“Ngày nhặt ve chai, đêm ngủ nghĩa địa”
Giữa căn phòng rộng thênh thang, chị Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, quận 12, TP.HCM) lần lượt dỗ cho những em bé chưa tròn tuổi chìm vào giấc ngủ trưa. Sau đó, chị lặng nhìn cơn mưa nặng hạt ầm ào trút nước xuống cung đường vắng xe trước khách sạn.
Khoảnh khắc này khiến chị nhớ đến năm tháng tuổi xuân “ngày nhặt ve chai, đêm ngủ nghĩa địa” của mình. Đó là khoảng thời gian chị quyết định ở lại miền Nam sau khi người anh trai đã trở về Bắc Giang vì không tìm được việc làm nơi đất khách.
Chị kể: “Năm đó, tôi mới 16-17 tuổi. Ở quê, tôi không được học hành gì nhiều. Lớn lên, tôi cùng anh trai vào miền Nam lập nghiệp nhưng không xin được việc. Nấn ná ít lâu, không chịu nổi cơ cực, anh trai tôi quay về Bắc Giang. Tôi ở lại, sống cùng gia đình cô chú tại tỉnh Đồng Nai”.
“Nhà cô chú cũng khó khăn lại đông con nên tôi bữa no bữa đói. Tôi nghĩ nếu ở lại như vậy sẽ trở thành gánh nặng của cô chú. Tôi quyết định rời Đồng Nai lên TP.HCM tìm việc làm dù chưa hề hình dung được TP.HCM như thế nào”, chị kể thêm.
Không tiền, không giấy tờ tùy thân, đến TP.HCM, chị Hương lang thang ngoài công viên Gia Định nhặt ve chai. Tối xuống, chị tìm đến ghế đá ngủ. Dẫu vậy, hầu hết ghế đá, nơi có thể ngả lưng trong công viên đều là “nhà” của bụi đời, người nghiện, ăn xin…
Ngủ ở công viên, chị không thể chợp mắt. Ngoài việc bị đuổi, chị luôn phải đề phòng trước ánh nhìn săm soi, thèm khát của những tên bụi đời, nghiện hút… ném về phía mình. Sợ hãi, chị đánh liều hỏi thăm người bán hủ tiếu dạo xem gần đây có nghĩa địa nào không. Chị muốn “trốn vào đó ngủ”.
Thương cô gái trẻ không nơi nương tựa, người này hướng dẫn chị tìm đến nghĩa địa cũ nằm trên đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp, TP.HCM). Nơi đây cách xa công viên, ít người qua lại, hầu như không có bóng dáng của người nghiện, bụi đời nên sẽ an toàn với thân gái dặm trường như Hương.
Chị Hương kể: “Từ ngày được bà bán hủ tiếu chỉ đường đến nghĩa địa, tôi cứ vào đó ngủ. Ngày tôi lang thang nhặt ve chai kiếm sống, tối lại tìm về nghĩa địa này nằm ngủ giữa những ngôi mộ khang trang, có mái che”.
“Ngủ ở đây, tôi không sợ gì ngoài sợ cái lạnh của những đêm mưa dầm ướt áo. Những lúc ấy, tôi chỉ mong trời mau sáng, nắng lên để đi nhặt ve chai. Nhưng chuyện đời ngang trái lắm. Những năm đó, ve chai tôi chẳng nhặt được bao nhiêu mà nhặt được toàn trẻ sơ sinh bị người ta bỏ lại”, chị nhớ lại.
Bỗng dưng được làm mẹ
Sau một năm “ngày nhặt ve chai, đêm ngủ nghĩa địa”, chị Hương tích góp được một ít tiền để có thể thuê cho mình căn phòng trọ tồi tàn, nhỏ hẹp làm nơi trú mưa. Nhưng cũng đúng lúc ấy, chị bỗng dưng trở thành mẹ của 2 đứa bé bị bỏ rơi.
Một lần, trong lúc đến bãi rác nhặt ve chai, cô gái trẻ bị tiếng khóc của trẻ sơ sinh thu hút. Đến gần, chị Hương phát hiện một đứa bé bị bỏ lại, nằm thoi thóp trên nền đất.
Thương đứa trẻ bất hạnh, chị ẵm lên trạm y tế nhờ các bác sĩ chăm sóc. Sau khi đợi mãi không có người đến nhận, Hương quyết định nhận nuôi đứa bé. Chị bế đứa trẻ về phòng trọ trong ngổn ngang lo lắng.
Ấy thế mà, 3 tháng sau, chị lại một lần nữa trở thành mẹ bất đắc dĩ của một đứa bé khác. Chị nhớ lại: “Lần đó, bạn sinh viên trót mang thai ngoài ý muốn thuê nhà trọ gần chỗ tôi trở dạ, sinh con vào giữa đêm”.
“Dù sắp sinh nở nhưng cô gái không có kinh tế, người thân bên cạnh. Lo lắng cho sức khỏe của hai mẹ con, tôi đưa bạn ấy đến bệnh viện Từ Dũ sinh. Sinh xong, bạn ấy trốn mất. Tôi thương đứa bé, sợ bé không có cha mẹ lại bị đưa vào cô nhi viện nên đóng viện phí, nhận bé về nuôi”, chị kể thêm.
Chưa một lần sinh nở, bỗng dưng có con mọn ở tuổi 17-18, người phụ nữ trẻ quay cuồng trong khó khăn.
Để có sữa cho các bé bú, Hương tìm những bà mẹ đang nuôi con xin sữa. Người nào nhiều sữa, dư sữa, chị xin cho “các con” của mình bú nhờ. Hằng ngày, chị đợi các nữ sinh viên tan học về để nhờ họ giúp mình chăm 2 bé rồi mới đi nhặt ve chai kiếm sống.
Dẫu vậy, Hương cũng nhanh chóng nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục nhặt ve chai sẽ không đủ tiền nuôi các bé. Chị ky cóp từng đồng ra vỉa hè bán đủ mặt hàng lặt vặt như: trứng vịt lộn, cá khô, mực khô…
Có chút vốn, Hương đánh liều, chịu cực mở quán nhậu vỉa hè. Áp lực cơm áo cùng với tình thương yêu 2 đứa bé bất hạnh trở thành động lực làm việc của cô gái trẻ. Hương lao vào làm việc quên ăn quên ngủ.
Ít năm sau, công việc kinh doanh của chị đi vào ổn định. Có vốn, Hương mở thêm quán nhậu lớn hơn, thậm chí đầu tư kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán cà phê…
Tuy vậy, khi vừa dần chăm lo được các bé, chuyện “không chồng mà có con” của Hương đến tai cha mẹ ở quê. Ở quê, gia đình Hương không ai chấp nhận chuyện cô gái mới 17-18 tuổi, chưa một lần yêu mà đã có 2 đứa con mọn.
Đặc biệt là mẹ của Hương, bà không chấp nhận việc con gái bỏ hạnh phúc bản thân để nuôi con thiên hạ. Bà tạo áp lực, bắt ép chị phải lấy chồng, lập gia đình cho bằng được.
(Còn nữa)