01
Hằng có mối quan hệ tốt với mẹ chồng. Bà là một người lối sống hiện đại, khá tâm lý. Hằng cũng rất biết cách sống. Bởi vậy, mối quan hệ giữa hai bên vẫn êm đẹp. Tuy nhiên, một sự kiện suýt nữa đã phá hỏng tất cả.
Hằng và Tú – chồng cô, yêu nhau 3 năm và kết hôn được 2 năm. Đôi vợ chồng trẻ có cuộc sống khá ngọt ngào. Bản thân Hằng cũng tốt nghiệp trường đại học danh giá. Sau khi ra trường, cô vào làm ở một doanh nghiệp lớn, lương bổng không hề tệ. Tuy rằng không bằng chồng song với phần đa phụ nữ, thu nhập của Hằng đã là một điều họ ao ước.
Tú có thu nhập rất cao, lương hằng năm hơn tỷ đồng. Lương cao cũng đồng nghĩa với cường độ làm việc rất gắt gao.
Sáng nào cũng vậy, 7 giờ Tú đã dậy, tắm rửa sơ qua, ăn sáng rồi đi làm. Tối phải hơn 8 giờ anh mới có mặt tại nhà. Khi cần làm thêm thì có khi cả 2 ngày vợ chồng chẳng nhìn thấy mặt nhau. Thậm chí dịp Tết về quê ăn Tết, Tú đôi lúc vẫn phải ngồi máy xử lý công việc khi sếp bên nước ngoài gọi đến.
Rõ ràng với cường độ công việc như thế, Tú không hề có thời gian giải quyết việc nhà. Nếu hai người có con, anh không thể dứt ra được giây phút nào chăm sóc bé. Xét từ thu nhập của hai người, Hằng quyết định hi sinh sự nghiệp bởi cô cũng đang có ý định sinh con.
Hằng nghỉ việc tại công ty lớn và gia nhập một công ty nhỏ gần nhà. Cô đi làm từ 9 giờ sáng, chiều 4 giờ đã có thể tan làm. Công việc nhàn hạ nên lương không cao. Thu nhập thấp song Hằng có nhiều thời gian rỗi. Sáng cô có thể làm bữa sáng cho chồng, thong thả làm công việc nhà. Chiều về cô có đủ thời gian đi chợ mua rau, chuẩn bị đồ ăn ngon rồi đợi chồng về ăn.
Bố mẹ Hằng khi biết chuyện cũng khá ngậm ngùi. Họ tiếc nuối sự nghiệp của con gái nhưng cũng thấu hiểu vì hoàn cảnh gia đình như vậy, nếu như ai cũng bận rộn thì tổ ấm sẽ càng ngày càng lạnh lẽo. Mẹ Hằng cũng nhắc nhở con đã hi sinh như vậy thì nên nắm chắc kinh tế gia đình trong tay.
02
Thật ra những chuyện này Hằng không cần lo lắng vì gần như toàn bộ lương của chồng đều chuyển vào thẻ cô. Tú cũng rất ít khi hỏi vợ tiêu xài thế nào. Thi thoảng anh còn chủ động mua quà tặng vì biết vợ từ bỏ cả công việc yêu thích, hi sinh cho gia đình.
Hằng và Tú đã chọn mô hình hôn nhân như thế, vợ chồng quan tâm lẫn nhau với trách nhiệm riêng của mỗi người. Chồng giao quyền lực tài chính để vợ cảm thấy an toàn. Vợ chăm sóc hôn nhân để người đàn ông chuyên tâm cho sự nghiệp. Cuộc sống như vậy vận hành rất nhịp nhàng nhưng khi chuyện đến tai mẹ Tú thì không đơn giản như vậy nữa.
