Tiến sĩ Lavin gợi ý, điều quan trọng nhất là giải quyết vấn đề ăn cắp theo cách dạy cho trẻ biết rằng hành vi này là sai và thúc đẩy chúng không tái phạm. Đầu tiên, hãy xem xét lý do tại sao trẻ lấy trộm, và sau đó là cách phản ứng.
Lý do khiến trẻ “tắt mắt”
Tất cả chúng ta đều có xu hướng tò mò và khao khát những gì mình không thể có. Tiến sĩ Lavin giải thích: “Nếu bạn bảo bọn trẻ không được làm điều gì đó hoặc chúng không thể lấy thứ gì đó, chúng sẽ muốn thứ đó. Bản chất của con người là kiểm tra các vật phẩm bị cấm. Tất cả chúng ta đều sẵn sàng làm điều đó”.
Điều này chứng tỏ trẻ em cần học tại sao hành động theo sự thôi thúc đó là sai và cách chống lại ham muốn làm điều xấu. Candice W. Jones, một bác sĩ nhi khoa ở Sanford (Florida), cho biết việc xem xét các lý do đằng sau hành vi đó có thể giúp bạn quyết định giải pháp.
Có nhiều phức tạp và cảm xúc tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến quyết định ăn cắp của trẻ. Nhận thức được và giải quyết những sắc thái này, đồng thời đưa ra hậu quả cho hành vi sai trái, có thể giúp ngăn chặn hành động theo cám dỗ ăn cắp trong tương lai, Tiến sĩ Jones nói.
Tiến sĩ Lavin nói, điều quan trọng là phải xem xét độ tuổi, sự trưởng thành của trẻ, những gì chúng đã đánh cắp và bối cảnh. Ví dụ, việc lấy một thứ gì đó từ cửa hàng hoặc một người lạ sẽ khác với lấy từ một thành viên trong gia đình.
Biết lý do tại sao trẻ lấy món đồ sẽ giúp bạn lập một kế hoạch hiệu quả hơn để đối phó với hành vi đó.
Dưới đây là một vài lý do phổ biến dẫn đến thói “tắt mắt” ở trẻ.
Thiếu kiến thức và hiểu biết
Việc trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo lấy đồ của người khác là điều bình thường. Ở độ tuổi này, chúng chưa hiểu rõ về việc ăn cắp ảnh hưởng đến người khác như thế nào và nó có thể gây hại ra sao. Tiến sĩ Jones nói: “Trẻ mới tập đi trải qua giai đoạn “của tôi”. Chúng có thể lấy thứ gì đó nhưng đó không thực sự là hành vi ăn cắp”.
Trẻ cũng có thể lấy thứ gì đó từ cửa hàng chỉ vì chúng không hiểu cách thức hoạt động của quyền sở hữu.
“Đối với trẻ, tất cả các mặt hàng dọc theo lối đi dường như đều có thể lấy được”, Tiến sĩ Jones giải thích. Khái niệm mua một thứ gì đó có thể không được nhận thức đầy đủ cho đến khi học mẫu giáo hoặc sau này.
Vì vậy, hãy bắt đầu trò chuyện với con về sự đồng cảm và lý do tại sao ăn cắp là sai để chúng có thể học cách tôn trọng tài sản của người khác. Giải thích rằng chúng ta cần mua các vật phẩm để sở hữu chúng và mang chúng về nhà.
Áp lực từ bạn bè
Tiến sĩ Lavin cho biết, áp lực từ bạn bè trở nên phổ biến hơn (và mạnh mẽ hơn) từ 6 hoặc 7 tuổi trở đi. Thanh thiếu niên có thể ăn cắp vì nghĩ rằng điều đó có vẻ thú vị và những người khác cũng đang làm điều đó. Hoặc chúng có thể cảm thấy thú vị mà không thực sự nghĩ đến hậu quả.
Các em có thể bị bạn bè gây áp lực buộc phải lấy hàng từ cửa hàng hoặc lấy trộm tiền từ một chiếc túi không có người trông coi trong phòng thay đồ.
Vào những thời điểm khác, thanh thiếu niên ăn cắp vì họ muốn có những món đồ đẹp mà mình không được phép có hoặc không thể mua được. Một số thanh thiếu niên ăn cắp như một cách để nổi loạn chống lại cha mẹ.
Ở độ tuổi này, chúng biết những gì chúng làm là sai và chúng có thể phải đối mặt với các vấn đề pháp lý nếu hành vi trộm cắp không được giải quyết một cách hiệu quả.
Sức khỏe tinh thần
Rối loạn hành vi tiềm ẩn hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng có thể góp phần gây ra hành vi như ăn cắp. Một đứa trẻ đang phải vật lộn với các vấn đề về tình cảm hoặc gia đình, chẳng hạn như đối mặt với cái chết hoặc cuộc ly hôn của cha mẹ chúng, có thể bắt đầu hành động bằng cách ăn cắp.
Một đứa trẻ đang đối phó với chứng trầm cảm hoặc một tình trạng sức khỏe tâm thần khác có thể sử dụng hành vi trộm cắp như một cách để đối phó.
Giải pháp thiết thực
Tiến sĩ Jones nói, điều quan trọng là phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề của con bạn và khiến chúng tham gia vào việc tìm kiếm giải pháp cho những thách thức của chính chúng.
Ngoài ra, bạn có thể cần phải loại bỏ những cám dỗ trong một thời gian. Ví dụ: Nếu việc ăn cắp ở cửa hàng là một vấn đề, đừng để trẻ dưới 13 tuổi đi chơi với bạn bè ở các cửa hàng mà không có sự giám sát. Cố gắng cải thiện các kỹ năng tự kiểm soát trước khi chúng sẵn sàng đi mua sắm một mình hoặc với bạn bè.
Nếu một đứa trẻ mang về nhà những món đồ không phải của chúng, chúng có thể phải đợi cho đến khi lấy lại được lòng tin của bạn trước khi đến nhà một người bạn lần nữa.