Mẹ Mây yêu cầu 200 triệu tiền lễ đen, chưa kể các chi phí khác cho đám cưới. Chồng của Mây người tỉnh lẻ, gia đình không thuộc hàng khá giả, không thể lo được sính lễ. Mây khi ấy đã đứng lên tự làm chủ, quyết định vẫn giấu mẹ cùng chồng đi đăng ký kết hôn. Điều này khiến mẹ cô phải miễn cưỡng chấp nhận tiền lễ chỉ bằng một phần tư so với yêu cầu.
Có hai lý do chính khiến Mây không nghe lời mẹ. Đầu tiên là cô và chồng yêu nhau được 5 năm, họ rất hiểu nhau và gắn bó, cô biết anh là người thế nào và không rời xa anh chỉ vì khó khăn tài chính trước mắt. Chồng Mây là người có thể làm nên nghiệp lớn.
Lý do thứ hai là anh trai Mây cũng sắp lấy vợ. Cô hiểu rõ ràng mục đích muốn kiếm 200 triệu từ đám cưới con gái của mẹ là để lo cho tương lai của con trai. Dù rất hiếu thảo nhưng cô không muốn mẹ làm điều đó.
Sau khi cưới, vợ chồng Mây dần phát triển được kinh tế, cuộc sống không đến nỗi nào. Cách đây vài năm, bố Mây qua đời, mẹ cô ngày càng khắt khe hơn với con gái. Dù là đi khám bệnh hay muốn mua quần áo, bà sẽ gọi ngay cho con gái khi có thể.
Mây cố gắng hết sức để đáp ứng yêu cầu của mẹ vì nghĩ mẹ chỉ còn có một mình, trong khi chồng cô không phản đối cũng không tỏ ra ủng hộ.
Thời gian trôi nhanh, em bé nhà Mây đã đi học mẫu giáo, anh trai cô kết hôn cách đây vài năm nhưng giờ mới sinh con. Hôm ấy Mây vừa đi làm về thì mẹ gọi điện:
“Mây, con làm sao vậy, ba bốn ngày rồi không gặp nổi con. Thằng nhỏ vẫn đợi mẹ mua cho nó lắc vàng. Tiện thể mẹ nhắc luôn, con mua ít quần áo cho cháu thế làm sao mà đủ, mua thêm vài cái nữa”.
Đối với lời nói của mẹ, Mây cảm thấy hơi khó chịu. Mua đồ cho mẹ thì không sao, nhưng đồ mua cho cháu nhà anh trai còn nhiều hơn đồ cô mua cho con gái mình ở nhà.
“Trẻ con đeo lắc vàng làm gì hả mẹ, không an toàn đâu. Để con tìm xem có chiếc vòng bạc nào đẹp không thì mua một đôi”, Mây nói với mẹ.
– “Sao lại keo kiệt thế. Nó là cháu ruột của con, mua vàng có làm sao. Mày không nghe lời mẹ mà lấy chồng giàu, nên bây giờ mua cái lắc vàng cũng không nổi đấy”.
Mây khẽ chau mày khi nghe mẹ nói điều đó. Cô nói vài câu cho có rồi cúp máy.
Mẹ của Mây có lương hưu nhưng bình thường dù muốn mua đôi tất bà cũng gọi con gái. Vì tính mẹ như vậy nên Mây ít khi về nhà đẻ, cũng không gần gũi mẹ. Hôm vừa rồi anh trai cô gọi điện giục cô mau đến viện, mẹ ốm, giờ không chịu ăn, cứ đòi chờ con gái. Mây tức tốc lao đi, trong lòng có một chút hoảng loạn. Dù không thích mẹ thường xuyên gây áp lực cho mình, nhưng cô cũng không muốn nhìn thấy mẹ đau ốm phải nhập viện.
