối đãi với nhau mới là tình yêu sâu đậm.

Đàn ông không đưa tiền cho vợ quản lý rốt cuộc là có suy nghĩ gì? - Ảnh 1.

Cuộc hôn nhân không giao tiền cho bạn giữ là không đáng tin

Tối qua, bạn tôi đột nhiên đăng một dòng trạng thái trên trang cá nhân: “Nếu như đã không thể chung sống hòa hợp, vậy thì hãy quên nhau đi”. Kèm theo đó là đơn ly hôn. Tôi vội vã hỏi cô ấy làm sao, cô trả lời: “Từ khi lấy nhau đến nay, tất cả chi tiêu của hai người đều do một mình mình gánh vác, mỗi lần bảo đưa tiền cho mình quản lý thì anh ta luôn kiếm cớ đùn đẩy. Thậm chí nói anh ta còn biết quản lý tiền bạc hơn. Phải, anh ta quả thực biết cách quản lý tài chính, nhưng anh ta không chỉ chưa từng đưa tiền cho mình giữ mà thậm chí kiếm được ít hay nhiều cũng không nói cho mình biết”.

Sau đó, cô ấy kể thêm: “Vài ngày trước, bọn mình lại nhắc đến vấn đề quản lý tiền bạc. Không ngờ, anh ta buông một câu: “Tiền ai người nấy tiêu, không lẽ cô không có năng lực tự kiếm tiền sao? Cứ phải tiêu tiền của tôi à?”. Nghĩ tới mọi chuyện sau khi kết hôn, mình thực sự mệt mỏi lắm rồi, dứt khoát ly hôn cho xong”.

Giống với cô ấy, hàng xóm nhà tôi – Chị Trương cũng bật đèn đỏ trong sự giằng co về việc quản lý tài chính trong hôn nhân. Chồng chị là “thần giữ của” có tiếng trong khu dân cư, lúc nào cũng nghĩ tiền phải để trong túi của mình mới an tâm, anh ta thường nói: “Vợ tôi tiêu tiền hoang phí, không biết quán xuyến nhà cửa, tiền để tôi giữ là an toàn nhất”. Vì thế, tiền trong nhà chẳng bao giờ đưa cho chị giữ. Cũng vì thế, chị Trương vừa chạnh lòng vừa phẫn nộ, hai vợ chồng thường xuyên vì chuyện tiền nong mà cãi vã.

Tôi không phủ nhận, có một số người đàn ông có thể quản lý tiền bạc rất tốt. Nhưng tôi càng tin rằng: Nếu như một người đàn ông thực sự yêu bạn thì anh ta sẽ không muốn bạn phải mệt mỏi, đau khổ vì tiền bạc và tình cảm trong hôn nhân. Anh ta sẽ cho bạn cảm giác an toàn tuyệt đối, khiến bạn cảm thấy hạnh phúc thực sự. Tình cảm mà chỉ nói chứ không làm, cho dù đã từng thật lòng thì tương lai cũng khó tránh được biến chất. Cuộc hôn nhân chỉ nói tình cảm mà không nhắc đến tiền bạc, cho dù ban đầu có tình yêu thật, nhưng cuối cùng có lẽ cũng chẳng có kết quả tốt đẹp.

Cuộc hôn nhân chỉ đưa tiền cho bạn quản lý cũng không giữ gìn được

Trên đời này chưa từng thiếu những người đàn ông như thế này: Bề ngoài họ thật thà hiền lành, sáng đi làm, tan ca thì về, nhưng lại không biết vun đắp tình cảm gia đình. Bề ngoài họ không có gì đáng chê, tiền giao cho bạn đều đặn, người cũng giao cho bạn, nhưng trái tim của anh ta lại không thuộc về bạn. Họ vô hại nhất nhưng cũng tàn nhẫn nhất, mang lại cho cuộc hôn nhân của bạn sự bế tắc và lạnh lẽo thấu xương. Nhưng hôn nhân giống như việc uống nước, nóng hay lạnh chỉ tự bản thân mình biết. Nếu quá lạnh thì hôn nhân cũng sụp đổ.

