Bà cô tôi mãi ngoài 50 mới lấy chồng. Lấy hẳn chồng phố cổ. Dượng tôi goá vợ, có 3 người con. Các con dượng tôi cũng đã lớn, có gia đình riêng, các cháu đề huề. Đến khi ngoài 70 mới gặp cô tôi, rồi hai người quyết về ở với nhau. Mặc cho đám con cháu tỏ ý không bằng lòng.
Tất cả đều sống chung trong một cái nhà ống, sâu hun hút, trên phố Hàng Buồm. Một mặt quay ra Hàng Buồm, mặt sau thông ra phố Nguyễn Siêu. Dễ có đến cả gần trăm mét chiều dài, nhưng chiều ngang nhà chỉ độ 3 mét, có chỗ hẹp hơn.
Căn nhà lúc nào cũng tối om om, không bao giờ có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Những bóng đèn thắp bên trong dù có cố gắng đến mấy, cũng chỉ cho ra thứ ánh sáng lờ nhờ, loang lổ, tranh tối, tranh sáng.
Vì là nhà phố cổ, thuộc diện bảo tồn nên có muốn sửa sang, xây dựng lại cũng không được thành phố cho phép. Khi có người lấy vợ, gả chồng thì làm tạm một cái vách ngăn, coi như phòng riêng.
Mỗi lần ai đi đâu sớm hoặc về nhà quá khuya là phải bỏ giày dép đi chân không qua để tránh kinh động đến nhà người khác.
Mấy chục năm trời cả nhà cứ sống trong cái hầm sâu hun hút đó. Đi vệ sinh cũng phải canh giờ, nấu nướng cũng phải chia ca vì tất cả đều dùng chung. Nhà nào xong tới lượt nhà khác.
Thế nên, dù là người trong gia đình, nhưng gần như là chịu đựng nhau mà sống. Không phải vì bất hoà, mà do quá bất tiện trong sinh hoạt. Lũ trẻ lớn một chút, hằng ngày đều kiếm lý do bận học, bận làm để đi ra ngoài. Như thể muốn thoát khỏi không gian tù túng ấy. Đến giờ về ngủ mới lọ mọ về nhà.
Mãi đến hơn chục năm trước, ông chú tôi mới quyết định bán căn nhà đó sau nhiều năm đắn đo, do dự. Vì cũng là căn nhà hương hoả các cụ để lại, bán thì cảm thấy có lỗi, mà không bán thì giờ gia đình các con đã sinh sôi chật chội quá rồi. Sống như vậy bằng hành nhau.
Sau khi bán nhà, cô chú tôi chỉ lấy một phần nhỏ, mua một căn chung cư để ở. Còn lại chia cho các con. Đứa nào đứa nấy sung sướng như trúng số độc đắc. Mang tiếng dân Hà Nội, dân phố cổ mà sống mấy chục năm như cầm tù.
Được giải thoát, các con chú tôi đều mua được một căn nhà khang trang, mà vẫn còn thừa tiền làm vốn. Dù không còn được sống trong trung tâm phố cổ, nhưng với họ, cuộc sống bây giờ chẳng khác nào thiên đường.
Nhớ có bận vào nhà đón bạn đi chơi, trên phố Hàng Lược. Con ngõ sâu hun hút, mò mẫm trong bóng tối mãi mới vào được đến cái sân nhỏ chung của mấy gia đình. Đến nhà bạn đúng vào buổi sáng sớm. Vừa lúc người ta thức dậy. Thấy mọi người lục tục kéo nhau ra sân, người thì đánh răng, người múc nước, kẻ vẫn còn ngái ngủ mà trên tay cứ lăm lăm cái gáo nước và cuộn giấy đứng xếp hàng trước nhà vệ sinh công cộng.
Ở đây nhà chật, chỉ đủ chỗ cho việc ăn ngủ, còn đi vệ sinh thì vẫn phải dùng chung toilet từ thế kỷ trước.
Nhà vệ sinh có 2 gian, cửa gỗ, sệ hết cả cánh, mà cũng chả kín, người ngồi bên trong vẫn thò cổ ra ngoài nói chuyện với người đứng chờ ngoài sân. Thật kinh khủng.
Nhà trong ngõ phố cổ khổ trăm bề. Có lần tôi chứng kiến cảnh bà cụ ngoài 90 bị đột quỵ, nhà trong con ngõ nhỏ phố Gầm Cầu, anh con giai ngoài 60 tuổi phải cõng mẹ chạy ra ngõ cách nhà tới gần 200 mét, vì xe cấp cứu không vào được.
Người Hà Nội cũ kỹ, từ lâu đã lùi hết vào sống trong những ngõ nhỏ sâu hun hút như thế. Còn bên ngoài, hầu hết là người từ nơi khác đến, mua, thuê lại mặt bằng để kinh doanh. Như thể, họ không muốn dính dáng tới cuộc sống ồn ào bên ngoài, và muốn giữ cho mình những khoảng không gian tĩnh lặng, riêng tư như xưa kia. Dù có chật chội, thiếu tiện nghi, nhưng có lẽ đấy là lựa chọn của họ.
Rất nhiều người phố cổ tôi gặp tâm sự, không muốn rời khỏi nơi họ ở, vì với họ, cuộc sống này đã quá quen thuộc và gắn bó, dù bất tiện trăm bề…
Theo VOV