Dưới đây là 14 lời khuyên về nuôi trẻ sơ sinh đã lỗi thời.
Bé sơ sinh cần được tắm hàng ngày
Bé sơ sinh không bị hôi do mồ hôi như người lớn, vì vậy bé chỉ cần tắm 2 hoặc 3 ngày một lần (nếu không xảy ra việc bé “bĩnh” tràn bung bét ra ngoài bỉm). Mặc dù vậy, tắm hàng ngày cũng hoàn toàn phù hợp nếu bạn muốn tạo cho con thói quen thư giãn, chỉ cần nhớ dưỡng ẩm cho bé sau khi tắm.
Trẻ sơ sinh ngủ ngon nhất trong phòng im lặng và tối
Lời khuyên này sai. Mặc dù một số bé thực sự là những người thích yên tĩnh, hầu hết trẻ sơ sinh đều cảm thấy hài lòng với tiếng ồn xung quanh và một chút ánh sáng. Ngoài ra, nếu con bạn đã quen với môi trường vận động khi đang ngủ, bé có thể hài lòng hơn khi được đặt ngủ trong những môi trường khác nhau.
Để con đứng trên đùi bố mẹ có thể khiến sau này chân con bị vòng kiềng
Chân của bé sẽ không bị cong chỉ vì đứng/nhún nhảy trên đùi người lớn. Đó chỉ là một quan niệm cũ. Trẻ học cách gánh trọng lượng trên chân và biết tìm được trọng tâm. Để bọn trẻ đứng hoặc nhún nhảy vừa là niềm vui, vừa kích thích sự phát triển của chúng.
Nghe nhạc cổ điển sẽ nâng cao chỉ số IQ của bé
Mặc dù âm nhạc có thể làm phong phú thêm cuộc sống của một người, nhưng chưa có nghiên cứu/kết luận nào phát hiện ra rằng việc cho trẻ nghe nhạc cổ điển nói riêng có thể mang lại những lợi ích tăng cường trí não đáng kể.
Bế con lên bất cứ khi nào con khóc sẽ làm con hư
Trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi có ít khả năng tự xoa dịu bản thân. Bé biết bú để xoa dịu và thích được quấn tã, nhưng chỉ vậy thôi. Bế con lên khi con khóc là cách cho trẻ biết rằng luôn có cha mẹ ở bên và quan tâm đến bé.
Nên đánh thức bé dậy để thay tã buổi đêm
Nước tiểu vô trùng, và tã/bỉm ngày nay có khả năng thấm hút cao đến mức bạn có thể để qua đêm. Tuy nhiên, nếu bé đi tiêu hoặc có vẻ quấy, thì bạn nên thay cho bé.
Phải tiệt trùng bình sữa và núm ti cho trẻ sơ sinh dưới 3 tháng
Đúng là bạn cần tiệt trùng bình sữa và núm ti khi mới lấy ra khỏi bao bì, nhưng những lần sử dụng sau đó rửa sạch bằng xà phòng và nước là được. Trẻ sơ sinh còn tiếp xúc với nhiều loại vi trùng hơn cả những vi trùng vẫn còn trên bình sữa hoặc núm vú được cọ rửa kỹ lưỡng.
Cách an toàn nhất để đặt trẻ sơ sinh ngủ là nằm sấp
Tư thế ngủ an toàn nhất cho trẻ sơ sinh là nằm ngửa. Trước đây, các bác sĩ lo lắng rằng trẻ sơ sinh có thể bị nôn trớ rồi nghẹt đường thở nếu không nằm sấp hoặc nằm nghiêng khi ngủ, nhưng các nghiên cứu cuối cùng đã liên kết những tư thế ngủ này với tỷ lệ đột tử cao hơn.
Pha thêm nước gạo/ngũ cốc vào bình sữa của trẻ sẽ giúp trẻ dễ ngủ
Thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ được cho ăn thức ăn đặc trước 4 tháng tuổi thực sự ngủ kém hơn so với những đứa trẻ được bú sữa công thức. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc cho trẻ ăn dặm sớm và béo phì sau này.
Phải giữ cho con một lịch trình cho ăn nghiêm ngặt
Dù ăn có lịch trình sẽ giúp bạn có vẻ nhàn hơn, nhưng tốt hơn là bạn nên cho ăn theo yêu cầu, đặc biệt là trong hai tháng đầu tiên. Sau đó, bạn có thể bắt đầu nhận thấy nhịp bú sau mỗi 2 hoặc giờ của trẻ. Điều quan trọng là phải luôn tìm kiếm dấu hiệu đói và dấu hiệu no.
Bé cần đi giày đế cứng để bảo vệ ngón chân và giữ cho bàn chân thẳng
Trẻ sơ sinh sử dụng ngón chân để bám vào bề mặt mà trẻ đang đi, vì vậy con thực sự nên đi chân trần trong nhà. Khi cần phải ra ngoài, hãy mua cho con đôi giày có độ bám vào đế tốt. Những đôi giày đế cứng có thể quá trơn với bé.
Trẻ sơ sinh cần đi tiêu ít nhất một lần mỗi ngày
Tiến sĩ Andrew Adesman, trưởng khoa Nhi tại Bệnh viện Nhi Schneider ở New York (Mỹ), cho biết: Các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng trẻ bị táo bón khi sự thật không phải vậy. Trẻ sơ sinh thường có vài lúc buồn đi tiêu trong ngày, nhưng chúng có thể chỉ đi 3-4 ngày một lần trong khoảng 2 tháng đến 3 tháng tuổi. Nếu trẻ đi tiêu rất khó khăn và không thường xuyên, hoặc thấy máu trong tã thì mới cần gọi cho bác sĩ nhi khoa của bạn.
Chạm vào “thóp” có thể làm tổn thương não của bé
Thóp là một lỗ hổng bao phủ bằng da trong hộp sọ có thể khiến một số bậc cha mẹ lo sợ khi chạm vào. Tiến sĩ Adesman nói: “Có giả định về khả năng tổn thương, nhưng bộ não thực sự được bảo vệ khá tốt. Thóp trước thường đóng vào khoảng một tuổi, trong khi thóp mềm nhỏ hơn ở phía sau đầu thường đóng lại sau 2 tháng đến 3 tháng tuổi”.
Bị lạnh làm trẻ ốm
Mặc dù con bạn có thể cần trợ giúp để điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể, nhưng thời tiết lạnh giá không làm cho con bạn bị ốm. Virus và vi khuẩn mới là thủ phạm.