Quốc Thái (27 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) sở hữu hình xăm đầu tiên năm 23 tuổi. Đây là điều mà anh chưa bao giờ dám nghĩ đến trước đây.
Chia sẻ với Zing, anh cho biết mẹ mình là người rất khó tính, có những quy tắc bắt buộc các con phải tuân thủ.
“Mẹ tôi là giáo viên và rất nghiêm khắc. Bà bị ảnh hưởng bởi nhiều mối quan hệ xã hội như cái nhìn từ bà con, hàng xóm và đồng nghiệp ở trường”, anh kể lại.
Không muốn sống trong khuôn khổ
Theo Quốc Thái, mẹ anh ái ngại với những hình xăm vì sợ con mình bị đánh giá, cũng khó có thể vào những nơi làm việc như bà mong muốn. Từ bé đến lớn, anh luôn được mẹ dặn dò không được nhuộm tóc, bấm khuyên tai và có hình xăm trên người.
Nhưng năm 23 tuổi, muốn thoát khỏi những quy tắc đang âm thầm trói buộc cá tính của mình, Quốc Thái xăm hai dòng chữ nhỏ ở ngón tay, vị trí khó thấy: “Right time, right place” (tạm dịch: đúng lúc, đúng chỗ).
Tương tự Quốc Thái, Thanh Tuấn (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng muốn “chống đối” những quy tắc về ăn mặc mà gia đình đưa ra.
Bố mẹ anh đều cho rằng nam giới không phù hợp với những màu tóc sặc sỡ, thậm chí cả phụ nữ cũng vậy.
“Gia đình lo lắng tôi ra đường bị săm soi, đánh giá về ngoại hình, đặc biệt khi đi làm việc”, anh chia sẻ.
Trước đây, Quốc Thái làm theo lời bố mẹ để giữ gìn hòa khí trong nhà. Anh thường ra đường với quần tây, áo sơ mi. Khi đi chơi, anh cũng chỉ thay bằng áo phông đơn giản và quần jean, quần kaki tối màu.
Gần đây, anh bật lên suy nghĩ thay đổi. Chàng trai ra tiệm và quyết định nhuộm màu tóc đỏ sáng nhất, điều mà anh chưa bao giờ dám làm trước đây.
Không chỉ bị cấm nhuộm tóc, Lê Vi (23 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) còn bị mẹ giám sát rất kỹ về chuyện quần áo, giày dép.
“Từ bé, tôi đã luôn được mẹ dặn dò phải mặc thế nào, ra đường phải kín đáo, che chắn, giày dép ra sao cho phù hợp”, cô kể.
Mẹ cô lo sợ con gái sẽ xỏ khuyên, xăm mình hay ăn mặc hở hang. Bà sợ rằng nếu theo đuổi phong cách đó, con gái sẽ gặp người yêu không tốt, bị đánh giá hoặc thậm chí khó về làm dâu một gia đình nào đó trong tương lai.
“Suốt năm cấp 3, mẹ bắt tôi phải mặc áo dài truyền thống, loại có cổ cao 3 cm, tà dài chấm gót chân. Trong khi đó, các bạn tôi đều thoải mái với những chiếc áo dài cổ tròn, tà ngắn, may cách điệu. Mẹ còn bắt tôi mang giày cao gót ngay từ lớp 10 vì trông dịu dàng, nữ tính. Như vậy đã đủ hình dung mẹ tôi khó và truyền thống thế nào rồi”, Lê Vi tâm sự.
Đến khi lên đại học, được đi làm thêm để trải nghiệm, Lê Vi tích góp được số tiền vừa đủ. Điều đầu tiên cô làm chính là thay đổi tủ đồ của mình, đi nhuộm tóc và có một hình xăm nhỏ ở ngực.
“Tôi chỉ dám nhuộm tóc màu nâu vàng, không quá nổi bật, nhưng cũng đủ khiến mẹ tôi hậm hực. Tôi xăm một dòng chữ nhỏ ngay lườn ngực, vì đây là chỗ mà mẹ tôi không thấy. Tôi nghĩ bắt đầu như vậy là vừa đủ”, cô gái kể về mình.
Lê Huỳnh Phúc (27 tuổi, quận 3, TP.HCM) là một nghệ sĩ biểu diễn cải trang nữ (drag queen). Để theo đuổi đam mê này, anh thường xuyên phải ăn mặc nữ tính, kèm theo lối trang điểm dày và đậm.
