Chia tay là một điều khó khăn. Nói lời tạm biệt với một người đã từng rất thân thiết làm chúng ta đau đớn. Đối diện với điều đó, người ta thường cố gắng giảm bớt nỗi đau bằng cách duy trì sự kết nối.
Một giải pháp chính là cắt đứt mối quan hệ lãng mạn và vẫn làm bạn với người yêu cũ.
Tuy nhiên, chúng ta thường cảm thấy khó khăn khi tìm một động lực để làm bạn với họ. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Personal Relationship đã chỉ ra những lý do mà mọi người có thể duy trì mối quan hệ với người xưa.
Các nghiên cứu từ Đại học Kansas đã tiến hành 2 cuộc khảo sát để hiểu rõ hơn về những gì họ gọi là “tình bạn sau khi tan rã”.
Trong cuộc khảo sát đầu tiên, 288 người tham gia đa số là các sinh viên đại học. Họ thực hiện một số bài kiểm tra trực tuyến để thu thập thông tin về nhân khẩu học, phong cách, sự gắn bó, đặc điểm tính cách.
Họ cũng được cho xem một danh sách các lý do có thể làm bạn với người yêu cũ. Chẳng hạn như không muốn đánh mất tình bạn hoặc cố tỏ ra lịch sự. Sau đó, họ được yêu cầu đánh giá mức độ đồng ý với từng trường hợp và viết thêm những lý do riêng.
Quy trình này tương tự trong cuộc khảo sát thứ hai. Lần này có 536 người tham gia. Nhưng các nhà nghiên cứu sẽ hỏi ai là người đưa ra lời đề nghị làm bạn sau khi mối quan hệ kết thúc và đâu là lý do khiến họ chia tay.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đã có phát hiện khá thú vị. Trong đó, đa số người được hỏi cho biết họ muốn giữ thái độ hòa nhã với người mà mình từng hẹn hò.
Để làm rõ điều này, họ tập trung chỉ ra 4 lý do mà những người tham gia khảo sát nói về việc họ sẽ làm bạn với tình cũ bao gồm: sự an toàn, thực tế, hòa nhã và những vấn đề tình cảm khó nói.
An toàn: Họ muốn là bạn bè để không mất đi sự hỗ trợ tinh thần, lời khuyên hoặc sự tin tưởng của người cũ. Họ vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp vì những kỷ niệm được chia sẻ hoặc có ai đó để trông cậy. Thực tế: Những người này giữ mối quan hệ bạn bè để tránh mất đi sự hỗ trợ tài chính của người bạn đời cũ hoặc địa vị xã hội. Điều này liên quan đến mối quan hệ hoặc vì bạn có con chung, tài sản chung… Hòa nhã : Họ giữ mối quan hệ bạn bè chỉ đơn giản là để lịch sự, không làm tổn thương cảm xúc của người yêu cũ, tránh đối đầu hoặc chỉ vì họ cảm thấy tội lỗi khi chia tay với người còn lại. Mong muốn lãng mạn chưa được giải quyết: Những người này chọn làm bạn vì họ không muốn ở một mình hoặc muốn duy trì tình dục. Một số khác vẫn hy vọng có thể nhen nhóm lại mối quan hệ tình yêu.
Trong nhiều trường hợp, những lý do này được đưa ra bởi kinh nghiệm của một người. Ví dụ, những người thuộc LGBT đề cao sự an toàn hơn, vì cộng đồng của họ nhỏ.
Bên cạnh 3 lý do đầu tiên, lý do cuối cùng để duy trì mối quan hệ với người yêu cũ đến từ những cảm xúc cá nhân chưa được giải quyết.
“Điều này bao gồm các vấn đề như khoái cảm tình dục, những ham muốn lãng mạn khác, không muốn ở một mình, không muốn mất đi sự bảo vệ của người kia”. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá lý do này thường dẫn đến các kết quả tiêu cực, chẳng hạn như chán nản, buồn bã và ghen tị.
Omri Gillath, tác giả nghiên cứu, phó giáo sư tâm lý học Đại học Kansas, cho biết điểm mấu chốt là ai cũng có những lý do khác nhau để làm bạn với tình cũ. Nhưng những lý do đó có thể đưa đến những kết quả khác nhau.
Khi tình yêu không còn, việc cứu vãn một tình bạn là lẽ thường tình. Rất nhiều người chọn làm điều đó, nhưng lý do tại sao bạn muốn giữ mối quan bạn bè đó mới là vấn đề.
Nếu bạn vẫn còn cảm xúc lãng mạn, việc duy trì tình bạn sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết được. Có thể rất đau đớn khi buông tay, nhưng cố gắng níu kéo thường không có khả năng thành công.