Nhà thơ của làng tôi (IV): Minh oan cho ông Luyến

Xem bài viết

Mỗi bữa bà Kiên rót cho chồng một cốc rượu, loại cốc thủy tinh 20ml. Ông Luyến uống một hơi cạn cốc rượu rồi ăn liền 3 bát cơm đầy với cá kho và rau luộc. Món cá kho của bà Kiên rất tuyệt vời. Bà mua xương lợn về, hầm trong nồi áp suất 40 phút rồi chắt lấy nước xương, pha với nước mắm, ớt tươi, vài lát riềng và một nhúm hành tăm, kho cá với nước đó trong nồi đất cho đến cạn nước. Ông Luyến rất biết ơn vợ về món cá kho này. “Món cá kho của bà nhà tôi ăn chết cơm. Tôi ăn được nhiều cơm là nhờ cá”. “Nhìn ông ăn cơm thấy rất thích mắt, ăn khỏe hơn thanh niên. Căn bản là bộ răng của ông còn tốt. 74 tuổi rồi mà 2 hàm răng còn nguyên si, chưa rụng cái nào, cũng chưa bị lung lay”. 

Ông Luyến hài hước ví von: “Răng còn chắc, cật còn sưng/ Nếu như răng rụng, rụng luôn cuộc đời/ Sống thọ là nhờ ơn trời/ Còn giữ của ấy thì người phải lo/ Đừng ham cave, cavo/ Dính vào hạng ấy, lò xo hỏng liền/ Tôi già vẫn được vợ khen/ Là nhờ giữ tốt cái nem trong quần”.

photo-1657877643282

Ảnh minh họa

Sống được như ông Luyến là khó. Ông không giàu nhưng lạc quan và ung dung. Chưa ai nhìn thấy ông Luyến đi đứng loạng choạng vì rượu. Cũng chưa ai thấy ông ghé vào mâm rượu nhà hàng xóm, uống ké vài 3 chén. Ông sống tự trọng, kể cả với rượu.

Ông Luyến tạo ra 3 thương hiệu nổi tiếng. Một là rượu nếp ông Luyến. Bà Kiên nấu rượu đổ vào chum sành, loại chum 100 lít, ông Luyến lấy lá chuối khô bó tròn như quả bóng, cột một hòn đá vào và dìm dưới đáy chum rượu trước khi hạ thổ. Rượu ngâm ủ thế thì không còn ADH nữa. Đó là rượu cao cấp và giá bán cũng cao cấp. Các nhà hàng ở thành phố đánh xe về mua cả chum. 

Hai là gà ri ông Luyến. Gà ri nhà ông tự bới đất trong vườn mà kiếm sống, cuối ngày ông mới cho đàn gà một đấu thóc. Gà ri ông Luyến bán cho siêu thị, trứng gà ri cũng bán cho siêu thị. Ba là gạo tám ông Luyến. Gạo nhà ông nấu cơm thơm ngát cả ngõ xóm, vì ông làm nông nghiệp hữu cơ. Cuối đời ông Luyến làm được như thế là đáng khâm phục rồi. Ông chỉ làm ruộng, làm vườn và chăn nuôi thôi nhưng ông không nghèo, vẫn đủ rượu uống ngày 3 bữa và vẫn làm thơ. Và người làng tôi đã phong ông danh hiệu nhà thơ.