“Ly hôn khi ngủ” không có nghĩa là hôn nhân trục trặc
Vợ chồng ngủ khác giường, thậm chí khác phòng, được giới nghiên cứu gọi là “Ly hôn khi ngủ” có thể có lợi cho cả chất lượng giấc ngủ và mối quan hệ của bạn.
Theo Danielle Kelvas, cố vấn y tế của chuyên trang Sleepline (Mỹ), dù khái niệm “ly hôn khi ngủ” thường bị hiểu theo nghĩa tiêu cực nhưng khi thực hiện đúng, nó có những tác động tích cực nhiều người không ngờ đến.
Theo Shelby Harris, giám đốc sức khỏe giấc ngủ của tổ chức Sleepopolis, ly hôn khi ngủ là một biện pháp vợ, chồng ngủ riêng tạm thời hoặc vĩnh viễn, do sự khác biệt về cách ngủ, thói quen và sở thích, hoặc chứng ngáy ngủ.
Cần hiểu rõ rằng ngủ riêng không có nghĩa là mối quan hệ của một cặp vợ chồng đang gặp rủi ro. Thay vào đó, đây là cách để cả hai có giấc ngủ ngon và đó là mục đích lành mạnh.
Chia sẻ trên tờ New York Times, nhiều cặp vợ chồng cho biết việc ngủ riêng sẽ có thể giúp họ có không gian cá nhân và giảm sự nhàm chán trong hôn nhân. Và ở Mỹ, tuy sống chung nhưng ngủ riêng là xu hướng phổ biến đối với các cặp vợ chồng trẻ.
Valerie Weisler (24 tuổi) sống cùng chồng ở thành phố New York. Tuy nhiên cô đề nghị được có phòng ngủ riêng.
“Tôi thấy sợ nếu ngủ chung với chồng. Có điều gì sai khi tôi muốn làm vậy sao?. Bạn gặp một ai đó, hẹn hò, yêu đương rồi về chung một nhà. Nhưng điều đó đâu có nghĩa là phải yên giấc cùng một giường”, Weisler chia sẻ.
Trong khi đó, Ky Dates (22 tuổi) là chồng của Valerie, lại có suy nghĩ khác. “Ngủ chung phòng là điều thường lệ của các cặp vợ chồng và cảm thấy hoang mang khi vợ tôi làm ngược lại”, Ky Dates nói.
Cũng theo Ky Dates: “Tôi cảm thấy hoang mang và lo lắng. Phải chăng đó là dấu hiệu của một mối quan hệ đang gặp trục trặc”.
Sau khi được vợ giải thích về việc coi trọng không gian cá nhân trong thời gian du học ở nước ngoài, Ky Dates cuối cùng cũng đồng ý. Vào tháng 9/2022, đôi trẻ dọn ra sống ở một căn hộ 4 phòng ngủ ở Crown Heights (Brooklyn). Họ chia sẻ ngôi nhà với 2 người bạn nữa.
Những lý do khiến các cặp vợ chồng “Ly hôn khi ngủ”
Ngáy ngủ và lịch trình ngủ – thức khác nhau là lý do chính khiến các cặp vợ chồng muốn ngủ riêng, chiếm 56 – 67% tổng số trường hợp.
Theo nghiên cứu, có đến 62 – 63% người từ 40 tuổi trở xuống nói rằng lịch trình ngủ – thức trái ngược nhau là lý do tại sao họ muốn ngủ riêng.
68% người từ 60 tuổi trở lên cho biết ngáy là yếu tố quyết định họ phải ngủ riêng.
54% người từ 20 – 40 tuổi cho biết rối loạn giấc ngủ khiến họ phải ngủ riêng, so với chỉ 22% ở người từ 60 tuổi trở lên, theo Hiệp hội Giấc ngủ của Mỹ National Sleep Foundation.
