Hôn nhân mai mối
Năm 21 tuổi, ông Đặng Văn Ngộ (hiện 87 tuổi, quê Đồng Nai) cưới bà Võ Thị Sẩm (hiện 83 tuổi). Đó là cuộc hôn nhân không bắt đầu bằng tình yêu nhưng lại đong đầy hạnh phúc.
Nhớ lại ngày được người nhà mai mối cho bà Sẩm, ông Ngộ vẫn chưa hết bất ngờ. Ông mồ côi từ nhỏ. Ở với người cậu, ông không bao giờ dám nghĩ mình có thể cưới được vợ, có gia đình riêng.
Năm 20 tuổi, ông được cậu mai mối cho cô gái hương sắc mặn mà cùng xóm. Dù ngày ngày gặp mặt, ông Ngộ cũng không bao giờ nghĩ rằng người cậu mai mối cho mình chính là bà Sẩm.
Khi biết mình được mai mối với ông Ngộ, bà rất bất ngờ và lo lắng. Có lúc, ý định từ chối cuộc hôn nhân chưa có tình yêu đã hiện lên trong tâm trí bà.
Bà sợ, khi về sống chung, không có cha mẹ răn dạy, ông Ngộ sẽ ngang tàng, đánh mắng mình. Bà cũng sợ ông không biết làm ăn khiến mình khổ.
Bà đem nỗi lo lắng ấy kể với mẹ. “Nghe hết những nỗi lo của tôi, mẹ nói: “Không sao, có mẹ lo”. Người cậu của ông cũng nói: “Dù Ngộ không còn cha mẹ nhưng vẫn còn tôi la rầy, chỉ dạy nên sẽ không sao”. Nghe vậy tôi đỡ lo và đồng ý lấy ông”, bà Sẩm kể.
Sau ngày mai mối, ông bà có 1 năm để tìm hiểu nhau trước khi chính thức trở thành vợ chồng. Tuy vậy, suốt thời gian ấy, cả hai vẫn chưa biết yêu là gì.
Hàng ngày gặp nhau, ông bà vẫn giữ khoảng cách và chỉ chào nhau bằng những câu xã giao như 2 người xa lạ. Ông bà cũng chưa dám đi chơi cùng nhau dù chỉ một lần. Mãi đến khi kết hôn, ông Ngộ mới dám nắm tay người vợ của mình.
Đến với nhau bằng cuộc hôn nhân mai mối, ông bà vẫn thương yêu, nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Cả hai chưa một lần cãi vã, xích mích khiến cuộc sống vợ chồng “cơm không lành canh không ngọt”.
Ông Ngộ kể: “Lúc đó chúng tôi khổ lắm, cả ngày chỉ lo làm lụng để nuôi con nên đâu có thời gian để mà giận hờn nhau. Đặc biệt là khi có con, vợ chồng tôi hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Tôi làm từ sáng đến tối. Đêm, tôi lội xuống ruộng mò cua, bắt cá, ra sông quăng chài”.
Chưa một ngày sung sướng
Dù đã bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ông bà vẫn không thể chăm lo cho 13 đứa con của mình.
Cũng vì vậy mà các con ông không được ăn học đến nơi đến chốn. Người học cao lắm chỉ đến lớp 6. Thậm chí có người chỉ mới học được vài buổi lớp 3. Để nuôi con, ngoài việc đi làm thuê, ông bà Ngộ nuôi thêm vịt đẻ.
Tuy nhiên, được ít năm, khu đất nơi ông chăn vịt bị san lấp. Ông đành bán tháo đàn vịt, trôi dạt về quận 2 (TP.HCM) ở nhờ đất người quen. Tại đây, ông Ngộ ngày ngày chèo ghe đi nhặt ve chai. Bà Sẩm mò hến, bắt ốc dưới sông kiếm sống.
Sau này, bà Sẩm không còn đủ sức lội sông mò hến, bắt ốc nữa nên đành ngồi ghe, theo chồng đi nhặt ve chai trên sông, có khi họ trôi dạt đến tận quận 7 (TP.HCM) để nhặt ve chai.
Nay sức cùng lực kiệt, bà Sẩm buộc phải ở nhà để mình ông Ngộ đi nhặt. Ông Ngộ bây giờ cũng không dám đi xa nữa mà chỉ loanh quanh khúc sông gần nhà “để khi cảm thấy mệt còn kịp bơi ghe về”.
Dù đông con nhưng ông bà không muốn phiền con cái. Biết các con ai cũng khổ, phải lam lũ lo cho gia đình nhỏ của mình, ông bà quyết định tự lo thân, không đến ở cùng ai.
Tại chương trình Tình trăm năm , bà Sẩm chia sẻ, suốt 63 năm chung sống với chồng, nuôi 13 người con, ông bà chưa có một ngày sung sướng, an nhàn. Đến nay, ông bà vẫn phải vất vả để tự nuôi sống bản thân.
Tuy vậy, ông bà chưa một lần hối hận, không bao giờ nghĩ đến chuyện không thương yêu, nâng đỡ lẫn nhau. Bà Sẩm chia sẻ: “Hồi đó dù nghèo khổ nhưng tôi không bao giờ có ý định bỏ ông ấy đi lấy người khác. Tôi chỉ nghĩ mình phải cố gắng làm để nuôi con”.
Nghe vợ chia sẻ, ông Ngộ không khỏi xót xa. Ông thấu hiểu những nỗi khổ của vợ. Ông thương vợ nhưng lực bất tòng tâm, không thể lo cho bà cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Ông nói: “Suốt một đời tôi chưa sắm được gì cho vợ. Vì nghèo quá, lúc đám cưới, tôi chỉ sắm cho bà ấy được đôi bông với cặp áo dài và một bộ đồ ngắn. Sau này, làm không đủ ăn, bà ấy cũng bán đôi bông ấy để nuôi con mất rồi.
“Thấy bà ấy cực, tôi thương lắm. Có lúc đang ăn cơm, con khóc là bà ấy bỏ chén, lo hết cho đứa này đến đứa kia. Có khi không kịp ăn, để bụng trống mà đi làm…”.
Cuối chương trình, bà Sẩm nói rằng, đến tuổi này, bà mong có gạo ăn, có chút tiền để dành phòng khi ốm đau bệnh hoạn không phải vay mượn. Trong khi đó, ông Ngộ chỉ mong ước các con, các cháu có công ăn việc làm, không phải khổ sở như mình ngày trước.