Ngoài quan tâm về mặt tinh thần, nhiều người trẻ đầu tư cả vật chất, bao gồm những buổi hẹn hò, chuyến du lịch, quà tặng… Mỗi khoản chi tiêu này có thể từ vài trăm nghìn đồng, cho đến hàng chục triệu đồng.
Zing trò chuyện với 4 người trẻ làm việc ở lĩnh vực khác nhau và đều đang hẹn hò để lắng nghe chia sẻ về cách họ chi tiêu cho tình yêu của mình.
Đa dạng nơi hẹn hò
Nhật Tân (23 tuổi, kỹ sư tài chính, Hà Nội): Bạn gái tôi là Hoàng Ngân (23 tuổi), hiện kinh doanh một cửa hàng bánh ở quận Cầu Giấy. Chúng tôi quen nhau qua mạng, đến nay đã hẹn hò được hơn một năm.
Hoàng Tuấn (23 tuổi, chuyên viên truyền thông, TP.HCM): Bạn trai tôi là Trường Toàn (25 tuổi), chuyên viên marketing tại một công ty game. Chúng tôi quen nhau từ một vài người bạn giới thiệu.
Kim Phụng (25 tuổi, kinh doanh quán ăn, TP.HCM): Bạn trai tôi là Trung Hậu (29 tuổi), quản lý dịch vụ chăm sóc khách hàng, Tôi quen bạn trai qua ứng dụng hẹn hò và đã bên nhau được 2,5 năm.
Quang Chiến (26 tuổi, giám đốc công ty công nghệ, TP.HCM): Bạn gái tôi là Mai Thị Quỳnh (23 tuổi), đang kinh doanh một thương hiệu thời trang. Chúng tôi đã ở bên nhau 2 năm. Ban đầu, người yêu tôi ở Hà Nội, tôi lại sống tại TP.HCM. Tôi sẵn sàng bay ra thủ đô chỉ để làm quen với Quỳnh.
Nhật Tân: Vì chung đam mê ẩm thực, chúng tôi thường cùng nhau khám phá các quán ăn khắp Hà Nội. Bạn gái sẽ là người đưa ra các gợi ý hay ho dựa trên những đánh giá tích cực trên mạng xã hội.
Chúng tôi cũng hay hẹn hò ngoài rạp phim mỗi khi có bom tấn Hollywood ra mắt. Bên cạnh đó, tôi và bạn gái cũng qua nhà nhau nấu nướng và chơi game chung nhằm thay đổi không khí.
Hoàng Tuấn: Mỗi cuộc hẹn chúng tôi đều cân nhắc đổi mới các hoạt động, nhưng vẫn phải phù hợp với sở thích của nửa kia. Bình thường chúng tôi sẽ đi ăn, khám phá ẩm thực thành phố.
Song song với đó, chúng tôi tham gia các hoạt động khác như workshop vẽ tranh, làm gốm, làm nước hoa, thả diều… để đổi mới.
Kim Phụng: Các hoạt động hẹn hò của chúng tôi khá đơn giản và thường diễn ra vào cuối tuần, như đi cà phê, ăn uống, đi dạo trong trung tâm thương mại… Thỉnh thoảng, hai đứa đi tham quan bảo tàng bởi tôi thích những thứ cũ kỹ.
Quang Chiến: Tôi là dân IT, thú thật ngành nghề này khiến cuộc sống tôi rất khô khan. Tôi chủ yếu chỉ ngồi làm việc trên máy tính từ sáng đến đêm.
Từ khi có người yêu, cuộc sống của tôi bắt đầu có nhiều màu sắc hơn. Tôi được người yêu dắt đi khám phá rất nhiều nhà hàng sang trọng, đến quán ăn vỉa hè… Mỗi nơi đều cho tôi những cảm giác riêng biệt.
Những khi tranh thủ được thời gian rảnh, tôi đưa người yêu mình đi du lịch khắp Việt Nam và cả du lịch nước ngoài. Đi thăm thú khắp nơi là đam mê của chúng tôi. Dự định cuối năm nay tôi và người yêu sẽ đi du lịch châu Âu.
