Nuôi dạy con cái trưởng thành cần sự đầu tư tinh thần và tiền bạc liên tục trong thời gian dài. Vậy, cha mẹ nên và không nên tiêu tiền vào những khoản gì để tránh bị phung phí hoặc tiết kiệm quá mức, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ?
Một số bậc cha mẹ nghĩ rằng việc trau dồi phẩm chất cao quý của con nên bắt đầu từ ngoại hình. Vì vậy họ mua cho con mình đủ loại quần áo hàng hiệu cao cấp, khiến trẻ cảm thấy mình rất giàu có. Tuy nhiên, “giàu” thực sự không nằm ở bề ngoài.
Nếu không có điều kiện, không nhất thiết phải đầu tư quá mức cho con về ăn mặc. Một số người giàu thực sự không cho con ăn vận như hoàng tử, công chúa mà quan tâm đến chất lượng quần áo, sự thoải mái và phù hợp khi mặc. Thay vì chạy đua để lấy sự ngưỡng mộ phút chốc, thà vun đắp cho con một tâm hồn vững chãi và những kỹ năng cần thiết.
Ngược lại, dù tằn tiện đến đâu, cha mẹ cũng nên “chịu chi” cho con cái trong 3 lĩnh vực này:
1. Chi tiền để con có kinh nghiệm sống phong phú
Nhiều phụ huynh đặt việc học của con lên hàng đầu, cho rằng chỉ cần con đỗ vào trường đại học tốt là được, còn những năng lực khác của con thì họ không quan tâm. Bạn phải biết rằng để một đứa trẻ trở thành người ưu tú thì nhất định phải có kinh nghiệm sống phong phú.
Hiệu trưởng Harvard, bà Drew Gilpin Faust nói: “Hãy đưa con bạn đến những nơi xa lạ nhiều hơn, chúng sẽ biết ơn cha mẹ khi lớn lên”. Chỉ khi trẻ được nhìn thấy thế giới, chúng mới có thể áp dụng những kiến thức từ sách giáo khoa vào thực tế cuộc sống.
Đây cũng là kinh nghiệm giáo dục riêng của Drew Gilpin Foster. Mỗi năm dù bận rộn đến đâu, bà cũng đưa các con đến một nơi mới lạ để chúng được trải nghiệm những phong tục tập quán địa phương và học thêm những kiến thức nhân văn khác. Bằng cách này, khả năng đương đầu với nghịch cảnh của trẻ sẽ cải thiện đáng kể, chúng dễ dàng thích nghi và hòa nhập với xã hội sau này.
Có điều kiện, cha mẹ có thể đưa trẻ đi biển, ngắm sao, leo núi… nhìn thiên nhiên mỗi nơi khác nhau như thế nào. Nếu không quá dư dả, có thể cho con đi công viên, khu vui chơi, cắm trại ở gần nơi cư trú… Chỉ cần trẻ có thể thường xuyên trải nghiệm những môi trường khác nhau và tập trung để nghe, nhìn và cảm nhận giữa những đám đông xa lạ và ồn ào cũng chính là một cách để trưởng thành.
2. Chi tiền trau dồi sở thích của trẻ
Nếu con tỏ ra rất thích khiêu vũ, thể thao, âm nhạc… cha mẹ đừng ngăn cản. Hãy hỗ trợ và động viên nhiều hơn, khám phá thêm những ưu điểm và khuyến khích con phát huy. Sự ghi nhận và động viên của cha mẹ có thể tạo cho trẻ hứng thú và động lực lớn hơn, hỗ trợ trẻ tối đa cả về tinh thần và vật chất.
Thích khiêu vũ, không nhất định muốn trở thành vũ công; thích hội họa, không nhất định phải thành họa sĩ; tiếp tục học đàn, không chỉ thành nghệ sĩ dương cầm. Quan trọng hơn, những sở thích lành mạnh có thể khiến trẻ yêu đời, tư duy rộng mở hơn. Trẻ học được nhiều kỹ năng mềm, trở nên tích cực, tràn đầy năng lượng.
3. Chi tiền vào giáo dục
Nhiều bậc cha mẹ quan niệm trường đắt nhất là tốt nhất. Họ “cắn răng” cho con theo học những ngôi trường với học phí trên trời. Tuy nhiên, trường học đắt đỏ chưa chắc đã phù hợp với con bạn. Hơn nữa, trẻ tiểu học rất nhạy cảm về mặt tâm lý, dù trường có tốt hay đắt tiền đến đâu mà không gặp đúng thầy cô giáo thì sẽ có tác dụng ngược.
Trên thực tế, nhiều trường hợp cha mẹ vì quá thương con mà cố cho con học trường quốc tế, với ngân sách khá nặng so với thu nhập của gia đình. Cho đến khi gia đình gặp khó khăn về công ăn việc làm, thu nhập sụt giảm phải thay đổi môi trường khiến các con bị “sốc” nặng. Vì vậy, đầu tư cho giáo dục không phải là cứ chi thật nhiều tiền cho con là được mà cần có chiến lược phù hợp. Không bao giờ chi quá khả năng của gia đình.
Ngoài ra, một vài chi phí cha mẹ có thể cân nhắc đầu tư cho con như học ngoại ngữ; học thêm các môn học thuật (dựa trên nhu cầu, sự quan tâm và ý kiến của con); hay các khóa học về kỹ năng sống, kỹ năng dự tiệc, ngồi bàn ăn…
Cha mẹ cũng đừng tiếc tiền mua sách cho con. Điều quan trọng là, thay vì mua sách theo ý của cha mẹ, hãy chỉ đưa ra gợi ý để con tự chọn sách. Quá trình này sẽ giúp trẻ nghĩ rằng quyển sách ấy là do chính mình chọn, từ đó có hứng khởi và trách nhiệm hơn với cuốn sách của mình.