Chị Đỗ Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) và chồng đang trong trạng thái đứng ngồi không yên vì cô con gái mới lớn vào tuổi dậy thì, tâm lý ẩm ương. Khoảng gần 1 năm nay, chị Hạnh thấy con có nhiều thay đổi, bé cao lớn nhanh hơn, ngực bắt đầu phát triển.
Biết con cá tính nên vợ chồng chị Hạnh sắp xếp cho con góc không gian riêng. Bé ở phòng riêng với góc học và giường ngủ như sở thích của con.
Chị Hạnh cũng xác định rõ trẻ dậy thì ở thời nay khác nhiều thế hệ của mình nên rất quan tâm tới con, chú ý quan sát những thay đổi của con. Chị mua cho con các loại sách về tuổi dậy thì để con đọc và chuẩn bị tinh thần cho giai đoạn dậy thì.
Con gái chị tính tình rất bướng bỉnh, hay cãi mẹ. Chị Hạnh nhiều lúc ‘đầu hàng’, đành để chồng trò chuyện với con. Có lúc chị cũng thủ thỉ tâm tình muốn làm bạn với con nhưng cô bé rất ít chia sẻ suy nghĩ với mẹ.
Chuẩn bị vào năm học mới, chị Hạnh bắt đầu dọn đồ của con, cất sách vở lớp 4 và sắp xếp sách vở lớp 5 cho con. Chị vô tình phát hiện cuốn nhật ký nhỏ xinh của cô bé. Mở ra đọc, những trang nhật ký đầu đời của con đã khiến chị sốc. Trang nhật ký được viết từ sinh nhật lần thứ 10 của bé vào tháng 4/2022. Những dòng tâm sự của trẻ mới lớn về các bạn trong lớp, về bạn khác giới.
Đặc biệt, cô bé viết về cảm xúc của mình với một bạn trai trong lớp. Bạn trai này ngồi bàn trên của con. Những dòng chữ ghi bằng bút chì ‘Mình thích bạn N.L. mỗi lần nhìn thấy bạn ấy là mình rất vui, không biết đó có phải là yêu không nhỉ?’…
Đọc xong, chị Hạnh bất ngờ, sốc.
‘Tôi không nghĩ con đã có cảm giác yêu như vậy. Thực sự tôi rất bối rối không biết làm thế nào’ – chị Hạnh tâm sự.
Không riêng gì chị Hạnh, chị Vũ Thị Minh Tâm (Long Biên, Hà Nội) cũng đứng hình khi thấy con chat với bạn cùng lớp kể về tình cảm của mình dành cho một bạn nam trong lớp dù con mới vào lớp 5. Theo như tâm sự của con dành cho bạn đó là con thích Minh Quân, con mong đến lớp để gặp bạn, con gửi thư tay cho bạn không biết bạn đọc chưa.
Tâm trạng của bà mẹ đơn thân này rối bời. Chị Tâm chia sẻ chị đã ‘khổ sở’ khi mấy năm trước con gái lớn học lớp 7 cũng yêu bạn trai lớp 9 cùng trường. Lúc đó, chị Tâm không để ý tới con, chỉ nghĩ con còn bé. Đến bé thứ hai, chị quan tâm hơn nhưng con vẫn có những suy nghĩ trước tuổi.
Dù đi làm về mệt mỏi, chị Tâm vẫn phải dành thời gian trò chuyện với con. Mỗi lần nghĩ tới cảnh con rung động sớm, người mẹ như ngồi trên đống lửa. Chị Tâm sợ người đời chê ‘con hư tại mẹ’ nên càng cố gắng dành cho con nhiều thời gian hơn để vừa tìm hiểu và kiểm soát con.
PGS.TS Trần Thành Nam – Giảng viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết nhiều bố mẹ sốc khi thấy đứa con ngoan ngoãn của mình ‘mới tí tuổi đã yêu’ thậm chí vừa học cấp ba đã có thai. Những trường hợp này, cha mẹ đã bỏ qua việc giáo dục giới tính cho con.
Theo PGS Nam ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, cha mẹ có các biện pháp trò chuyện, giáo dục với con khác nhau. Ví dụ con 3 tuổi chúng ta phải dạy con khái niệm thế nào là riêng tư, sự khác biệt từ bé gái, bé trai. Trẻ 4 – 5 tuổi cần được giáo dục đụng chạm an toàn, đụng chạm không an toàn, các chức năng của bộ phận sinh dục. Từ 6 tới 9 tuổi trẻ cần biết về hệ sinh sản, biểu hiện của tuổi dậy thì.
Trẻ từ 10 tuổi trở lên, cha mẹ cần nói chuyện với với về tình yêu, tình dục an toàn. Các con phải biết lựa chọn các kênh thông tin để tìm hiểu về tình yêu, tình dục an toàn.
PGS Nam cho biết khi làm các khảo sát nhỏ với các con ở tuổi dậy thì, có con trả lời không biết hỏi ai, nói với ai về thắc mắc, câu chuyện của mình. Trẻ thấy ngực phát triển đau quá nhưng không biết nói với ai. Thậm chí, có trẻ còn hỏi hôn nhau có em bé không? Hay có trẻ thì kể chuyện có anh bạn khác giới sờ mó dù rất sợ nhưng không dám phản đối.
Bên cạnh về giới tính, con cũng có những thắc mắc về tình bạn và tình yêu. Khi làm khảo sát, PGS Nam cho rằng nhiều trẻ còn hỏi tại sao không thể có bạn thân khác giới, bố mẹ của các con không cho con chơi với bạn khác giới…
Cha mẹ cần chuẩn bị sẵn các tình huống ứng xử với con để tránh bối rối và luôn quan tâm, chia sẻ để con có thể nói ra những chuyện khó nói – PGS Nam cho biết.