Chi mạnh tay
Nhật Tân: Chúng tôi đi hẹn hò 2-3 buổi/tuần. Với mỗi tối hẹn hò gồm cả đi ăn và xem phim, chúng tôi sẽ tiêu 1-2 triệu đồng. Nếu la cà hàng quán vỉa hè, chúng tôi cần cân nhắc chọn quán có vị trí dễ đỗ ôtô và ngồi thoải mái, nên chi phí cũng đắt hơn một chút, khoảng 200.000 đồng bao gồm cả tiền ăn và phí gửi xe.
Cả hai đều không thích đi cà phê hay bar, pub. Thay vào đó, chúng tôi mua sinh tố và nước ép mang về.
Do quen nhau vào thời điểm dịch bệnh, tôi và bạn gái chưa có dịp đi du lịch cùng nhau nhiều. Gần đây, chúng tôi mới có chuyến du lịch Phú Quốc nhân dịp kỷ niệm một năm bên nhau. Chuyến đi kéo dài 4 ngày 3 đêm, tốn khoảng 20 triệu đồng.
Hoàng Tuấn: Chúng tôi khá bận nên chỉ tranh thủ gặp nhau vào cuối tuần. Một buổi hẹn hò cơ bản của tôi và bạn trai bao gồm ăn uống, đi xem phim, đến pub có thể tiêu tốn khoảng 1,5 triệu đồng mỗi người.
Tuy nhiên, có những hôm “đổi gió”, chúng tôi lựa chọn ăn vặt hoặc uống cà phê vỉa hè cũng chỉ tốn khoảng 200.000 đồng mỗi người.
Mỗi lần đi du lịch, tôi và bạn trai đều thích đi theo dạng trải nghiệm là chính. Do đó chúng tôi không quá tốn kém để ở các khách sạn, resort cao cấp. Trung bình mỗi chuyến đi trong nước, chúng tôi chi trả 4-5 triệu đồng/người bao gồm vé máy bay, ăn, ở, di chuyển các địa điểm.
Kim Phụng: Chúng tôi gặp nhau khá thường xuyên, có thể lên tới 4-5 lần/tuần nên có xu hướng hẹn hò ở những hàng quán vừa tiền, khoảng 100.000-300.000 đồng mỗi lần đi chơi.
Ngoài ra, cứ 2-4 tháng/lần tôi và bạn trai cùng đi du lịch, chủ yếu là các địa điểm trong nước. Có những dịp, chúng tôi chỉ tốn 7 triệu đồng, nhưng cũng có chuyến đi hết 40 triệu đồng.
Quang Chiến: Gần như tuần nào chúng tôi cũng đi du lịch để “đổi gió” và bớt căng thẳng, áp lực công việc. Các địa điểm gần chúng tôi dễ di chuyển như Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang được ưu tiên.
Một chuyến đi chơi trong nước tôi chi 20-30 triệu đồng. Du lịch nước ngoài tiêu tốn 40-100 triệu đồng tùy địa điểm. Chúng tôi ưu tiên du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp trải nghiệm và mua sắm nên con số này với tôi hoàn toàn bình thường.
Không ngại chi tiền
Nhật Tân: Tôi không bao giờ ngại chi tiền cho người mình yêu, luôn là người chi trả hết mỗi lần đi hẹn hò. Tôi cũng không đặt ra ngân sách tối đa trong việc mua quà, nhưng sẽ cân nhắc tính hữu dụng đi đôi với mức giá của món quà đó.
Chẳng hạn, cùng với giá 5 triệu đồng, tôi sẽ tặng bạn gái một chiếc đồng hồ thông minh thay vì món trang sức nào đó. Tôi không thích việc những món quà mình đem tặng, hoặc được nhận không được sử dụng hàng ngày hoặc cất một góc, bị lãng phí.
Hoàng Tuấn: Tôi không đề ra một ngân sách nào nhất định cho việc mua quà tặng người yêu. Đối với tôi “quà” không mang ý nghĩa vật chất mà ý nghĩa tinh thần rất quan trọng.
