Hoạt động do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức, hướng đến Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực giới và Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình chung về Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em của 3 tổ chức Liên Hợp Quốc gồm UN Women, UNICEF và UNFPA với hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Úc.
Phát biểu tại sự kiện, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women cho biết: “Mỗi người chúng ta đều có vai trò trong chuyến hành trình này. Sự tham gia của những người có ảnh hưởng đóng vai trò rất quan trọng vì họ có khả năng tác động đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Hãy biến những nguồn cảm hứng được lan truyền ngày hôm nay thành hành động cụ thể nhằm chấm dứt tất cả các hình thức bạo lực trẻ em và phụ nữ. Hãy tôn trọng tất cả phụ nữ và trẻ em, lắng nghe ý kiến của họ, lên tiếng và tìm kiếm hoặc cung cấp sự hỗ trợ khi bạn chứng kiến bạo lực trẻ em và phụ nữ, và cùng lan tỏa thông điệp của chương trình đến nhiều người hơn”.
Chương trình nhận được sự tham dự của: vũ công Quang Đăng, ca sĩ Phương Vy Idol, ca sĩ diễn viên Trương Quỳnh Anh, Nhà vô địch Taekwondo thế giới Châu Tuyết Vân, Tiktoker Doãn Quốc Hạ Nhi, nhạc sĩ Hamlet Trương, ca sĩ Duy Khoa… cùng nhiều nghệ sĩ có ảnh hưởng trong cộng đồng.
Tham gia sự kiện, ca sĩ Duy Khoa chia sẻ: “Mọi phụ nữ và trẻ em trên thế giới đều có quyền được đối xử công bằng, họ xứng đáng được trân trọng và nâng niu. Sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử theo giới đã kìm hãm phụ nữ và trẻ em khỏi những cơ hội được trở thành những nhà lãnh đạo, các nhà quản lý và hạn chế tiềm năng của chính họ. Chúng ta có thể ngăn chặn và chấm dứt nó”.
Nhà vô địch Taekwondo thế giới Châu Tuyết Vân cũng cho biết: “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn luôn là một vấn nạn nhức nhối nhất và là một trong những vi phạm nghiêm trọng nhất về quyền con người trên khắp thế giới. Tất cả phụ nữ và trẻ em có thể sống một cuộc sống không bị bạo lực nếu như tất cả chúng ta nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực”.
Trên toàn cầu, mỗi năm có một tỷ đứa trẻ phải hứng chịu bạo lực không bằng hình thức này thì là hình thức khác. Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021 đã đưa ra nhiều con số đáng báo động về bạo lực tinh thần, xâm hại thể chất, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Những hành vi này không chỉ để lại nỗi đau về thể xác mà nó còn mang lại ám ảnh dai dẳng về tinh thần đến suốt cuộc đời. Thế nhưng, rất nhiều trường hợp phụ nữ là nạn nhân của bạo lực nhưng lại chọn xu hướng giấu kín, không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền.
Các yếu tố nguy cơ dẫn tới bạo lực, xâm hại và bóc lột càng trở nên trầm trọng hơn do các tác động kinh tế – xã hội của đại dịch COVID-19. Bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần trong gia đình, trường học, và trên mạng đang xảy ra đối với hàng triệu trẻ em và phụ nữ.