Chị Hảo làm trưởng phòng, lương tháng 40 triệu nhưng thường xuyên phải làm thêm giờ. Dù có thu nhập cao nhưng công việc vất vả. Chồng chị cũng có công ăn việc làm nên đối với bố mẹ chồng không có thu nhập gì ở quê, các con như vậy đã là rất khá giả. Bố chồng chị thì không bao giờ đòi tiền, mẹ chồng quản lý chi tiêu hàng ngày nên chị gửi tiền cho mẹ vào thời điểm cố định trong tháng.
Mẹ chồng chị tháng nào cũng dùng hết tiền, thi thoảng phát sinh thêm. Anh chị đều nghĩ bố mẹ nuôi con vất vả, giờ mình có thể có điều kiện thì lo cho các cụ sống sung túc hơn, số tiền này chẳng là gì cả. Vậy nên anh chị chưa bao giờ hỏi mẹ đã tiêu tiền như thế nào.
Mỗi dịp lễ tết, anh chị mang rất nhiều quà về biếu bố mẹ chồng. Nhưng về nhà, tủ lạnh gần như trống trơn, không có thịt, chỉ có mấy cái rau lèo tèo. Chị băn khoăn, hàng tháng đưa bố mẹ chồng số tiền như vậy thì ở quê chắc ông bà sẽ mua được mấy món ngon, tại sao không có đồ ăn trong nhà. Chị nói với chồng, anh lại bảo chắc ông bà muốn ăn chay.
Rốt cuộc, cứ cho là ông bà ăn uống đạm bạc vì thích như vậy, nhưng chi phí sinh hoạt như thế tại sao đôi khi cần con cái gửi cho thêm tiền nhiều gấp rưỡi, gấp đôi? Chị không hỏi mẹ chồng vì sợ gây áp lực cho bà.
Mang ít quà sang hàng xóm biếu, tiện hỏi thăm tình hình của bố mẹ chồng, chị Hảo được biết rằng mẹ chồng chị hiếm khi ra ngoài, bà sống đạm bạc hàng ngày, không mua nhiều thực phẩm, cũng không mua quần áo mới.
Vợ chồng chị Hảo mua cho mẹ chồng một chiếc điện thoại di động mới, sau đó đưa thẻ điện thoại cũ vào cho mẹ chồng, rồi xem hồ sơ dữ liệu chuyển, thấy rằng mẹ chồng đã chuyển cho em trai chồng rất nhiều tiền.
Em chồng chị nhỏ hơn anh trai nhiều tuổi nhưng không chịu làm ăn, còn hay đòi bán nhà chia tiền. Nhưng anh chị đều không nghĩ trước giờ cậu ấy lấy của ông bà nhiều tiền như vậy.
Sau đó vì chưa lựa được lúc thích hợp nên chị Hảo chưa hỏi mẹ chồng sự việc ra sao. Bà cũng không biết anh chị đã thực sự biết bà tiêu tiền vào đâu.
Một tháng sau, mẹ chồng gọi điện cho chị Hảo: “Con ơi, mẹ đang nằm viện cấp cứu, cần 50 triệu làm phẫu thuật…”. Đúng lúc chị tiện đường công tác ghé về thăm ông bà, nhìn qua hàng rào cổng thấy bóng bà, chị trả lời: “Mẹ đừng giả vờ nữa, con đang đứng ngay trước cửa nhà rồi”.
Bước vào đến nhà, chị Hảo nói với mẹ rằng mình đã biết mẹ chuyển tiền cho em chồng. Mẹ chồng chị đành thành thật giải thích rằng, cậu em chồng đi làm việc tay chân rất vất vả, biết được anh chị đưa tiền sinh hoạt cho bố mẹ hàng tháng, cậu ấy tự hỏi mẹ được mỗi tháng bao nhiêu và thỉnh thoảng lại xin.
Gần đây cậu ấy muốn lập nghiệp, không muốn làm việc tay chân nữa, nhưng cần nhiều tiền, không dám nhờ anh trai nên đành xin mẹ. Vài chục triệu không nhỏ nên bà đành tìm một cái cớ.
Chị Hảo chưa biết nên xử lý sự việc thế nào, có lẽ chị cần bàn bạc thêm với chồng. Nhưng em trai chồng chị không phải người biết chí thú làm ăn, cậu ấy quen tính chơi bời lêu lổng, không chịu khó chịu khổ bao giờ, làm công việc gì cũng chỉ một hai tháng là bỏ, lười biếng như vậy liệu tự gây dựng cơ đồ có nổi hay không?
Chị nghĩ mà thấy giận cả ông bà. Trong gia đình này, anh trai lớn phải đi làm từ sớm nên tính tình tự lập, thương yêu gia đình, nhưng lại thành đứa con vất vả. Em trai nhỏ thì được mẹ nuông chiều, muốn gì cũng đáp ứng. Được cưng nựng như vậy đã trở thành một rào cản khiến cậu ấy không thể gia nhập xã hội, không thể chịu được những khó khăn của xã hội và công việc. Từ nhỏ cậu ấy quen muốn là được, giờ lớn rồi nhưng đến tiền sinh hoạt của ông bà cũng không tha, không lẽ cứ để vậy mà không cho em trai chồng một bài học nào?
Theo Dân trí