Ngoại tình cơ hội xảy ra khi một người rất yêu vợ/chồng mình nhưng không thể kìm nén được ham muốn tình dục với người khác. Thông thường, kiểu gian lận này là do hoàn cảnh, cơ hội thuận lợi.
“Chúng tôi rất hợp nhau. Chúng tôi không cãi vã. Anh ấy yêu vợ, thương con. Hàng xóm khen chúng tôi là gia đình kiểu mẫu…nhưng thực ra anh ấy có đến 2 mái ấm”, một người vợ chia sẻ.
“Chúng tôi từng có gia đình hạnh phúc. Mọi người xung quanh ghen tị với chúng tôi. Họ nói rằng vợ chồng tôi dính lấy nhau như sam. Anh ấy chiều chuộng tôi như công chúa. Vậy mà…”, một người vợ tâm sự.
Thật vậy, trong nhiều gia đình được cho là hạnh phúc, kiểu mẫu vẫn có những người vợ, người chồng ngoại tình.
Nhà tâm lý học xã hội Theresa E. DiDonato (Mỹ) nói: “Không phải mọi hành động không chung thủy đều có kế hoạch trước và là kết quả của việc không hài lòng với mối quan hệ hiện tại. Có thể họ đang uống rượu hoặc theo một cách nào đó bị ném vào một cơ hội mà họ không lường trước được”. Sau vụ việc, người này thường sẽ cảm thấy vô cùng tội lỗi với vợ/chồng mình, song cảm giác tội lỗi mờ dần khi nỗi sợ giảm bớt.
Đơn cử trường hợp một người đàn ông tên Andy thường xuyên lừa dối vợ trong những chuyến đi xa nhà. Anh là một người chồng và một người cha tuyệt vời, nhưng khi có cơ hội sẽ luôn tận dụng “ăn chả”. Andy là một kẻ gian lận cơ hội, việc chiều chuộng vợ con chỉ vì anh ta thấy tội lỗi vì chuyến công tác đó.
Còn với Priya, một phụ nữ Mỹ, vợ chồng cô có mối quan hệ tuyệt vời, con cái ngoan, tài chính vững và sự nghiệp đang thăng tiến. Nếu nhìn vào riêng chồng cô, cũng không có điểm gì để chê. Anh có một sự nghiệp thành đạt, đẹp trai, tính cách chu đáo, hào phóng với mọi người.
Bất chấp tất cả những thứ đó, người phụ nữ Mỹ đang ngoại tình với một tài xế xe tải, người đầy hình xăm. “Nếu chuyện tình này vỡ lỡ, mọi thứ tôi đã xây dựng sẽ vỡ tan”, cô nói.
Theo một cuộc khảo sát chưa chính thức thì 15% số người tham gia khảo sát cho biết chuyện ngoại tình là bình thường, 33% số người đưa ra ý kiến trung lập.
Điều đó có nghĩa là đối với hầu hết mọi người, chuyện ngoại tình không quan trọng lắm. Đối với họ, ngoại tình chỉ là tai nạn, không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Người ngoại tình chỉ cần xin lỗi, chấm dứt chuyện tình cảm ngoài luồng, quay về với gia đình để làm tốt nghĩa vụ và bổn phận của mình là đủ.
Tuy nhiên, họ không biết rằng, ngoại tình có sức tàn phá khủng khiếp đối với đời sống lứa đôi. Song theo Esther Perel, chuyên gia trị liệu hôn nhân nổi tiếng ở Mỹ, ngoại tình dạy chúng ta rất nhiều về hôn nhân. Nó tiết lộ quan điểm cá nhân của chúng ta về tình yêu, ham muốn và sự cam kết – những thứ đã thay đổi đáng kể hơn 100 năm qua.
Chưa bao giờ kỳ vọng của loài người về hôn nhân lại to lớn như vậy. Chúng ta vẫn muốn có những đặc điểm của mô hình gia đình truyền thống như an toàn, tôn trọng, tài sản và con cái, đồng thời cũng muốn người bạn đời yêu, ham muốn, quan tâm mình, phải là người bạn tốt nhất, đáng tin cậy nhất, là người tình đam mê nhất.
Một khi cam kết làm vợ chồng, chúng ta nghĩ ngoại tình không nên xảy ra. Nhưng thực tế, sự không chung thủy có ở trong mọi cuộc hôn nhân.
Nhiều người vẫn thường viện lý do này kia khi ngoại tình nhưng đó chỉ là lời nguỵ biện. Họ mong người khác tin rằng ở đâu đó ngoài kia, hạnh phúc đích thực đang chờ đợi họ chứ không phải ở dưới mái nhà họ thường lui về. Thực ra, tất cả tuỳ thuộc vào quan niệm của mỗi người, vào mong ước muốn thay đổi hay cải thiện mối quan hệ vợ chồng bấy lâu nay chứ không phải là tìm kiếm một ai đó khác để thoả mãn những điều họ muốn.
Khi tìm đến một mối quan hệ mới, nhiều người lại có được cảm giác rằng mình đang được đánh giá cao, đang trở nên cực kỳ hấp dẫn và quyến rũ, điều mà bấy lâu bạn khó có thể cảm nhận được từ người bạn đời đã hiểu quá rõ bạn là ai. Chính vì lẽ đó mà họ nhầm tưởng rằng mình có những đức tính, những tố chất cực kỳ tốt đẹp mà đôi mắt cổ hủ của vợ/chồng mình không thể nào nhận ra nổi.
Nhà xã hội học Zygmunt Bauman, người Ba Lan nói thêm, chúng ta có nỗi khắc khoải về những cuộc đời chưa được sống, những bản sắc chưa được khám phá và con đường chưa được chọn. Khi còn nhỏ, chúng ta có cơ hội đóng những vai trò khác nhau; khi trưởng thành thường bị giới hạn bởi những nhiệm vụ được chỉ định hoặc tự mình chọn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn tò mò mình có thể tham gia vào một câu chuyện khác, cuộc sống khác.
Priya đã nhiều lần cố gắng kết thúc cuộc vụng trộm này. Cô xóa số điện thoại người tình, lái xe về nhà bằng con đường khác, tự nhủ toàn bộ chuyện này thật sai lầm. Nhưng các ranh giới mới sắp đặt lại trở thành thứ kích thích khi vượt rào. Ba ngày sau, cô liên lạc lại với người tình.
Rõ ràng cô biết nên kết thúc mối tình, nhưng không thực sự muốn. Song nhà trị liệu nhìn ra rằng thứ cô thực sự sợ mất không phải là anh chàng lái xe tải, mà là phần con người đã được anh ta đánh thức.
Việc bị phát hiện ngoại tình buộc các cặp đôi phải vật lộn với những câu hỏi: Chung thủy có ý nghĩa gì với chúng ta và tại sao nó quan trọng? Có thể yêu nhiều người cùng lúc không? Có thể học cách tin tưởng lẫn nhau một lần nữa?… Esther tin những cuộc trò chuyện này nên là một phần không thể thiếu của bất kỳ mối quan hệ thân mật nào ngay từ đầu. Sẽ tốt hơn nếu giải quyết những vấn đề này trước khi cơn bão ập đến.
Mỗi cuộc ngoại tình sẽ định nghĩa lại hôn nhân. Mặc dù nó đã trở thành một trong những động cơ chính dẫn đến ly hôn ở phương Tây, Esther cũng chứng kiến nhiều cặp vẫn ở bên nhau sau khi bị phát hiện. Bà có niềm tin Priya vẫn giữ được hôn nhân, song chất lượng mối quan hệ tương lai phụ thuộc vào cách họ chuyển hóa nỗi đau.