Người ta thường bắt gặp anh trong những buổi biểu diễn nghệ thuật với những chiếc váy bốc lửa, thân hình gợi cảm. Nếu không nói ra, khó ai biết ngay được anh là nam giới.
“Tôi chuyển sang phong cách này được 2 năm, chủ yếu vì sở thích và đam mê. Trước đây, tôi cũng theo đuổi kiểu quần áo unisex”, anh nói.
Tất nhiên, gia đình của Huỳnh Phúc ban đầu không hài lòng với vẻ bề ngoài và công việc của con. Anh không dám thay đổi ngoại hình ngay lập tức mà bắt đầu từ những hình xăm nhỏ, khuyên mũi, sau đó bắt đầu lén mặc những chiếc váy, mang giày cao gót từ mẹ.
“Mẹ tôi sợ người khác đánh giá, nhưng tôi thì không. Khi là chính mình, tôi không có gì phải sợ”, anh nói.
Thỏa hiệp
Hết buổi biểu diễn cuối tuần, Huỳnh Phúc ngồi trên bàn trang điểm, tẩy trang đi toàn bộ son phấn dày đặc trên gương mặt.
Anh trở lại với diện mạo bình thường: tóc húi cua, chân mày xỏ khuyên và thêm hình xăm trải dài ở hai cánh tay.
“Mẹ tôi không sốc khi tôi làm nghề này, chỉ có điều thời gian đầu bà ấy cũng không được vui”, anh tâm sự.
Rất may, mẹ Huỳnh Phúc là một người rất chịu khó lắng nghe. Anh dành nhiều thời gian tâm sự với mẹ mình về đam mê với nghệ thuật và những câu chuyện riêng tư về giới tính. Từ sau đó, mẹ anh cũng thoải mái hơn và cho phép anh là chính mình.
Tuy nhiên, không dễ dàng như Huỳnh Phúc, Thanh Tuấn hiện tại vẫn đối diện với cái quay ngoắt đi từ mẹ mỗi lần về nhà.
“Tôi hiểu tại sao mẹ làm như thế. Tôi đang đi ngược lại với những gì bà mong muốn”, anh tâm sự.
Sau khi anh nhuộm tóc, mẹ anh không nói gì với anh suốt một tháng trời. Bà muốn anh sẽ đi nhuộm lại tóc tối màu như cũ.
Nhưng Thanh Tuấn biết nếu làm vậy, anh sẽ mãi mãi phải ăn mặc theo ý mẹ. Biết mẹ từ chối nhìn mặt và nói chuyện, Thanh Tuấn chọn cách nhắn tin để tâm sự.
“Tôi biết nói mẹ sẽ không nghe, nhưng tôi nhắn tin mẹ chắc chắn sẽ đọc”, anh kể lại.
Trong những dòng tin nhắn với mẹ mình, anh cho biết bản thân cảm thấy bị kìm kẹp, ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo của bản thân. Anh cũng nói rằng mình sẵn sàng quay lại tóc tối màu, miễn là khi đó anh thấy thích.
Vài ngày sau, anh thấy những phản ứng tích cực hơn từ mẹ mình.
“Mẹ tôi không cản nữa, nhưng bà vẫn thủ thỉ muốn tôi để màu sắc khác bớt rực rỡ hơn. Tôi nghe theo vì biết mẹ có những cái khó của mẹ. Tôi nghĩ mỗi người nhường nhịn nhau một chút là được, miễn là mẹ hiểu được những gì tôi cần và muốn thay đổi”.
Về phía Lê Vi, cô đã có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với phụ huynh của mình. Mẹ cô ra sức từ chối việc con gái mặc đồ quá sexy, gợi cảm, đề nghị cô dọn lại tủ đồ, tháo khuyên mũi, khuyên rốn.
“Tôi biết lúc đầu sẽ khó chấp nhận, nhưng rồi mẹ tôi sẽ quen với điều đó mà thôi”, cô kể. Nữ nhân viên ngành thiết kế này vẫn cố chấp theo đuổi những phong cách mà cô yêu thích. Bạn bè đã không còn thấy Lê Vi xuất hiện trong những chiếc váy dài bồng bềnh, thay vào đó là những bộ đồ thời thượng nhất.
“Tuy nhiên, tôi cũng tiết chế sao cho vừa ý gia đình. Nếu là đi làm, tôi cũng ăn mặc lịch sự, kín đáo, che đi hình xăm. Nếu đi cùng gia đình, tôi cố gắng mặc váy đầm, hoặc áo quần như mẹ thích. Tôi nghĩ vậy là được”, cô nói.
Theo Zingnews