Trước kia từng đọc “Sự thật của hôn nhân”, trong đó có một câu chuyện khiến tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc. Trong một buổi xem mắt, Tiểu Hy 29 tuổi gặp Trần Dương – một người cũng đang bị bố mẹ giục kết hôn. Trần Dương cũng có ngoại hình sáng, khôi ngô, khiến Tiểu Hy rung động, yêu từ cái nhìn đầu tiên. Thế nhưng, Trần Dương lại hờ hững lạnh nhạt với Tiểu Hy, dùng lời của anh mà nói thì là: “Giống như một món ăn gia đình thường ngày bị thiếu gia vị gì đó, ăn thì không ngon, mà bỏ đi thì tiếc”. Nhưng dưới sự thúc giục của cô tám dì bảy, Trần Dương vẫn chấp nhận Tiểu Hy, cả hai vội vã bước vào hôn nhân.

Tiểu Hy cũng không phải là không biết suy nghĩ của Trần Dương, nhưng cô khi ấy ngây thơ tưởng rằng chỉ cần đối phương cố gắng làm việc nuôi gia đình, đem tiền về nhà đưa cho mình thì cả hai có thể chung sống tốt đẹp. Sau khi cưới rồi cô mới phát hiện, cuộc hôn nhân mà người chồng chỉ đưa tiền mà không có tình cảm quả thực quá đau khổ.

Cô dành mấy tiếng đồng hồ để chuẩn bị bữa cơm nhưng chẳng nhận được một lời khen nào từ Trần Dương. Cô gọi mười mấy cuộc điện thoại hỏi anh ở đâu cũng chẳng nhận được một lời hồi đáp từ anh. Cả hai như thể người lạ, khách sáo chung sống với nhau dưới một mái nhà, không có so đo tính toán tiền bạc, cũng không có tranh cãi về những chuyện vặt vãnh. Đồng thời cũng không có sự lãng mạn và tình cảm nồng thắm.

Kết quả là cho dù lấy một người mà mình yêu từ cái nhìn đầu tiên, Tiểu Hy cũng không hề cảm thấy hạnh phúc. Từ những cái làm nũng, oán thán ban đầu cho tới cãi vã chất vấn. Cuối cùng, cuộc hôn nhân của cả hai cũng chẳng thể duy trì được. Quả thực khiến người ta phải thở dài.

Nhà tâm lý học nổi tiếng nước Đức Karen Horney đã viết trong sách của bà rằng: “Khi cuộc sống thay đổi thì thứ gì là bất biến? Có lẽ, bạn sẽ có rất nhiều đáp án, nhưng chỉ có một điểm duy nhất, bạn sẽ không quên. Đó chính là trong lòng cả hai bạn từ lâu đã khắc sâu một điều rằng: Chúng ta yêu sâu đậm, yêu thật lòng”.

Vài năm gần đây, càng lớn càng cảm thấy: Trong hôn nhân không thể không có tiền, cũng không thể không có tình yêu. Người bằng lòng đưa tiền cho bạn quản lý mới có thể trải qua được cuộc sống cơm áo gạo tiền. Bằng lòng trao cho bạn trái tim của anh ta mới có thể có được những cảm xúc vui vẻ, lãng mạn. Còn cuộc hôn nhân chỉ đưa cho bạn tiền thì cũng không bền vững được.

Cuộc hôn nhân tốt đẹp nhất: Vừa đưa tiền, vừa trao trái tim

Cuộc hôn nhân tốt đẹp nhất là như thế nào? Rất nhiều người sẽ trả lời rằng: Nắm tay nhau đi đến bạc đầu. Nhìn lại thời gian qua đã thấy quá nhiều những cuộc hôn nhân chỉ nói lời yêu đương mà không nhắc tới tiền bạc, cuối cùng cũng đều chia ly. Cũng đã thấy quá nhiều cặp vợ chồng sống trong cuộc hôn nhân không tình yêu, tuy người chồng vẫn đưa tiền trang trải cuộc sống nhưng cả hai lạnh nhạt hờ hững chẳng khác nào người dưng.