Gọi điện cho chồng nhờ đón con lúc tan học, Mây vội vã chạy vào cổng viện. Vào tới phòng bệnh, mồ hôi nhễ nhại, cô thấy mẹ mình đang ngồi ăn một tô phở, trông bà không có vẻ gì là đang bệnh cả. Mây có chút bực dọc nói: “Mẹ kể con nghe xem có chuyện gì!”.
“Con nhà mất dạy, mày ăn nói với mẹ như thế à? Muốn nhìn mẹ chết đói mới vui hả?”, mẹ Mây mắng át đi.
– “Con chạy không kịp thở đến đây vì nghe là mẹ ốm. Mẹ phải nói cho con biết xem có chuyện gì”.
Sau khi nghe mẹ nói, Mây cuối cùng cũng hiểu chuyện gì đang xảy ra, và không khỏi cảm thấy có chút tồi tệ. Hôm nay ở khu phố có khám miễn phí cho người già, mẹ cô đi cùng những người lớn tuổi trong xóm, nhưng có một số vấn đề với kết quả kiểm tra.
Người ta phát hiện ra rằng bà có một số vấn đề tim mạch, cần một ca phẫu thuật nhỏ. Bác sĩ nói để phòng nguy cơ thì xử lý như vậy, còn không cứ chịu đựng được thì chịu, để kệ như vậy thôi.
“Vậy đó, mẹ muốn sống lâu hơn để còn nhìn cháu nội lớn. Con còn đợi gì nữa, không mau trả tiền cho mẹ làm phẫu thuật đi”.
Mây choáng váng trước lời nói của mẹ. Bà đợi cô đến đóng tiền, nhưng giờ cô không còn tiền. Số tiền tiết kiệm nhỏ còn lại chưa đến 30 triệu, nào có đáng là bao.
“Mẹ không có tiền sao? Lương hưu mỗi tháng mẹ cũng được vài triệu, chẳng bao giờ tiêu đến. Mẹ giữ lại để làm gì?” – đối mặt với áp lực của mẹ, Mây không khỏi đặt ra nghi ngờ trong lòng. Nhưng những lời cô nói như châm ngòi cho cơn tức giận của mẹ: “Mẹ nuôi mày tốn bao công sức, bây giờ già yếu, bệnh tật, mày không cho mẹ tiền chữa trị, định nhìn mẹ chết hả?”.
Mây cảm thấy khó chịu trong lòng. Không phải cô không muốn trả tiền, nhưng cô không có, nếu đi vay mượn thì cũng phải trả, tiền đâu trả? Mây chỉ biết khóc, còn anh trai cô nói: “Thôi được rồi, tiền của mẹ chị dâu đang cầm, để chị dâu trả”. Nhưng mẹ Mây quát con trai: “Im đi, mày biết gì mà nói. Con gái phải đi gặp bác sĩ lo cho mẹ, đấy mới là lẽ thường”.
Cuối cùng gia đình cũng chưa đưa ra được quyết định, ca mổ không phải trong ngày một ngày hai nên không có gì phải vội vàng.
Trở về nhà, Mây nói chuyện với chồng. Nhìn vợ lo lắng, anh ấy bảo:
“Mẹ đã nuôi nấng em như vậy, nên hiếu thuận với bà. Đương nhiên lúc ốm đau cần phải điều trị. Dù mất bao nhiêu tiền, chúng ta cũng sẽ trả một nửa, có thể coi như em đã làm tròn đạo hiếu của mình”.
“Cảm ơn anh vì đã hiểu em”, Mây nói với chồng. Nhưng khi cô bày tỏ ý định này với mẹ, bà vẫn không hài lòng và tiếp tục mắng con gái:
“Ngay từ đầu nếu biết thế này thì không đẻ mày ra cho xong, đối xử với mẹ như thế, còn nhờ vả gì được mày”.
Mây cảm thấy rất buồn. Cô đã làm gì sai để mẹ luôn dằn vặt cô như vậy. Với một người mẹ như vậy, phải quyết định làm sao cho tròn chữ hiếu, tròn đạo làm con?