Vừa đăng ký kết hôn thì vợ giữ luôn tiền lương
Anh Dương Mạnh Hùng (sn 1991, Hà Nội) hiện đang công tác tại một doanh nghiệp chuyên về bất động sản ở Hà Nội. Sau 2 năm dịch, tháng 1 vừa qua anh với vợ mới chính thức tổ chức đám cưới dù đã về ở chung một nhà từ năm ngoái.
Mỗi tháng lương cứng của anh chỉ được khoảng 4 triệu nhưng thêm thắt tiền hoa hồng bán được căn hộ thì tổng thu nhập cũng được trên dưới 20 triệu, có tháng lên tới 30- 40 triệu.
Khi dọn về ”góp gạo thổi cơm chung”, vợ anh nói bây giờ chưa cưới chính thức nên tiền của ai người ấy dùng, chỉ cần cùng trích ra 30% thu nhập để vào một phong bì để chi tiêu cho các khoản của gia đình. Đến khi nào trở thành vợ chồng hợp pháp thì anh Hùng phải tự giác chuyển hết tiền lương về tài khoản vợ bởi: ”Đàn ông chỉ biết nhậu nhẹt, bao nhiêu rồi cũng hết”.
Mới đầu, anh tưởng vợ chỉ trêu đùa như vậy nhưng hóa ra đến khi đặt bút ký vào giấy đăng ký kết hôn xong thì vợ triển khai thật. Anh cũng tặc lưỡi cho qua, vì nghĩ để vợ quản thúc cũng không sao.
”Chỉ cần trải qua vài tháng lương vừa về chưa nóng tay đã phải chuyển cho vợ đã khiến tôi đã thấy bị tổn thương tâm lý nặng nề. Vợ tôi kiểm soát lương rất chặt, khi nào có lương tôi cũng phải xin kế toán trích xuất các khoản rõ ràng nên không thể có quỹ đen. Vợ chỉ cho đủ tiền xăng xe và ăn trưa, khi nào cần đi gặp khách hàng phải dùng tiền phát sinh thì đề xuất với tinh thần ‘thiện chí và cầu khẩn mới được cấp. Còn mấy vụ nhậu nhẹt với đồng nghiệp, đi cà phê cà pháo với bạn bè thì hoàn toàn bị cắt phăng.
Nhiều lúc, tôi đã bị mọi người chê là keo kiệt vì lương cao mà không mời ai được bữa nào, nhưng khổ nỗi mấy ai thấu hiểu được sự tình tôi đâu có được giữ tiền”, anh Hùng chia sẻ.
Cũng chung cảnh ngộ với anh Hùng, anh Nguyễn Thanh Tùng (sn 1988), đang là nhân viên kinh doanh của một hãng sữa cho biết, không quá ngạc nhiên khi đàn ông đưa lương cho vợ hàng tháng.
– Ảnh 2.
”Cơ quan tôi nếu 10 người thì có đến 7 người đều chung tinh trạng vợ kiểm soát lương. Đa số các bà vợ đều cho rằng, ở nhà còn bao thứ phải lo, chồng cầm lương thì ăn chơi rồi sinh hư nên giữ cho chắc. Nhất là khi vấn đề này được pháp luật nước ta công nhận thì càng gia tăng số lượng anh em cánh mày râu bị tịch thu tiền ngay từ trong trứng nước”, anh Tùng chia sẻ.
Tuy không có ý kiến phản đối nhưng anh Tùng mong muốn các chị em có thể ”thoáng” hơn mỗi khi chồng xin tiền đi giao lưu với bạn bè.
”Cáo già” trên thương trường thì cũng không qua nổi vợ
Câu chuyện bị vợ giữ lương không chỉ tồn tại ở những người trẻ mà ngay cả các vị lão thành cũng phải chịu chung cảnh ngộ. Đặc biệt, nhiều bà vợ cao tay hơn là giữ thẻ của chồng, số điện thoại đăng ký với ngân hàng thì dùng luôn số của chính mình.
Anh Trần Thanh L. (SN 1980) hiện đang giữ chức vụ giám đốc truyền thông của một doanh nghiệp cho biết, đã 17 năm nay anh phải sống trong cảnh lương của mình nhưng vẫn phải xin tiền vợ.
”Trước đây, cơ quan tôi thanh toán bằng tiền mặt, tiền lương sẽ ở trong túi tôi từ lúc ở cơ quan cho đến khi về đến nhà là sẽ chuyển giao hết cho vợ. Sau này mọi giao dịch đều thực hiện qua ngân hàng thì tôi chưa từng nhìn thấy lương của mình.
Thông thường, mỗi khi lương về là các bạn nhân viên của tôi bàn tán tưng bừng lắm, rủ nhau đi ăn cái này cái khác. Cũng nhờ thế nên tôi biết à hóa ra hôm nay có lương”, anh L. chia sẻ.
Tuy nhiên, do biết công việc của chồng cần đi lại nhiều và gặp gỡ nhiều khách hàng nên vợ của anh không quá cứng nhắc khi đưa tiền cho chồng. Mỗi ngày đều tự kiểm tra ví của chồng và để vào một số tiền nhất định. Tránh để đôi bên cảm thấy bị căng thẳng vì vấn đề quản thúc thu nhập.
”Tôi đi đâu làm gì gần như vợ đều nắm được, từ đó số tiền tôi dùng phải hợp lý chứ không dám qua mắt vợ. Tôi là người đam mê công việc nên rất bận rộn, công việc gia đình cũng không phụ giúp được cho vợ nhiều. Hằng ngày cô ấy có hàng trăm khoản phải chi từ đồ ăn thức uống, đóng học cho con, mua sắm, quà cáp…nên tôi thấy việc chuyển lương cho vợ giữ cũng không có gì quá to tát”, anh L. bình luận.
Nhiều ông chồng coi việc bị vợ giữ lương như bạo lực kinh tế
Có thể nói, thông thường một gia đình có 3 cách để quản lý tài chính đó là, giữ tài chính độc lập, tiền ai nấy tiêu, chi phí sinh hoạt chia đôi. Cách thứ hai là tạo ra một quỹ chung, hai vợ chồng đóng góp toàn bộ tiền kiếm được vào đó, ai chi tiêu gì thì tự lấy. Cách thứ ba là mỗi bên đóng một phần tài chính cá nhân vào một quỹ chung, để thanh toán các khoản chi trong gia đình, bao gồm điện nước, sinh hoạt, con cái học hành, các kế hoạch tương lai…, còn lại vẫn có quỹ riêng.
Nhìn chung, mỗi phương án đều có những mặt ưu điểm, nhược điểm riêng. Đối với gia đình châu Á, người phụ nữ thường đóng vai trò là “tay hòm chìa khóa”, họ đảm đương rất nhiều khoản chi tiêu ở nhà, bao gồm lên kế hoạch cụ thể cho việc thu chi. Do đó, tiền lương của chồng thường đưa hết cho vợ. Song, cũng có nhiều khảo sát cho thấy, các ông chồng coi việc bị vợ giữ lương giống như hình thức ”bạo lực kinh tế, bạo lực gia đình”, một khi đã đưa rồi thì rất khó xin lại.
Vì vậy, ngay khi bắt đầu sống chung, vợ chồng nên trao đổi thẳng thắn và cởi mở về tài chính, thống nhất các khoản thu, chi. Trong trường hợp cần phải siết chặt chi tiêu vì mục tiêu chung, cần thống nhất với vợ/chồng để không khiến đối phương cảm thấy bị kiểm soát.
Theo Trí thức trẻ