Chúng tôi tới tiệm may của anh Nguyễn Huy Hải (SN 1976, trú phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An) vào một buổi chiều nắng gắt giữa tuần. Vì hoàn cảnh đặc biệt của anh Hải, chúng tôi phải nhờ cô con gái đầu của anh hiện là sinh viên năm 2 đại học phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cùng đồng hành.
Dù biết trước tình cảnh “nghe không thông, nói không rõ” của anh, nhưng chúng tôi rất bối rối không hiểu anh nói gì khi cô con gái chưa có mặt tại tiệm.
Người đàn ông khuyết tật đa tài
Anh Hải là con một trong gia đình nghèo. Từ khi chào đời đến năm 5 tuổi, anh phát triển khoẻ mạnh như bao bạn bè cùng trang lứa.
Biến cố cuộc đời ập đến vào cuối năm anh 5 tuổi. Ngày đó, anh bị sốt, đau nhức khắp cơ thể, kéo dài nhiều ngày liền. Gia cảnh khó khăn, anh không được cứu chữa kịp thời dẫn đến biến chứng câm điếc hoàn toàn.
Rào cản về ngôn ngữ khiến anh Hải khó hoà nhập với gia đình, hàng xóm và những người xung quanh.
Thương con suốt ngày quẩn quanh với bốn bức tường, năm 10 tuổi, gia đình gửi anh vào Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề cho người khuyết tật đóng trên địa bàn.
Với bản tính ham học hỏi, chịu khó rèn luyện, anh nhanh chóng nắm bắt được các kiến thức. Tại trung tâm, anh Hải được làm quen với đường kim mũi chỉ, chính điều này đã nhen nhóm lên tia hy vọng trong anh.
“Kết thúc 2 năm học tại trung tâm, mình quyết theo học nghề may, xin bố mẹ đến học việc, làm thêm tại một xưởng may của người quen. Tại đây mình được làm quen với nhiều người có cùng cảnh ngộ, chủ cơ sở hướng dẫn học nghề rất nhiệt tình”, anh Hải nhớ lại.
Sau nhiều năm lăn lộn làm thêm khắp các xưởng may, vừa mày mò, nhận thêm công việc về nhà làm, anh Hải trở thành thợ giỏi trong lĩnh vực may trang phục vest cho cả nam và nữ.
Năm 2005, anh mở tiệm may cho riêng mình. “Khách hàng của mình chủ yếu là người quen hoặc được giới thiệu đến với cửa tiệm vì chất lượng sản phẩm tốt, giá cả hợp lý”, anh Hải tâm sự.
Không chỉ may giỏi, người đàn ông khiếm khuyết này còn vẽ rất đẹp. Có năng khiếu từ bé, nhưng vì nhà nghèo, anh đành phải tận dụng những viên gạch đỏ, những mẩu phấn vụn tại xưởng may tập vẽ khắp tường nhà.
“Ngày đó mình chủ yếu vẽ chân dung người nổi tiếng nước ngoài. Lúc được mẹ mua cho bịch bút màu thì quý lắm. Không có người hướng dẫn, mình tự học về bố cục tranh, phối trộn màu sắc qua tranh ảnh”, anh mỉm cười ra ký hiệu cho con gái.
Việc làm ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp không chỉ để kinh doanh tốt hơn mà còn là cách anh Hải khẳng định năng lực làm việc không thua kém gì người bình thường, chứng minh cho mọi người thấy dù khiếm khuyết về thể xác nhưng không thể giới hạn khả năng.
Chuyện tình đẹp như mơ
Tâm sự được một lúc thì chị Nguyễn Thị Vinh (SN 1982), vợ anh Hải từ trong nhà đi ra. Chị hiện làm thêm tại một xưởng may gần nhà.
Niềm nở chào đón chị nhưng trả lời chúng tôi chỉ là một vài ký hiệu cùng nụ cười trên môi. Thấy chúng tôi bối rối, cô con gái đáp lời giải thích, “mẹ em cũng giống bố”.
Chị Vinh là con út trong gia đình 4 anh chị em. Năm 2 tuổi, cũng vì cơn sốt co giật để lại biến chứng, chị câm điếc suốt đời.
“Mình biết vợ từ khi học chung tại Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề. Sau này thông qua nhóm bạn hội người khuyết tật gặp lại cô ấy và bén duyên từ đó”, anh Hải tâm sự.
Trong cuộc sống, ít ai dám tưởng tượng, tình yêu lại đến với hai con người có hoàn cảnh như thế này. Họ không thể trao cho nhau những lời thề, yêu thương bằng lời, mà chỉ có cử chỉ, ánh mắt và sự quan tâm dành cho nhau.
Năm 2002, được sự nhất trí của hai bên gia đình, đôi bạn trẻ về chung một nhà.
Không cặp đôi nào đến với nhau mà không muốn có chung “giọt máu” để lại trên đời. Cặp đôi câm điếc như anh Hải, chị Vinh càng mong muốn đến tột độ…
Không giấu nổi sự lo lắng, anh liên tục ra ký hiệu, “lần vợ sinh con đầu lòng, mình rất lo lắng vì sợ con sinh ra không lành lặn, sợ con lọt lòng mẹ mà chỉ khóc ư ư trong họng, không thành tiếng”.
Nhưng rồi, mọi lo lắng nhanh chóng xua tan khi anh nhận được tin các bác sĩ sàng lọc kỹ và kết luận đứa trẻ không mang bất cứ dị tật nào. Những năm sau đó, niềm vui nối tiếp với gia đình khi 2 người con còn lại đều khoẻ mạnh, phát triển bình thường.
Cái kết có hậu giữa đôi vợ chồng đặc biệt đã minh chứng rằng, hạnh phúc, niềm vui, tình yêu đều dành cho tất cả mọi người. Dù là những người khiếm khuyết thì họ đều có ngôn ngữ giao tiếp đặc biệt cho riêng mình.
Trần Tuyên