Tôi sẵn sàng bỏ ra 10 triệu đồng để mua cho bạn trai một chiếc đồng hồ anh ấy thích. Nhưng bạn trai tôi cũng hoàn toàn hài lòng nếu tôi tặng anh ấy một chiếc khăn choàng cổ chỉ 100.000 đồng vào dịp lễ Giáng sinh.
Kim Phụng: Mỗi cặp có một cách thể hiện tình cảm riêng. Trong khi tôi chỉ tặng quà cho bạn trai vào những dịp quan trọng như sinh nhật, ngày kỷ niệm theo năm…, anh thường xuyên mua quà và tạo sự bất ngờ cho tôi.
Tôi có xu hướng chọn quà dựa trên gout đối phương và cân nhắc liệu họ có đang cần nó hay không. Còn người yêu chọn quà cho tôi đơn giản vì nghĩ tôi thích nó.
Điểm chung duy nhất là cả hai đều không giới hạn ngân sách mua quà. Chúng tôi muốn dành cho đối phương điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mình.
Quang Chiến: Chỉ cần bạn gái tôi nói thích và cần món đồ đấy, tôi không ngần ngại gì việc chi tiền. Tôi không có ngân sách cụ thể nào cho việc tặng quà cho cô ấy.
Bên cạnh đó, tôi là người thích quan sát. Nếu tôi phát hiện người yêu có những vấn đề gì tôi sẽ đứng ra giải quyết. Tôi chưa bao giờ quan tâm món quà ấy có đắt đỏ hay không, đơn giản tôi biết bạn gái mình cần gì và thiếu gì.
Tôi sẵn sàng chuẩn bị một bữa tiệc lãng mạn ở Phú Quốc, hay đặt bàn riêng ở một nhà hàng sang trọng tại Hà Nội. Nhưng đôi khi tôi tặng một nhành hoa cũng chỉ để cô ấy có một ngày vui vẻ.
Tình yêu cũng cần đầu tư
Nhật Tân: Tôi không coi yêu đương là khoản đầu tư như chứng khoán hay gửi tiết kiệm. Việc dành thời gian bên bạn gái, cùng nhau đi ăn uống, vui chơi cũng là một kiểu tiêu tiền mang lại niềm hạnh phúc cho bản thân.
Đương nhiên, tôi vẫn cần cân nhắc chi tiêu sao cho hợp lý. Tôi không ngại bỏ tiền ra, nhưng chỉ tiêu khi thấy thứ gì đó đáng giá, như một bữa ăn ngon, bộ phim hay, máy ảnh đẹp…
Hoàng Tuấn: Tôi cho rằng bất cứ mối quan hệ nào cũng cần có sự đầu tư. Từ tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình… tôi đều bỏ vào đó không ít thời gian, vật chất, công sức. Khi tôi đầu tư vào một mối quan hệ tôi biết mình rất nghiêm túc và xem trọng nó. Nếu một mối quan hệ không có sự cố gắng của đôi bên, tôi nghĩ nó sẽ không duy trì được lâu.
Kim Phụng: Tình yêu chắc chắn là một khoản đầu tư. Tôi nghĩ việc không săn sóc mối quan hệ đồng nghĩa rằng đối phương chưa thực sự tin tưởng hoặc muốn tiến xa hơn trong tương lai. Tình yêu là cho đi, nhưng cho đi là để nhận lại.
Quang Chiến: Khi tôi yêu, tôi luôn hết mình và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho người yêu. Tiền có thể kiếm lại được và nó xứng đáng với người mà mình dành trọn tình cảm.
Do đó, thời gian đầu quen nhau, tôi sẽ xác định ngay đối phương có phải là người phù hợp mà mình tìm kiếm hay không. Nếu là người tôi yêu, tôi không tiếc gì với họ. Tôi đầu tư vào tình yêu này để bạn gái luôn có những kỷ niệm, khoảnh khắc đẹp nhất.
Theo Zingnews