Dịp Tết Nguyên Đán, vợ chồng về quê chơi. Mẹ chồng đã biết chuyện Hằng nghỉ việc lương cao và dành phần lớn thời gian cho gia đình, Tú vẫn là chủ chốt kinh tế với thu nhập đáng mơ ước. Nghĩ rằng Tú thiệt thòi nên mẹ chồng khuyên con trai nên chia đều các khoản chi tiêu. Vợ chồng đều phải đóng góp số tiền như nhau. Tú nghe đều gạt đi và suốt mấy ngày Tết, mẹ chồng nhắc đi nhắc lại chuyện đó khiến không khí gia đình không vui.
Sau này, chính tai nghe mẹ chồng lần nữa nói đến chuyện vợ chồng chia đều tất cả mọi thứ, Hằng mới nói thẳng: “Chia đều cũng được, con đồng ý. Bây giờ việc nhà cũng được chia đều, từ chuyện nấu nướng giặt giũ hay lau dọn, đổ rác hai vợ chồng đều phải làm cùng nhau. Đã công bằng thì phải công bằng triệt để.
Nếu chia đều các khoản chi thì con cũng quay về công việc cũ, cũng bận rộn như vậy thì có khi trước mắt 5 năm cũng không dám sinh con. Vì chỉ cần nghỉ sinh là không có tiền để chia đều hóa đơn nên con vẫn tiếp tục đi làm, chuyện sinh cháu gác lại đi ạ”.
Mẹ chồng nghe mà không thốt nên lời. Bà từng lên chơi 1 tuần nên làm sao không biết sáng con trai 7 giờ đã ra cửa, tối 8 giờ mới về nhà. Tất cả việc nhà do con dâu đảm nhận bởi con trai bà thật sự không có thời gian. Lúc này Tú cũng lên tiếng nói luôn: “Cả hai vợ chồng con cùng chung tay xây dựng hạnh phúc. Chồng kiếm tiền bên ngoài, vợ lo toan chuyện bên trong, cuộc sống như vậy vận hành rất tốt và rất hạnh phúc. Mẹ không cần phải can thiệp nữa đâu”.
Cũng vì vậy mà chủ đề này bị bỏ lại, mẹ chồng không nhắc tới nữa.
03
Nhà văn Mark Levy từng viết: “Bạn không thể can thiệp vào cuộc sống của người khác ngay cả khi điều ấy là tốt cho họ bởi đó là cuộc sống của người ta”.
Vợ chồng trẻ đã bàn bạc kỹ càng, nếu cha mẹ quyết nhúng tay vào, luôn cảm thấy con cái thiệt thòi thì chỉ càng đẩy cuộc sống của con vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Người trẻ tuổi có tính toán và cách sống riêng, làm người lớn tuổi chỉ nên nhắc nhở khi họ sai lầm, nhúng tay vào những chuyện riêng của tổ ấm nhỏ thì chỉ khiến mọi chuyện rắc rối.
Từ xưa đến nay, phân chia lao động như thế nào, phân chia vai trò ra sao trong nhà là điều quan trọng. Một cặp vợ chồng thấy thoải mái, thỏa mãn với nhau, không có phàn nàn gì về chuyện phân chia thì người ngoài lại càng không nên can thiệp.
Đôi khi, rắc rối hôn nhân lại đến từ những sự tham gia đầy sai lầm của phụ huynh trong nhà nếu sự can thiệp đó quá sâu.
Với nhiều cặp đôi mới cưới, chuyện tiền nong chung giải quyết thế nào, vấn đề phân chia lao động ra sao là điều đôi khi họ đau đầu bàn bạc. Cũng có nhiều cuộc cãi vã thậm chí lên án tố nhau thiếu trách nhiệm hôn nhân chỉ vì không hoàn thành việc vặt trong nhà.
Một cuộc hôn nhân chồng làm 100% việc nhà cũng có mà chồng chẳng cần nhúng tay nhiều cũng không hiếm. Cái chính là người trong cuộc cảm thấy thoải mái, công bằng là đủ. Bởi vậy, người ngoài không thể dùng ánh nhìn chủ quan để đánh giá sự phân chia vai trò của vợ chồng khác có công bằng hay không. Đương nhiên, những lời khuyên hay sự can thiệp cũng khó mà chính xác.