Nuông chiều con cái là một trong bốn kiểu nuôi dạy con cái được phân loại bởi các chuyên gia.
Amy Morin, Tổng biên tập trang web Verywell Mind, nhà trị liệu tâm lý, tác giả của nhiều cuốn sách bán nhất nước Mỹ cho biết: “Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rất vui khi mua tất cả mọi thứ cho con. Họ cho rằng, thật tuyệt khi cho con những thứ mà họ không thể có khi còn bé.
Những bữa tiệc sinh nhật xa hoa, những kỳ nghỉ sang chảnh, hàng đống thiết bị điện tử đời mới và những buổi đi chơi, mua sắm liên miên nhìn bề ngoài giống như con bạn có một tuổi thơ tuyệt vời. Tuy nhiên, cho trẻ quá nhiều tài sản, quá nhiều đặc quyền và quá nhiều cơ hội thực sự có thể không tốt cho chúng.“
Nhiều nhà tuyển dụng gần đây thường xuyên than phiền về thái độ, kỹ năng, cách ứng xử thiếu trách nhiệm của giới trẻ đối với công việc cũng như với các mối quan hệ trong xã hội. Chẳng hạn như hẹn phỏng vấn không tới nhưng cũng không báo lại, đi làm thì đi trễ về sớm, tự tin thái quá về bản thân… Đại diện một doanh nghiệp cho biết công ty mình phải chiều chuộng nhân viên trẻ “từng li từng tí” vì nếu không thì họ sẽ bỏ việc, gây xáo trộn và khó khăn…
Có chuyên gia chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến gen Z có biểu hiện như vậy là vì được nuông chiều từ nhỏ trong gia đình và trưởng thành trong môi trường học tập cũng được nuông chiều không kém, nhất là ở các cơ sở giáo dục xác định không chỉ là dạy mà còn là nơi cung cấp dịch vụ.
Với lối giáo dục nuông chiều con cái sẽ khiến cho một bộ phận thế hệ trẻ đến tuổi trưởng thành vẫn bị thiếu hụt rất nhiều về kỹ năng, thái độ, ứng xử với xã hội có vấn đề.
Dưới đây là kết quả tiêu cực của cách nuôi dạy theo kiểu nuông chiều con:
– Con bạn không được chỉ bảo tường tận về những việc cần làm, nên chúng không học được kĩ năng giải quyết vấn đề, một kĩ năng quan trọng giúp chúng đưa ra các quyết định trong cuộc sống sau này.
– Cha mẹ ít kì vọng vào con thì chúng sẽ không có động lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi việc. Khi bạn không khuyến khích trẻ thử thách bản thân để đạt được những kết quả cao hơn thì chúng không thể trở thành những người tốt hơn.
– Con bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ béo phì khi cha mẹ không giới hạn việc ăn uống, cho trẻ ăn uống tùy tiện theo ý thích. Những bậc cha mẹ kiểu này không thích ép con ăn những món ăn tốt cho sức khỏe hoặc khuyến khích chúng tập thể dục hay tham gia các hoạt động ngoài trời.
– Những bậc cha mẹ này không giới hạn việc xem TV và sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính khiến chúng dành quá nhiều thời gian trước màn hình. Trẻ có xu hướng xem TV khoảng 4 giờ mỗi ngày, cao hơn 5 lần so với những trẻ có cha mẹ nghiêm khắc.
– Trẻ chưa đến tuổi đi học có nguy cơ gặp các vấn đề về tinh thần cao hơn bao gồm chứng trầm cảm và sợ hãi.
– Trẻ có thể cư xử hung hăng hơn bình thường. Khi trẻ không được dạy dỗ cách kiểm soát cảm xúc một cách đúng đắn, chúng sẽ hành xử một cách hung hăng.
– Những trẻ vị thành niên có nguy cơ gặp nhiều vấn đề về hành vi cao hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc nuôi dạy con dễ dãi dẫn đến gia tăng tỷ lệ sử dụng rượu bia, trở thành học sinh cá biệt ở trường và kết quả học tập kém.
Con bạn cần học rằng, chúng có thể sống mà không cần hầu hết mọi thứ. Khi trẻ em nhận được mọi thứ chúng muốn, chúng bắt đầu nghĩ rằng chúng không thể sống thiếu máy điện thoại đời mới nhất hoặc chúng không thể tồn tại nếu không có giày thể thao mới. Điều quan trọng là dạy con bạn sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu.
Con bạn có thể nghĩ rằng hạnh phúc bắt nguồn từ của cải vật chất. Trẻ em rất dễ bắt đầu suy nghĩ là có nhiều tài sản hơn sẽ giúp chúng có một cuộc sống thỏa mãn hơn.
Khi quá chiều con, bạn có thể gửi tới con một thông điệp rằng, có một mối liên hệ giữa tiền bạc và giá trị bản thân. Của cải vật chất có thể trở thành một biểu tượng địa vị cho những đứa trẻ và chúng sẽ nghĩ rằng, điều quan trọng là phải thể hiện chúng giàu có như thế nào.
Con bạn có thể không coi trọng bất cứ thứ gì. Khi trẻ em có quá nhiều thứ, chúng không thể chăm sóc cẩn thận tất cả những thứ đó. Đứa trẻ có thể không quan tâm khi đồ vật của chúng bị hỏng hoặc bị mất. Do đó, con bạn sẽ không học cách chịu trách nhiệm.
Để khắc phục tình trạng này, ngay từ khi trẻ biết nhận thức, cha mẹ hãy để con tự giải quyết các vấn đề trong tầm khả năng của trẻ. Những việc nào trẻ không thể giải quyết hãy hướng dẫn và định hướng để từ đó giúp con giải quyết tốt vấn đề của mình. Cách làm này giúp con nhận thức được giá trị của lao động và trân trọng mọi thứ hơn.