Stress trầm trọng vì cô con gái đang tuổi dậy thì cứng đầu, chị Phương Mai (Sơn Tây) than phiền “bướng bỉnh, khó dạy bảo vô cùng”.
Chị thở dài cho biết, con là người sống khá khép kín, ít tâm sự với ai, ngoài mặt thì vui cười, nhưng bên trong là một con người khác hoàn toàn.
Tự thấy mình cũng sống trẻ, cập nhật các xu hướng của giới trẻ, có đôi chút hiểu biết về tâm lý của tuổi dậy thì nên chị luôn “nương” theo cảm xúc, suy nghĩ của con để điều chỉnh.
Theo đó, từ năm con học lớp 5 chị đã “tách đàn” cho con có phòng riêng, lên lớp 6 cho con dùng điện thoại. Thời điểm này con bắt đầu dậy thì nên chị Mai rất tôn trọng, không hề ép buộc con phải làm theo ý mình, chỉ góp ý nhẹ.
“Mình cũng đã từng thử trò chuyện cùng con, ở nhà có, quán kem, quán trà sữa, …có nhưng lần nào cũng có 1 kết quả: mình luôn độc thoại, mình nói mình nghe, bạn ấy không ý kiến, không phản bác, không trả lời và chỉ im lặng ngồi nghe. Có lúc ‘nó’ bảo muốn kết thúc cuộc đời! Nghe câu nói ấy mình giật cả mình, không lẽ mình đang làm mẹ không đúng?”, chị Mai hoang mang.
Người mẹ này cho biết, cả nhà đều chiều con, muốn gì cũng cho thế mà con khó bảo quá. Chị không biết phải làm gì để “nắn” con qua giai đoạn nổi loạn này khi không được mắng con, không được la, không được đánh, không ép con…
“Nhiều bạn cứ bảo phải nói chuyện với con, phải tâm sự với con, phải gần gủi với con. Nghe thì thật sự đơn giản, dễ làm nhưng khi làm thì mới thấy khó vô cùng.
Tôi liên tục phải kìm nén, kiềm chế, đè bẹp cơn giận dữ của mình để không phải cho con một trận đòn như ngày xưa mình đã bị đánh. Bố mẹ thời hiện đại, thật hãi hùng mà không biết phải làm sao”, chị Mai băn khoăn.
Chia sẻ về những thay đổi của trẻ ở tuổi dậy thì, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, cho rằng ở tuổi này trẻ dễ tự ái, bất cần. Vì bản thân các con đã lớn hơn và luôn muốn được cha mẹ ứng xử như một người lớn. Tuy nhiên thường thì cách nói, ứng xử của cha mẹ chưa lớn lên theo con nên vẫn là sự quát mắng như khi con bé. Vì thế, trong giai đoạn này bố mẹ thử thay đổi để nói chuyện với con lịch sự như những người bạn, người đồng nghiệp….
Trẻ dậy thì cũng rất dễ nổi nóng, bốc đồng, bùng nổ. Vì bản thân nghĩ mình đã lớn nhưng suy nghĩ và khả năng nói thuyết phục, khả năng giải quyết vấn đề…. chưa lớn. Trong khi đó cha mẹ thì luôn muốn con phải thế này, phải thế kia nhanh chóng khiến con căng thẳng và dùng cảm xúc tiêu cực để đối phó.
Trong tình huống này, chuyên gia Phạm Hiền cho rằng bố mẹ cần bình tĩnh chia sẻ, tháo gỡ trong sự hợp tác tất cả các vấn đề được hay không được coi như bạn đang trong một cuộc trao đổi công việc với đối tác.
Trẻ dậy thì cũng rất dễ lì lợm đến không cảm xúc. Theo đó, ở giai đoạn này trẻ không muốn ai nói nhiều đặc biệt không muốn chỉnh, giáo huấn… nên đã tự tạo tấm rào cản cho khả năng nghe của bản thân. Khi cha mẹ càng nói nhiều thì mọi thứ sẽ nằm ngoài tấm rào chắn đó và không ảnh hưởng gì đến con.
“Thử hài hước với mỗi vấn đề cần nói và đừng chỉnh, hay giáo huấn coi như bạn đang nói chuyện với một người bạn khó tính”, chuyên gia Phạm Hiền cho hay.
Thậm chí theo các chuyên gia, tuổi dậy thì tâm lý chưa vững nên nhiều bạn trẻ khó kiểm soát bản thân, dễ nảy sinh những hành động khó ngờ. Tuổi dậy thì hay nghĩ đến ý định tự tử khi bế tắc do thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề. Gia đình ít gắn kết, nhà trường ít quan tâm ‘góp phần’ gia tăng nguy cơ tự tử ở lứa tuổi đang phát triển này.
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền nhấn mạnh, ở tuổi dậy thì các con rất áp lực nhưng cũng không biết mình áp lực. Tuổi này các con có nhiều vấn đề cần nghĩ nhưng suy nghĩ không tới nơi. Tuổi này các con cần giải quyết nhiều vấn đề nhưng không biết giải quyết. Tuổi này các con cần nhận thức nhiều vấn đề từ cuộc sống nhưng vốn sống mới đang trên bước đường trải nghiệm……
Do đó, chuyên gia cho rằng cần lắm sự lắng nghe tìm hiểu của cha mẹ với con để tháo gỡ, chứ không phải quan niệm nhiều bố mẹ cho rằng con là vấn đề để mổ xẻ…… trong sự lờ đi suy nghĩ, lờ đi cảm xúc của con với thứ quyền lực cao ngút của mình. Cha mẹ cần giúp con tháo gỡ dần những nút thắt bế tắc và trải nghiệm nhận thức đúng/ sai được nhiều hơn.