Cuối cùng dần nhận ra: Để có được tình yêu nắm tay nhau đi đến bạc đầu thì phải vừa đưa tiền, vừa trao trái tim. Từng có người hỏi Châu Nhuận Phát rằng: “Ông và vợ mình, ai là người nắm quyền quản lý tài chính?”. Châu Nhuận Phát không hề do dự nói: “Vợ tôi”. Sau này, có phóng viên lại nhắc tới chuyện này, ông đã giải thích cụ thể rằng: “Tiền không phải của tôi, tôi chỉ tạm thời bảo quản nó mà thôi”. Ý nói: Tiền đều giao cho vợ quản lý hết. Không chỉ có vậy, trái tim của ông cũng hoàn toàn trao cho vợ mình là Trần Hội Liên.

Phóng viên Hồng Kông Bạch Lộ Mi từng tiết lộ quan hệ giữa Châu Nhuận Phát và vợ như thế này: “Năm xưa để theo đuổi vợ, Phát Ca đã viết thư tình cả một năm trời. Hai vợ chồng cãi nhau 1 ngày thôi là lại làm hòa. Cho dù là ai sai, Châu Nhuận Phát đều sẽ chủ động nhượng bộ nhận sai, vì ông không muốn những chuyện nhỏ nhặt làm ảnh hưởng tới tình cảm của cả hai. Trần Hội Liên thích đi dạo ở chợ Cửu Long, trở thành bạn thân với nhiều chủ tiệm ở đây, khi biết cuộc sống của các chủ tiệm gặp khó khăn hoặc ốm đau, Châu Nhuận Phát sẽ giúp đỡ họ về mặt kinh tế”.

Cuộc hôn nhân mà người chồng đưa tiền thì mới đáng tin, cuộc hôn nhân người đàn ông trao tim mới có thể bền vững. Biết bao nhiêu người, không gánh vác trách nhiệm nuôi gia đình, bản thân kiếm bao nhiêu tiền tự mình tiêu, chưa từng đưa tiền cho đối phương quản lý. Cũng có biết bao nhiêu người, quên mất lời hứa ban đầu, tình cảm lạnh nhạt dần, chưa từng đối xử chân thành với bạn đời của mình. Họ không biết rằng, trong tình cảm, có sự đảm bảo về vật chất mới có thể gìn giữ mái ấm. Họ không hiểu rằng, trong hôn nhân, có tình cảm sâu đậm trong tâm hồn mới có thể dài lâu. Vì thế, đưa tiền cũng cần trao tim, mới là cuộc hôn nhân tốt đẹp.

Một cơ quan nghiên cứu của nước ngoài từng có một hạng mục nghiên cứu: Quan hệ vợ chồng và quản lý tài chính. Họ tiến hành phỏng vấn và khảo sát 4000 cặp vợ chồng. Nghiên cứu cho thấy, hơn một nửa các vấn đề trong các cuộc hôn nhân đều bắt nguồn từ việc quản lý tài chính không hợp lý. Cũng tức là, nếu giữa vợ và chồng có thể quản lý tiền bạc một cách hợp lý, hài hòa, hôn nhân sẽ bớt đi 1 nửa những xung đột, tranh cãi.

Trong một gia đình, cho dù là ai quản lý tiền bạc đều chẳng có vấn đề gì. Vì trong cuộc sống của chúng ta vẫn còn nhiều thứ quan trọng hơn tiền rất nhiều. Giữa hai vợ chồng, chỉ cần tin tưởng lẫn nhau, hiểu rõ về nhau, đưa tiền cho người thích hợp quản lý là được rồi. Chúng ta cần phải biết rằng: Chỉ biết giữ tiền khư khư sẽ không thể vun đắp hôn nhân hạnh phúc. Đưa tiền cho người thích hợp quản lý mới là ngôi nhà chung nuôi dưỡng cả hai.

Cách trị con trai ngỗ ngược, lười học cực kì hiệu quả mà không cần đòn roi của một ông bốCách trị con trai ngỗ ngược, lười học cực kì hiệu quả mà không cần đòn roi của một ông bố

Theo Công lý