Một người dùng mạng xã hội mới đây chia sẻ một câu chuyện đáng chú ý:
“Lúc nhỏ, tôi nhớ trong truyện tranh mình đọc được, cha mẹ sư tử qua đời, sư tử con thành kẻ không nhà cửa. Lúc đó, tôi hỏi bố mình tại sao chúng lại chết? Bố tôi lúc đó trả lời rất bình tĩnh: Bố mẹ rồi cũng sẽ chết! Khi nghe câu này, tôi sững sờ một lúc lâu, bố không dừng lại, còn bổ sung thêm: Người hay vật đều sẽ chết, kể cả con cũng vậy. Lúc đó lòng tôi như sôi lên, sợ hãi lắm, khi tôi tiếp tục hỏi với nước mắt lưng tròng thì bố có chuyện đã bỏ đi, để lại tôi một mình suy nghĩ mông lung.
Nếu cha mẹ tôi chết thì sao? Tôi sẽ buồn biết bao, ai quan tâm đến tôi? Khi tôi chết sẽ như thế nào? Có đau không? Đó có phải là cảm giác không thể thức dậy sau giấc ngủ?… Nghĩ về điều đó, tôi cảm thấy thế giới thật tăm tối. Sau đó, tôi tìm cơ hội để hỏi bố mẹ về cái chết, họ chỉ cười và dỗ dành tôi, không ai trả lời trực tiếp câu hỏi, tôi bắt đầu nghĩ lung tung hơn.
Tôi đã rất lo lắng suốt một thời gian dài. Khi nhận thấy rằng cuộc sống vẫn đang diễn ra từng ngày, và dường như cả tôi và bố mẹ đều không có dấu hiệu của cái chết, tôi có chút nhẹ nhõm. Nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in trải nghiệm vô cùng đau buồn lúc đó, và tôi thực sự muốn quay trở lại để vỗ về tuổi thơ của mình”.
Nếu bạn kết thúc bằng sự im lặng hay tệ hơn là nói dối về cái chết để lảng tránh thì nó có thể làm cho con bạn bối rối và sợ hãi nhiều hơn so với việc cởi mở ngay từ đầu. Bởi trẻ sẽ luôn hiểu theo một cách nào đó rằng mọi thứ trên đời đều có kết thúc, ngay cả cha mẹ yêu quý hay bản thân bé cũng sẽ chết. Sự thật này là một cú sốc rất lớn và khiến chúng cảm thấy vô cùng đáng sợ.
Lần đầu tiên một đứa trẻ tiếp xúc với khái niệm về cái chết, đây thực sự là một cơ hội rất tốt để cha mẹ giúp con tìm hiểu về “sự sống”. Thay vì trốn tránh, tốt hơn hết nên giới thiệu cho trẻ về cái chết một cách đúng đắn và rõ ràng.
1. Mô tả cái chết một cách tích cực
Trên thực tế, ít nhiều chúng ta cũng gặp một số chuyện liên quan đến cái “chết” trong cuộc sống, chẳng hạn như côn trùng, cây cỏ chết, động vật chết thấy ngoài đường, ngoài chợ. Lúc này bạn có thể thẳng thắn nói với con: Cái đó/con vật đó chết rồi. Không cần giải thích quá nhiều, đứa trẻ sẽ tự nhiên quan sát trạng thái của động vật và thực vật, từ đó có một khái niệm trong đầu.
Tất nhiên, nếu con tò mò, bạn cũng có thể giải thích cho con hiểu cái chết là gì: Cái chết có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ lớn lên, di chuyển hay phát ra âm thanh. Đừng né tránh từ “chết” và thay thế bằng “ngủ” hoặc “rời đi”, sẽ khiến trẻ bắt đầu sợ giấc ngủ hoặc chia ly.
Hãy trả lời chúng một cách tích cực. Bản thân khái niệm “cái chết” sẽ không khiến con bạn sợ hãi, nhưng nỗi sợ hãi của bạn khi tránh né nói về điều này sẽ thực sự truyền sang con mình.
2. Khi nào bố mẹ chết?
Trên thực tế, khi đứa trẻ hỏi câu này, điều con thực sự muốn nói là: “Con sợ mẹ chết, mẹ chết thì con phải làm sao?”. Câu hỏi này liên quan đến cảm giác an toàn của trẻ. Nếu bạn chỉ nói: “Còn lâu, rất lâu nữa, con đã lớn rồi, mẹ có chết cũng không sao” thì bạn sẽ không thể trấn an con mình.
Bởi vì trẻ con còn không thể hiểu được trạng thái trưởng thành của bản thân, huống hồ là hiểu được rất lâu sau đó sẽ như thế nào? Đối với trẻ, tuần tới cũng là một khoảng thời gian dài. Vậy làm thế nào bạn nên mô tả “một thời gian dài sau” với con?
Đây là cách một người mẹ nói với con trai mình: Con có nhớ con đã mong chờ sinh nhật lần trước của mình bao lâu không? Sau đó, con phải chờ đợi một thời gian dài cho sinh nhật tiếp theo. Con sẽ trải qua 10 lần sinh nhật như thế này mới có thể trở thành một đứa trẻ lớn hơn, lúc đó con có thể cao ngang vai mẹ đấy. Rồi sau 10 lần sinh nhật như vậy, con sẽ tự đi làm kiếm tiền, muốn gì thì mua nấy, quá tuyệt!
