Vụ việc xảy ra tại Huyền Thành, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Xiaowei sau khi được nghỉ hè đã mấy ngày không về nhà. Hai vợ chồng lo lắng đã đi tìm khắp nơi.
“Sau đó, tôi nghe các bạn cùng lớp của con tôi nói rằng Xiaowei có thể đang chơi game tại một quán cà phê Internet không xa nhà”, người bố cho hay.
Cặp vợ chồng đã thực sự tìm thấy con trai ở quán game. Thậm chí họ còn biết được rằng, Xiaowei đã ở lì nơi này suốt 8 ngày 8 đêm. Ngoài việc ăn hàng ngày, thỉnh thoảng cậu bé nằm trên ghế ngủ 2 tiếng rồi lại chơi game.
Thấy con xanh xao sau nhiều ngày mải chơi, cha mẹ của Xiaowei rất tức giận và mắng con thậm tệ vì lối sống vô kỷ luật. Xiaowei cảm thấy sự xuất hiện đột ngột của cha mẹ và những lời mắng mỏ giữa nơi đông người khiến cậu rất xấu hổ nên đã cãi lại.
Điều này khiến ông bố càng tức giận, cuối cùng không nhịn được mà tát mạnh vào mặt con.
Trong khi đó, mẹ của Xiaowei cho rằng cho rằng nhân viên của nơi này đã “không hành động”, để mặc cho cậu bé buông thả bản thân suốt thời gian dài như vậy. Phía nhân viên giải thích rằng mỗi ngày họ đều có rất nhiều khách ra vào nên không thể quản lý từng người. Nghe vậy, người phụ nữ thêm sôi máu lao ra đập nát hai dãy máy tính của quán.
Khi hai vợ chồng định rời đi thì bị nhân viên giữ lại và yêu cầu bồi thường nhưng cả hai đều không muốn hợp tác. Cuối cùng, cảnh sát đã được gọi tới để giải quyết vụ việc.
Lực lượng chức năng nhận định hành vi của đứa trẻ là không vi phạm pháp luật và quán cà phê Internet cũng tuân thủ các quy định liên quan. Bởi vậy, người mẹ buộc phải chịu trách nhiệm bồi thường vì hành vi phá hoại tài sản của mình.
Cảnh sát cũng nhắc nhở căp phụ huynh nên xem xét lại cách giáo dục con cái. Họ cần phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho cậu bé để em không bị sa đà vào game hay thế giới “ảo” .
Phát hiện con nghiện game, cha mẹ nên làm gì?
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) năm 2019, game là ứng dụng hàng đầu mà trẻ em yêu thích, đặc biệt là đối tượng trẻ em trai.
Điều này cho thấy trẻ em có nhu cầu vui chơi, giải trí, tương tác sử dụng công nghệ. Trẻ em thích chơi game, nhưng nghiện game là câu chuyện khác.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nghiện game là một trình trạng sức khỏe tâm thần và thuộc nhóm rối loạn do những hành vi có tính nghiện ngập – đây là bệnh liên quan tới tâm thần.
Việc trẻ em dành quá nhiều thời gian chơi game sẽ ảnh hưởng tới nhịp sinh học, thiếu vận động, cận thị, không quan tâm đến thế giới xung quanh, khó kiểm soát tâm lý, hoà nhập xã hội.
Ngoài ra, trẻ chơi game trực tuyến có thể gặp các rủi ro như kết bạn xấu, tiếp cận game có nội dung bạo lực, khiêu dâm không phù hợp với lứa tuổi hay bị lừa đảo, bị xâm hại…
Đặc biệt, trẻ có thể bị game chi phối, tìm mọi cách để có tiền và thời gian chơi, bắt chước game, có hành vi hung hãn… dẫn đến những hệ quả vô cùng nghiêm trọng và đáng tiếc như vụ việc đánh bố mẹ, đi cướp tiền chơi game, hay bắt chước “làm theo game”.
Nhiều cha mẹ có tư tưởng game là xấu và cố gắng cấm đoán, kiểm soát trẻ, việc kiểm soát 24/7. Đôi khi, việc này còn có tác dụng ngược khiến trẻ muốn phản kháng, càng muốn chơi game, có thể chơi lén lút, giấu giếm cha mẹ.
Thay vào đó, cha mẹ có thể cùng con tìm hiểu và xác định các game con nên chơi, phù hợp với lứa tuổi và sở thích của con. Cha mẹ nên có các thông điệp giáo dục tốt, và cùng con đặt ra các giới hạn về việc chơi game như thời gian chơi, khi nào được chơi.
Cha mẹ có thể cùng con thảo luận về lợi ích và tác hại của game, giúp con tự phân loại tốt xấu và điều chỉnh hành vi chơi game phù hợp. Việc con có tư duy phản biện và độc lập là vô cùng quan trọng để tự bảo vệ chính mình.
Ngoài ra, cha mẹ hãy dành thời gian hướng con tới các hoạt động tích cực khác như vận động thể thao, đọc sách, cùng đi chơi với gia đình, giao tiếp xã hội. Việc này giúp con không sa đà vào game và thấy có những lựa chọn thú vị khác.