Điều đầu tiên: Hãy để con bạn tự lựa chọn cuộc sống của mình, đừng áp đặt lý tưởng của bạn lên con.
Trẻ em là cá thể độc lập và có quyền lựa chọn cuộc sống cho mình, nhưng nhiều bậc cha mẹ lại dùng chính kinh nghiệm sống của mình để chọn con đường đi cho con. Mặc dù ý định ban đầu là tốt, nhưng đứa trẻ đã mất đi quyền chủ động lựa chọn cuộc sống lý tưởng cho mình. Chỉ khi trẻ được làm những gì chúng thích, chúng mới có động lực bên trong, có thể khơi dậy tiềm năng vô hạn và đạt được sự nghiệp của chính mình.
Điều thứ hai: Phát triển tư duy của con
Khi trẻ còn nhỏ, hãy nuôi duỡng cho trẻ lối suy nghĩ đúng đắn, để trẻ có dũng khí đối mặt với cuộc sống của chính mình. Thuyết phục con bạn rằng chỉ số IQ và khả năng không phải là tĩnh và bất kỳ kỹ năng nào cũng có thể đạt được thông qua luyện tập có chủ ý.
Khi một đứa trẻ thành công, đừng chỉ khen ngợi sự thông minh mà hãy khẳng định sự cố gắng của con.
Khi con bạn nói “Con không thể”, hãy khuyến khích con nói “Con có thể.”
Hãy nói với con bạn rằng thất bại không có gì ghê gớm, và sự không hoàn hảo là bản chất của con người, chỉ cần bạn không ngừng nỗ lực, bạn có thể thành công bất cứ lúc nào.
Điều 3: Giáo dục không khen hay chê
Nhà tâm lý học nổi tiếng Adler từng nói: “Hệ quả của việc khen ngợi là một khi không được khen ngợi, đứa trẻ sẽ không chăm chỉ. Lời phê bình chẳng có ích lợi gì cho đứa trẻ, ngay cả khi đứa trẻ làm vậy cũng chỉ vì sợ hãi”.
Điều cha mẹ phải làm là khẳng định khi con thành công, và chỉ ra sai lầm khi chúng mắc lỗi mà không chỉ trích. Bởi vì những lời chỉ trích chẳng có ích gì đối với trẻ, nó sẽ chỉ đẩy trẻ xuống vực sâu hơn. Điều cha mẹ phải làm trong quá trình này là bảo vệ trẻ, yêu thương trẻ, chờ đợi trẻ và để trẻ có đủ dũng khí bước ra bóng đen của riêng mình. Vì có một số việc, trẻ phải tự đứng dậy để bước đi vững vàng hơn.
Điều thứ tư: Cho con làm việc nhà
Để con cái chuyên tâm vào chuyện học hành, một số phụ huynh sẽ làm mọi cách cho con: táo thì gọt vỏ cắt miếng, đồ ăn thì mang lên tận nơi, quần áo thì không bao giờ giặt.
Cha mẹ tưởng rằng, làm như vậy có thể tiết kiệm thời gian của con cái nhưng thực chất lại hình thành thói quen lười vận động của trẻ, lâu dần trẻ sẽ thiếu khả năng tự chăm sóc bản thân. Sau này sẽ rất khó hòa nhập với mọi người.
Cho trẻ tham gia vào công việc nhà có rất nhiều lợi ích. Một mặt trau dồi khả năng thực hành của trẻ, mặt khác có thể nâng cao tinh thần trách nhiệm của trẻ. Cùng cha mẹ điều hành công việc nhà, trẻ sẽ có ý thức hoàn thành công việc cao hơn. Khi trẻ có khả năng tự chăm sóc bản thân, cha mẹ cũng cảm thấy yên tâm hơn khi trẻ bước vào xã hội sau này.
Điều thứ năm: Việc học là việc riêng của trẻ
Nếu ngay từ đầu cha mẹ chỉ tập trung vào bài vở của con, trẻ sẽ nghĩ rằng việc học là việc của cha mẹ, từ đó thiếu tính chủ động và tự giác trong học tập. Điều cha mẹ phải làm là tin tưởng con cái và tin rằng chúng có thể tự quản lý việc học của mình. So với việc chỉ trích con không học mỗi ngày thì sự tin tưởng có thể tiếp thêm động lực cho chúng, và trẻ cũng biết rằng mình không nên làm những người tin tưởng phải thất vọng. Cũng giống như người lớn, nếu ai đó hỏi bạn “Con học bài chưa?”, Bạn sẽ thấy khó chịu, và một đứa trẻ cũng vậy, bị thúc giục học hàng ngày sẽ làm giảm hứng thú học tập.
Điều thứ sáu: Nuôi dưỡng lòng biết ơn của con bạn
Một đứa trẻ biết biết ơn sẽ thân thiện hơn với những người xung quanh, sẵn sàng giúp đỡ người khác và dễ dàng tìm thấy sứ mệnh của mình trong cuộc sống. Hãy để đứa trẻ hiểu rằng mọi thứ nó nhận được không phải là những gì nó xứng đáng mà nên biết ơn những người đã cho đi.
Để nuôi dưỡng lòng biết ơn ở trẻ, trước hết cha mẹ phải học cách biết ơn. Chẳng hạn, khi con giúp việc nhà, cha mẹ có thể nói với con: “Cảm ơn sự giúp đỡ của con”.
Những đứa trẻ được công nhận cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác hơn, để trải nghiệm niềm vui khi được giúp đỡ người khác. Trẻ cũng sẽ có mối quan hệ giữa các cá nhân tốt hơn và sống một cuộc sống thoải mái, hạnh phúc hơn khi tham gia vào xã hội.
Điều thứ bảy: Nuôi dưỡng tính tò mò của trẻ
Khi con bạn gặp vấn đề, đừng chỉ nói: “Mẹ không biết”. Thay vào đó, hãy nói với con bạn, “Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nó.”
Ví dụ, đưa trẻ đi tìm câu trả lời trong sách, để trẻ tự làm thử hoặc đi khám phá thiên nhiên. Hãy đưa trẻ ra ngoài đi dạo nhiều hơn, để trẻ có tầm nhìn bao quát hơn, giữ được sự tò mò về mọi thứ và học hỏi nhiều niềm vui hơn.
Điều thứ tám: Phát hiện ưu điểm của trẻ
Mỗi đứa trẻ đều có lợi thế, và cha mẹ không thể chỉ tập trung vào việc học của con mình.
Một số trẻ mặc dù có điểm số trung bình nhưng lại có trí tưởng tượng rất phong phú, khả năng đối nhân xử thế, khả năng tự chăm sóc bản thân mạnh mẽ. Chỉ cần trẻ phát huy hết lợi thế của mình thì có thể tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Điều cha mẹ cần làm là khuyến khích những điểm mạnh của con và để chúng tỏa sáng trong những lĩnh vực mà chúng yêu thích. Làm tốt một lĩnh vực cũng có thể cải thiện sự tự tin của trẻ, cho trẻ trải nghiệm niềm vui thành công và sẽ giúp trẻ mang lại nhiều thành công hơn.
Để nuôi dạy một đứa trẻ ngoan, điều cha mẹ phải làm là kiềm chế những lời phê bình con cái và dành đủ sự tin tưởng cho chúng. Hãy để đứa trẻ tin rằng cha mẹ luôn quan tâm, yêu thương và cùng trẻ lớn lên.
Theo An Nhiên
Vietnamnet