Mỗi nước trên thế giới lại có những phong tục đặc biệt riêng để kỷ niệm ngày lễ tình nhân 14/2 – ngày Valentine.
Tổ chức đám cưới tập thể vào ngày lễ tình nhân 14/2
Tại Philippines, các cặp đôi tổ chức đám cưới tập thể hoành tráng tại khu vực công cộng hoặc trung tâm thương mại để đón chào ngày lễ Valentine. Hoạt động này mang lại những khoảnh khắc hạnh phúc cho các cặp đôi, lan toả sự yêu thương, lãng mạn và ngọt ngào đến khắp mọi nơi.
Đeo một trái tim trên tay áo có tên của người yêu vào ngày lễ tình nhân 14/2
Trong ngày valentine, phụ nữ Nam Phi thường làm theo phong tục La Mã cổ đại được gọi là Lupercalia. Tức là họ sẽ đeo một trái tim trên tay áo có tên của người yêu. Đó cũng có thể là người đàn ông mà họ thầm thương trộm nhớ.
“Xổ số tình yêu” trong ngày lễ tình nhân 14/2 tại Pháp
Pháp từng tồn tại một phong tục kỳ lạ gọi là “une loterie d’amour” (trò “xổ số tình yêu”).
Theo đó, những chàng trai, cô gái còn lẻ bóng tụ họp lại và đứng đối mặt nhau. Sau khi trò chuyện, tán tỉnh, họ sẽ tạo thành các cặp đôi.
Tuy nhiên, nếu người con trai không thích bạn gái của mình nữa, anh ta có thể bỏ rơi cô vào thời điểm giữa ngày. Đến tối, những cô gái bị bỏ rơi sẽ cùng nhóm đống lửa, đốt tấm ảnh và nguyền rủa người con trai đã khinh thường họ. Về sau, nước Pháp đã hủy bỏ và ra lệnh cấm tập tục tiêu cực này.
Vào ngày Valentine, nhiều người thích đi đến làng Saint Valentin ở Indre, Pháp. Ngoài ra, các đôi tình nhân có thể cùng dạo chơi trong khu vườn Tình yêu hoặc kết hôn ở khu vườn rượu vang gazebo nếu không ngại thời tiết lạnh.
Tặng bộ thìa bạc chạm khắc biểu tượng chìa khóa và ổ khóa ngày lễ tình nhân 14/2 tại Anh
Anh là một trong những quốc gia đầu tiên tổ chức ngày Lễ Tình nhân Valentine. Vào ngày này, các cặp tình nhân thường tặng nhau bộ thìa bạc được chạm khắc biểu tượng chìa khóa và ổ khóa, tượng trưng cho việc gửi chiếc chìa khóa mở cửa trái tim mình cho một nửa còn lại.
Bên cạnh đó, các cô gái thường viết tên “người trong mộng” lên giấy rồi đặt những tờ giấy lên quả bóng đất sét và thả xuống nước, quả nào nổi lên trước thì tên người được viết sẽ là vị hôn phu xứng đáng của mình.
Trong dịp lễ này, người Anh cũng thường nhờ những đứa trẻ đáng yêu hát để chúc phúc rồi cho chúng hoa quả, bánh kẹo.
Riêng tại xứ Wales, Valnetine diễn ra vào ngày 25/1 và được gọi là “ngày của San Dwynwen”. Những người yêu nhau sẽ trai đổi thìa gỗ được làm thủ công độc đáo và đẹp mắt cho nhau. Được biết, phong tục độc đáo này kéo dài hơn 400 năm qua, bắt đầu từ thế kỷ 16.
Tại Scotland, vào ngày lễ tình yêu, người độc thân sẽ viết tên của một người nào đó vào mẩu giấy rồi vứt chúng vào hai chiếc mũ. Một chiếc để tên của những chàng trai, chiếc kia để tên của các cô gái. Các cô gái sẽ lần lượt bốc một mẩu giấy, cái tên mà họ bắt được sẽ là người cùng đi chơi Valentine.
Ngày lễ tình nhân 14/2 – Ngày của những người làm rượu
Giống như rất nhiều quốc gia khác, Bulgaria tổ chức Ngày lễ tình nhân theo phong cách riêng của mình. Vào ngày 14.2 hàng năm, lễ hội mang tên San Trifon Zartan, có nghĩa là “ngày của các nhà sản xuất rượu”, được tổ chức ở Bulgaria để dành cho các cặp đôi ăn mừng và tôn vinh tình yêu của họ.
Các cặp đôi đủ mọi lứa tuổi ở nước này sẽ có một ngày kỷ niệm tình yêu đáng nhớ với những ly rượu địa phương tuyệt vời.
Ngày lễ tình nhân 14/2 không chỉ dành cho các cặp đôi ở Guatemala
Ở Guatemala, áp lực của ngày Valentine không quá nặng nề. Lý do vì ngày này chủ yếu dành cho bạn bè và gia đình chứ không đơn thuần là cơ hội thể hiện tình yêu của các cặp vợ chồng. Ngoài ra, nhiều người lớn tuổi còn có những buổi diễu hành của riêng họ.
“Tuần lễ ngọt ngào”
Người Argentina không kỷ niệm ngày lễ tình nhân vào tháng 2 như nhiều nước khác, mà có “Tuần lễ ngọt ngào” vào tháng 7 hàng năm. Khi này, những người yêu nhau sẽ trao nhau nụ hôn, nhận sôcôla và các loại đồ ngọt khác.
Ban đầu, dịp lễ này bắt đầu như một phát minh thương mại nhằm đẩy mạnh doanh số bán hàng các loại đồ ngọt như sôcôla. Tuy nhiên, nó được mọi người yêu thích, dần trở thành ngày để bày tỏ tình yêu truyền thống của người dân tại quốc gia Nam Mỹ.
Kỷ niệm tình yêu suốt cả năm
Thay vì chờ đến ngày 14/2, các cặp đôi ở Hàn Quốc kỷ niệm tình yêu vào ngày 14 hàng tháng. Bên cạnh ngày Lễ tình nhân 14/2 và Lễ tình nhân đen 14/3 vốn đã nổi tiếng khắp nơi trên thế giới.
Ở quốc gia Châu Á này còn có rất nhiều ngày lễ tôn vinh tình yêu khác như “Ngày của hoa hồng” được tổ chức vào tháng 5, “Ngày của những nụ hôn” được tổ chức vào tháng 6, “Ngày của những cái ôm vào tháng 12”. Không chỉ các cặp đôi, những người không có tình yêu còn tôn vinh sự độc thân của mình vào 14/4 bằng cách ăn mì đen.
Lễ hội mùa xuân
Valentine ở Italy từng có thời gian được tổ chức như một lễ hội mùa xuân. Theo phong tục cổ xưa, vào dịp Lễ Tình nhân, nam giới sẽ chuẩn bị cỗ xe đẹp nhất cùng người yêu dạo phố.
Một truyền thống khác là những cô gái chưa lập gia đình sẽ thức dậy trước bình minh để nhận diện người chồng tương lai. Các cô gái tin rằng người đàn ông đầu tiên họ gặp vào ngày Valentine có thể là người mà họ sẽ cùng kết hôn sau này.
Tặng nhau snowdrops thay vì hoa hồng
Đan Mạch chính thức đón ngày Lễ Tình nhân từ năm 1990 cho đến nay. Những cặp đôi thường tặng nhau snowdrops (hoa giọt tuyết được ép khô) thay vì dùng hoa hồng và chocolate như các nước khác vào dịp Valentine. Ngoài ra, họ còn trao nhau những tấm thẻ in hình người mình yêu.