Hội Kế hoạch hoá Gia đình Việt Nam (KHHGĐ) – 1 trong 6 Hội Y tế là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, Hội còn là tổ chức xã hội đầu tiên của Việt Nam được hưởng Quy chế Tư vấn đặc biệt trong Hội đồng Kinh tế – Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) từ năm 2007.
Hội KHHGĐ Việt Nam (VINAFPA) được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cho phép thành lập vào ngày 11/1/1993 trong bối cảnh công tác Dân số – KHHGĐ đang trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của quốc gia, đòi hỏi phải có hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ của nhà nước từ Trung ương đến địa phương và cần có một tổ chức Xã hội nghề nghiệp phối hợp triển khai công tác truyền thông vận động và cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến cộng đồng, phục vụ nhu cầu của người dân. Đó chính là sự cần thiết để thành lập Hội KHHGĐ Việt Nam, nay trở thành thành viên chính thức của Hiệp Hội KHHGĐ Quốc tế (IPPF).
Để góp phần thực hiện các Chiến lược Quốc gia về DS-SKSS/KHHGĐ và các Kế hoạch Chiến lược của IPPF trong 30 năm qua Hội KHHGĐ Việt Nam đã xây dựng và triển khai thành công 3 Kế hoạch Chiến lược của Hội từng giai đoạn.
Đồng thời với việc xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống tổ chức của Hội tại các tỉnh/thành phố, hai nhiệm vụ trọng tâm của Hội là Truyền thông, vận động, tư vấn và Cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến người dân tại cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng khó tiếp cận tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và người di cư lao động tại các khu công nghiệp.
Trong 30 năm qua, Hội đã tổ chức hàng nghìn buổi truyền thông cho hàng chục triệu lượt người, phân phát hàng chục nghìn tài liệu truyền thông, hàng chục nghìn số báo, tạp chí đến người dân tại cộng đồng.
Mạng lưới cung cấp dịch vụ của Hội với 27 Phòng khám Hội (có 11 Phòng khám Liên kết của Hội) và đội ngũ Hội viên, tuyên truyền viên của các cấp Hội đã cung cấp một số lượng dịch vụ SKSS/KHHGĐ rất lớn với trên 94 triệu lượt dịch vụ, cho hơn 23 triệu lượt khách hàng, thông qua hàng nghìn chuyến lưu động tới vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và tại các Phòng khám Hội và thông qua mạng lưới tuyên truyền viên.
Đặc biệt, Hội KHHGĐ Việt Nam đã vận động nguồn lực trong nước và quốc tế sử dụng hiệu quả cho công tác Dân số-SKSS/SKTD/KHHGĐ. Nguồn lực vận động từ IPPF và các nguồn viện trợ khác lên tới hàng chục triệu USD.
Chia sẻ về chặng đường VINAFPA 30 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, PGS.TS Phạm Bá Nhất – Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam cho biết: “30 năm là dấu mốc quan trọng với Hội KHHGĐ Việt Nam. Chặng đường đó đủ để khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm và thành quả hoạt động của hội trong suốt 3 thập kỷ qua, góp phần thực hiện các chính sách, chiến lược và chương trình quốc gia trong công tác này.
Với những nỗ lực đó Hội Kế hoạch hoá Gia đình Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng những danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2009; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2013, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều cờ thi đua, Bằng khen của bộ ngành Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều tỉnh/thành Hội cũng được Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương khen thưởng cho tập thể, cá nhân trong các nhiệm kỳ đại hội.