10 lần nữa, con có thể có gia đình, con cái của riêng mình và chính con cũng sẽ được làm cha mẹ, thật vui biết bao. Sau đó, đứa con của con sẽ mất nhiều thời gian như con để lớn lên với rất nhiều sinh nhật. Khi con của con cao lớn như người trưởng thành, mẹ có thể chết.
Vậy mẹ sẽ đi cùng con rất lâu, rất lâu, rất lâu… (lặp lại nhiều lần). Mẹ sẽ đi cùng con rất nhiều, rất nhiều ngày sinh nhật, rất nhiều lễ hội mùa xuân, rất nhiều Trung thu. Chúng ta còn rất nhiều thời gian, và rất nhiều điều hạnh phúc sẽ xảy ra, vì vậy cái chết của mẹ là một quãng đường dài, con hiểu chứ?
Điều này nhấn mạnh rằng có rất nhiều điều đáng trông đợi trong cuộc hành trình của cuộc đời. Trẻ sẽ hiểu khái niệm “còn lâu về sau” này.
3. Làm thế nào để đối phó với sự ra đi của người bạn yêu thương?
Đương nhiên, trong tình huống bình thường, cuộc đời quả thực rất dài, nhưng tai nạn bất ngờ luôn xảy ra. Nếu con vật yêu thích của đứa trẻ hoặc thậm chí là người thân qua đời, làm sao để đứa trẻ chấp nhận được sự thật này?
Cách tồi tệ nhất là dỗ dành và trốn tránh, điều này sẽ không làm trẻ cảm thấy khá hơn mà sẽ khiến trẻ ngày càng thất vọng, lo lắng và bắt đầu rơi vào sợ hãi, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Trẻ cũng tự hỏi liệu sẽ tiếp tục có những người khác biến mất đột ngột và lặng lẽ hay không. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảm giác an toàn của con cái.
Có câu: Đời ai cũng đến lúc phải buông tay, nhưng đáng tiếc nhất là chúng ta không có thời gian để nói lời tạm biệt. Một cư dân mạng kể rằng người bà yêu thương anh ấy nhất khi còn nhỏ đã qua đời, cha mẹ lại không cho gặp bà lần cuối. Anh nói rằng mình sẽ không bao giờ tha thứ cho họ.
Bạn có thể cho rằng gặp gỡ phút ly biệt là tàn nhẫn với một đứa trẻ, nhưng hãy thử nghĩ xem, hiện tại đứa trẻ mặc dù rất buồn, nhưng đó luôn là một nỗi buồn có giới hạn, theo thời gian sẽ ngày càng ít đi. So với sự đau lòng chia tay, những ngày sắp tới cháu cứ mong bà trở về nhưng lại không ngừng thất vọng, nỗi nhớ mong và nỗi buồn sẽ ngày càng nặng nề khi thời gian trôi qua.
Vì vậy, nếu người nào hoặc con vật nhỏ mà trẻ yêu quý qua đời, hãy nói thẳng với trẻ rằng: “XX bị bệnh nặng nên đã qua đời, không thể ở bên con được nữa”, sau đó cho đứa trẻ làm lễ từ biệt chính thức, nhớ lại một số kỷ niệm đẹp khi người/vật đó còn sống, để đứa trẻ khóc lóc đau buồn.
Tất nhiên, bạn cũng có thể sử dụng một số câu nói lãng mạn để giải quyết phần nào gánh nặng của cái chết: Linh hồn của XX sau khi chết sẽ lên thiên đàng, mặc dù con không thể nhìn thấy hay nói chuyện, nhưng họ sẽ trở thành một ngôi sao và gặp con trên bầu trời.
Tuy nhiên, cho dù bạn làm đẹp cái chết như thế nào, có ba điều không thể lừa dối con mình: Người chết không thể sống lại, người chết không thể giao tiếp và người chết không thể được nhìn thấy lần nữa. Nếu không tuân thủ ba nguyên tắc này thì bạn đang nói dối, và khi đứa trẻ biết sự thật, chúng không chỉ buồn gấp đôi mà còn cảm thấy bị trêu chọc và lừa dối.
Giáo dục cái chết chính là giáo dục cuộc sống, chủ đề này tuy nặng nề nhưng không nên né tránh. Trẻ không mỏng manh như bạn nghĩ. Trên thực tế, chúng dễ thích nghi hơn người lớn. Có rất nhiều điều không hoàn hảo trên thế giới này và trẻ em sẽ luôn nhìn ra manh mối.
Trẻ cũng sẽ hiểu được giá trị của cuộc sống trong quá trình giáo dục cái chết. Tôn trọng cái chết chính là tôn trọng sự sống. Một đứa trẻ tôn trọng sự sống sẽ đối xử tử tế với mọi ngọn cỏ và côn trùng, không muốn để bất kỳ sinh vật nào phải chịu đau khổ, chắc chắn là một đứa trẻ dịu dàng và chu đáo.