Quan hệ mẹ chồng nàng dâu từ xưa đến nay không dễ giải quyết ổn thỏa. Nàng dâu gả đến nhà chồng vốn là người ngoài bước chân vào nhà người ta, do đó nếu được người nhà chồng coi như người nhà thì cuộc sống chắc chắn dễ chịu, còn ngược lại thì xác định trước sẽ không mấy vui vẻ.
Tuyết gặp và yêu chồng năm 25 tuổi, bị nhà chồng phản đối, ghét bỏ vì là gái quê, không có công việc chính thức, sợ sau khi kết hôn sẽ tuồn tiền của nhà chồng về cho nhà đẻ và em trai.
Vấn đề là Tuyết tuy nhà ở nông thôn nhưng cha mẹ làm ăn nhỏ, thu nhập không kém nhà chồng ở nội thành. Lại nói Tuyết còn có em trai, sẽ bị nhờ cậy, vậy chồng cũng còn một em gái, Tuyết đâu có ghét bỏ gì cô ấy?
Yêu nhau hơn 3 năm, cuối cùng Tuyết cũng thành công gả về nhà chồng. Lập gia đình xong đã 28 tuổi nên cô muốn nhanh chóng sinh con.
Việc mang thai cũng thuận lợi, 3 tháng sau thì Tuyết có tin vui. Tuy không được bố mẹ chồng đối đãi như người nhà nhưng Tuyết cũng vẫn làm tròn bổn phận của nàng dâu. Ví dụ như ngoài việc chăm nom cơm nước, sức khỏe hàng ngày, mỗi dịp lễ Tết đều tặng quà, biếu tiền mặt… Tuyết cảm thấy với phương diện làm dâu , cô không có gì phải hổ thẹn. Nhưng mẹ chồng từ đầu đến cuối, đối với Tuyết luôn có thành kiến.
Sau đó Tuyết sinh được 1 cậu con trai. Bố mẹ chồng tất nhiên rất vui nhưng chỉ cưng nựng, yêu thương cháu đức tôn, còn con dâu thì vẫn không quan tâm. Trong suốt thời gian Tuyết ở cữ, chỉ có một mình chồng chăm sóc. Đối với Tuyết thế cũng là đủ, chỉ cần chồng tốt với mình là được, cần gì phải để ý bố mẹ chồng có thích mình hay không.
Bước sang năm thứ 10 hôn nhân thì nhà chồng giải tỏa đất. Đó là mảnh đất có diện tích lớn nên được chủ đầu tư đền cho tới 3 căn nhà: 1 căn lớn, 2 căn nhỏ. Khi đó bố chồng đã qua đời nên toàn bộ đều do mẹ chồng làm chủ. Mẹ chồng nói căn lớn sẽ để bà và vợ chồng Tuyết ở, còn 2 căn nhỏ đều cho em chồng. Lý do bà đưa ra là sau khi kết hôn, cuộc sống của em chồng không sung túc, đem 2 căn nhỏ kia cho cô ấy, hy vọng có thể bù đắp được 1 chút. Chồng Tuyết không phản đối thì Tuyết cũng không có lý do gì để ý kiến. Việc phân chia nhà cứ như vậy diễn ra.
Lại qua 5 năm, mẹ chồng càng lúc càng lớn tuổi, chân đi không vững, cần người ở bên chăm sóc. Nhưng vợ chồng Tuyết đều phải đi làm nên quyết định thương lượng một chút với mẹ chồng. Nhiều năm như vậy, mẹ chồng vẫn sống cùng vợ chồng Tuyết nhưng hiện tại vợ chồng cô công việc bận rộn, khó mà chăm sóc được bà, trong khi em chồng hiện tại không có việc làm, cả ngày đều nhàn rỗi. Con trai hay con gái thì đều là con, chi bằng luân phiên chăm sóc mẹ là việc nên làm, mỗi nhà chia nhau 3 tháng hoặc 1 năm.
Kết quả mẹ chồng ngay lập tức nổi giận, mắng Tuyết là đồ “ăn cháo đá bát”, đồ con dâu mất nết, từ xưa đến nay mẹ đều đi theo con trai, đạo lý nào lại theo con gái? Tuyết đáp vạn bất đắc dĩ mới phải như vậy, mong mẹ chồng thông cảm. Mẹ chồng lại nói: “Các anh các chị không có thời gian thì thuê ô-sin trông tôi cũng được. Đừng hòng tôi đến nhà con gái để quấy rầy cuộc sống của nó!”
Lúc này Tuyết nói thẳng: “Mẹ ơi, năm xưa mẹ chia cho con gái mẹ 2 căn nhà. Hiện giờ mẹ già cả rồi, sao chỉ dựa vào chúng con mà không đi tìm con gái mẹ? Như vậy không hợp lý chút nào!”
Mẹ chồng nói: “Tôi mặc kệ anh chị. Con gái gả ra ngoài như bát nước hắt đi. Tôi giờ chỉ biết dựa vào con trai thôi. Chị thuê ô-sin cho tôi, tôi bảo làm thế nào thì làm thế ấy đi. Tôi không đến nhà con gái đâu”.
Tuyết gặp phải kiểu mẹ chồng này thật sự chỉ biết câm nín, chuyện gì tốt cũng chỉ hướng về con gái, dành cho con gái, không để gia đình con trai vào mắt. Lần này thì Tuyết nhất định không nhân nhượng, báo hiếu mẹ là việc của cả con trai và con gái, không phân biệt, thế nên không thể để mẹ chồng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như thế!
Theo V.A – Vietnamnet