Vì tình trạng này, nhiều nhà thiết kế nội thất phải tái cấu trúc các căn nhà để biến phòng ngủ riêng biệt thành dãy liền kề – một mô hình được không ít đôi uyên ương yêu cầu.
Một số chuyên gia cho rằng tạo không gian riêng cho nhau có thể là bí mật để giúp họ giữ hạnh phúc gia đình. Nhờ vậy, cả 2 có giấc ngủ ngon hơn, không bị quấy rầy bởi tiếng ngáy không ngừng của “nửa kia” hay sở thích kéo chăn, cuộn tròn mình vào đêm khuya.
Ngoài ra, cách này còn thêm “gia vị” vào cuộc sống hôn nhân, giảm bớt sự nhàm chán khi dành quá nhiều thời gian bên cạnh nhau.
Lợi ích của việc “Ly hôn khi ngủ”
Lợi ích lớn nhất của việc ngủ riêng là có giấc ngủ chất lượng và cải thiện cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nghiên cứu của Naturepedic (Mỹ) với đề tài: “Chọn ngủ ngon hay làm cho mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn”, cho thấy mặc dù ngủ riêng cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm căng thẳng, nhưng ngủ chung mang lại cuộc sống tình dục lành mạnh hơn và mối quan hệ hạnh phúc hơn.
Để tìm hiểu về lý do tại sao các cặp vợ chồng làm điều này và kinh nghiệm của họ khi làm như vậy, nghiên cứu đã khảo sát 800 người.
Một nửa số người tham gia đang có mối quan hệ lành mạnh với bạn cùng phòng, trước đây ngủ chung nhưng giờ đã ngủ riêng.
Nửa còn lại cũng đang có mối quan hệ lâu dài với bạn cùng phòng và hiện đang ngủ chung.
Kết quả cho thấy:
Ngủ riêng cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm căng thẳng.
Ngủ chung dẫn đến đời sống tình dục lành mạnh hơn và mối quan hệ hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia Gill Booth (Mỹ), cố vấn chuyên về các mối quan hệ và liệu pháp tâm lý, nói rằng: “Tôi biết có những cặp vợ chồng ngủ riêng nhưng vẫn duy trì đời sống tình dục lành mạnh và chất lượng giao tiếp tốt.”
Shelby Harris, giám đốc sức khỏe giấc ngủ của tổ chức Sleepopolis, cho biết, giấc ngủ tốt có thể cải thiện trí nhớ, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, trầm cảm, đau tim, đột quỵ và tăng chất lượng cuộc sống tổng thể. Con người dành khoảng một phần ba cuộc đời để ngủ, do đó, việc ưu tiên cho giấc ngủ chất lượng cao là rất hợp lý.
Nghe có vẻ ngược nhưng ngủ riêng có thể mang các cặp vợ chồng đến gần nhau hơn, vì một giấc ngủ ngon sẽ giúp cải thiện tâm trạng của mỗi người. Ngoài ra, ly hôn khi ngủ có thể ngăn chặn cảm xúc tiêu cực tiềm ẩn, bắt nguồn từ việc ngủ không ngon giấc. Bạn rất dễ cảm thấy cáu kỉnh, bực dọc sau một đêm bị gián đoạn hoặc ngủ ít.
Theo Hiệp hội Đồ gia dụng Quốc tế, 31% các cặp vợ chồng tham gia khảo sát nói rằng việc ngủ riêng không ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ. 21% trong số đó trả lời tình cảm giữa 2 bên được cải thiện nhờ điều đó.
Rich Newhart (31 tuổi, quận Burlington, miền Nam New Jersey), làm việc cho một công ty bảo hiểm y tế, cho hay anh cảm thấy gần gũi với vợ hơn và háo hức được thân mật với “nửa kia” khi họ có phòng ngủ riêng.
“Bạn không còn cố gắng tìm cách thoát khỏi gia đình để có thời gian ở một mình nữa”, Newhart bày tỏ.