Theo WHO, tính trên toàn cầu cứ 4 người thì có 1 người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ở thời điểm hiện nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm gia tăng các rối loạn tâm thần. Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 gia tăng đáng kể như: rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%), rối loạn giấc ngủ (41,1%).
Tại hội thảo online “Có lẽ bạn bạn nên gặp “bác sĩ tâm lý” nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên của Thương hiệu sách và y học MedInsights, các chuyên gia đã nhấn mạnh, người Việt gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần (SKTT) là con số không nhỏ. Ở các nước tiên tiến, mức độ hiểu biết của người dân về sức khỏe tâm thần (SKTT), cũng như tỷ lệ người dân sẵn sàng tìm đến sự hỗ trợ của các BS tâm lý hoặc nhà trị liệu tâm lý ở mức khá tốt. SKTT được coi là vấn đề quan trọng tương đương với sức khỏe thể chất và khi gặp đề về SKTT, đa phần người dân sẵn sàng tìm đến sự trợ giúp, hỗ trợ từ những người có chuyên môn. Bên cạnh đó, lực lượng nhân sự chăm sóc SKTT cho người dân cũng được chú ý đào tạo.
TS Tâm lý học Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, chẳng hạn ở Đức có sự phân biệt rõ ranh giới/ vai trò của bác sĩ tâm thần, bác sĩ tâm lý, nhà tâm lý… Trong 1 nhóm hỗ trợ cho bệnh nhân/ thân chủ luôn có 6 lực lượng tham gia bao gồm: bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ tâm lý, nhà tâm lý, nhân viên công tác xã hội, nhà vật lý trị liệu, giáo viên giáo dục đặc biệt.
Ở nước ta hiện nay mọi người đã quan tâm, chú trọng tìm kiếm thông tin và sự hỗ trợ từ các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên xét trên mặt bằng chung, người Việt vẫn cần được nâng cao nhận thức nhiều hơn về SKTT. Vấn đề là làm sao cá nhân nhận diện được dấu hiệu về sức khỏe tâm thần và tìm cho mình các trợ giúp cần thiết.
Đồng quan điểm, BS Vân Anh – Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, từ thực tế thực hành trị liệu chị cho biết vẫn tồn tại thách thức khi bệnh nhân tìm đến sự trợ giúp của những người có chuyên môn. Mặc dù khi gặp vấn đề về SKTT, cơ thể người bệnh báo động bằng các biểu hiện: lo âu, ăn không ngon miệng, ngủ không ngủ được, không tập trung làm việc được… nhưng khi được khuyên đi khám tâm thần nhiều bệnh nhân vẫn từ chối điều đó.
“Có nhiều bệnh nhân từ các khoa tiêu hóa, tim mạch, thần kinh… được chuyển đến Viện Sức khỏe tâm thần, khi được bác sĩ khám họ vẫn khăng khăng bản thân hoàn toàn bình thường không bị các bệnh về tâm thần … Nhưng khi được giải thích tâm thần là ½ khía cạnh sức khỏe của con người, cộng với hiệu quả điều trị, cuối cùng họ mới chấp nhận khía cạnh sức khỏe này của con người. Điều tích cực là những người này sau đó đã giúp lan tỏa rất tốt những kiến thức này ra cộng đồng” – BS Vân Anh nói.
Theo các chuyên gia, việc không phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho các cá nhân nói riêng cũng như toàn xã hội nói chung. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra: khi não bộ hoạt động không tốt có thể làm tăng nguy cơ khởi phát hoặc làm một số bệnh trên cơ thể trở nên nặng hơn; gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như năng lực làm việc của mỗi cá nhân. Khi không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng và để lại nhiều hậu quả nặng nề. Quá trình điều trị lâm sàng, BS Vân Anh đã gặp nhiều trường hợp tự sát ở bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân không nghĩ gì ngoài việc làm sao để có thể chết…
Trước bối cảnh nhận thức về SKTT của người dân Việt Nam vẫn cần được nâng cao, cuốn sách “Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý” của tác giả kiêm nhà trị liệu tâm lý Lori Gottlieb được xuất bản tại Việt Nam góp phần giúp độc giả nói chung hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần, cũng như quá trình trị liệu tâm lý, để cởi mở và sẵn sàng hơn trong việc tìm đến sự trợ giúp khi gặp các vấn đề về SKTT.