Thế nhưng tối nằm lướt mạng, tôi mới hiểu ý của câu vợ hỏi lúc ban chiều. Lòng tự nhiên lại gợn lên một nỗi niềm vô cùng khó chịu.
Hai năm trước, tôi lỡ phải lòng một cô gái trẻ làm việc tại một quán cà phê. Thứ tình cảm ngang trái nhanh chóng làm tôi mê muội. Tính tôi vốn nhút nhát từ nhỏ, yêu vợ là người đầu tiên, ngoài ra chưa từng có tình cảm với một ai khác. Có lẽ chính vì tôi ít trải nghiệm, không có kinh nghiệm tình trường, vậy nên khi thấy một cô gái trẻ xinh đẹp à ơi gọi mời thì tôi dễ ngã đổ. Tôi đã ngoại tình, chính xác là như vậy.
Nhưng như tôi nói, trong chuyện tình cảm, tôi vốn ngờ nghệch, vậy nên chuyện này nhanh chóng bị vợ phát hiện. Khi cô ấy đọc được tin nhắn tôi và người kia đong đưa hẹn hò với nhau, cô ấy ngồi trước mặt tôi hỏi một câu ngắn gọn rõ ràng: “Anh nói đi, bỏ vợ hay bỏ bồ?”. Trước thái độ của vợ, mặt tôi tái mét lạy lục xin lỗi hứa ngay lập tức cắt đứt mối quan hệ sai trái kia. Vợ tôi sau đó im lặng mấy ngày liền không nói với tôi một câu nào.
Lúc tôi cảm giác như không khí im lặng trong nhà quá ngột ngạt đáng sợ, tôi định quỳ xuống van xin vợ thì cô ấy lại bất ngờ nói cười trở lại, như thể những chuyện đáng buồn trước đó đã bị vợ tôi xóa sạch trong mấy ngày im lặng kia. Dĩ nhiên, tôi chẳng còn dám tơ hào gì người kia sau khi lén lút nhắn một tin nhắn cuối cùng: “Vợ anh biết chuyện rồi, thôi nhé”.
Tôi cứ nghĩ có lẽ tôi biết sai, biết quay đầu thì vợ tha thứ. Đúng là cô ấy có tha thứ. Cô ấy không đánh ghen như phụ nữ thường làm khi biết chồng ngoại tình. Cô ấy cũng chẳng chửi bới đay nghiến gì tôi cả. Nhưng dù là thế, cô ấy vẫn luôn làm tôi thót tim sợ hãi.
Khi hai vợ chồng đang ngồi xem một bộ phim, nhân vật nam chính lén lút ngoại tình, cô ấy liền nói: Anh thấy thằng cha kia có đáng sợ không, có thể ngủ một lúc với hai người đàn bà, kinh thật.
Khi một vụ ngoại tình nào đó bị bóc phốt trên mạng xã hội, cô ấy thường sẽ tỉ mỉ kể cho tôi nghe nội dung câu chuyện với điệu bộ hết sức vô tư hào hứng, sau đó kết luận: “Cũng chỉ là một lũ mèo mả gà đồng như nhau cả thôi, anh nhỉ?”.
Hai năm trôi qua rồi, vậy mà vợ tôi luôn như thế, chỉ cần có cơ hội cô ấy liền lập tức dùng những câu chuyện, những sự kiện diễn ra trong xã hội hàng ngày kể cho tôi nghe, sau đó bình luận bằng những từ ngữ nặng nề chua chát. Tôi thừa hiểu cô ấy không chỉ kể chuyện, cô ấy đang cố tình mỉa mai dày vò tôi. Nhưng lại bằng cái cách tôi không thể nào tỏ ra khó chịu công khai hay phản kháng được.
Mỗi khi ngồi vào mâm cơm hay chuẩn bị lên giường đi ngủ, nghe vợ nói “hôm nay có vụ này hay lắm anh này” hay tương tự thế là người tôi bắt đầu nóng bừng lên, nỗi khiếp sợ trào dâng lên trong lồng ngực bởi biết lại sắp được nghe một bi kịch nào đó đang diễn ra.
Vợ tôi kể, giọng điệu tỉnh bơ như không, sau cùng sẽ hỏi tôi: “Anh thấy có kinh không, nếu là anh, anh có thấy đau không, có chịu nổi không?”. Lúc nào tôi cũng phải giả câm giả điếc mà lảng sang chuyện khác cho nhanh.
Người ta vẫn nói, phụ nữ có thể tha thứ, nhưng họ không bao giờ quên. Có những chuyện họ có thể không nói ra nhưng trong lòng luôn nhớ. Những người không muốn phơi nỗi đau của mình ra cho người khác thấy, đó lại chính là những người đau nhiều nhất vì họ chịu đựng và gặm nhấm nỗi đau đó một mình.
Đôi lần, tôi rất muốn nói với vợ rằng tôi sai lắm rồi, xin cô ấy đừng dùng những câu chuyện của người khác để tự gợi lại vết thương của mình nữa. Tôi sẽ dùng sự ăn năn này, tình yêu và sự biết ơn này mà xoa lành dần vết thương lòng cho cô ấy. Nhưng tôi không dám mở lời, cũng không thể mở lời.
Nhiều lúc nhìn vợ, tôi chỉ hận bản thân mình. Hẳn là cô ấy đã đau lòng lắm nhưng lại cố tỏ ra không đau. Hẳn là cô ấy đã thất vọng và tổn thương ghê gớm lắm nhưng luôn cố tỏ ra mình ổn. Giá như tôi chưa từng sai lầm thì tốt biết bao nhiêu. “Giá như…” cuối cùng cũng chỉ là một giả thiết được đặt ra quá muộn màng.