Chuyện buồn vào tháng 7 âm lịch của một nàng dâu đã lấy chồng thành phố
Tháng 7 âm lịch, tháng cô hồn, mùa Vu lan báo hiếu thì nhiều gia đình đang xuôi ngược trong bệnh viện chăm sóc người thân. Và cô gái ấy – là nàng dâu của bệnh nhân nằm điều trị cạnh giường bệnh của bố tôi nên cả tháng 7 âm lịch chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với nhau.
Tôi ngạc nhiên vì nhà nào cũng có vài người thay phiên chăm sóc người bệnh, nhưng bên ấy sáng sớm đã thấy vào lau rửa, vệ sinh, tầm đi làm về lại vào lau rửa, cho ăn lần nữa tới khoảng 20 giờ mới được về.
Còn 1 phụ nữ trung tuổi ăn diện, son phấn cứ đến là mang cái ghế ngồi giữa phòng, xa hẳn các giường bệnh và… chẳng làm bất cứ việc gì (trừ khi có bác sĩ, hay hộ lý ra hỏi). Và 1 thiếu nữ chắc con gái bà ta vào viện mà váy ngắn, áo cộc, son phấn y như mẹ – thi thoảng đến cũng bắc ghế ngồi giữa phòng y như mẹ.
Hỏi ra mới biết cô gái ấy là con dâu, còn bà sồn sồn kia là con gái người bệnh, thiếu nữ kia là cháu ngoại. Họ là người thành phố nên mẹ thì viện cớ “yếu lắm” (dù gương mặt no đủ, dáng vóc khỏe mạnh, tiếng nói sang sảng), con gái thì “bận học”…
Họ “nhường” việc thay chồng báo hiếu cả tháng 7 âm lịch ấy cho nàng dâu quê mùa hai con mọn, vừa đi làm, vừa vào viện thay bỉm, lau rửa, chăm sóc bố chồng buổi tối.
Qua chuyện trò được biết cô ấy quê ở Ninh Bình, lên học đại học và cưới được anh chồng thành phố.
Nhưng cuộc sống nàng dâu quê ở thành phố không hề dễ dàng. Bố mẹ chồng thì hiền lành, nhưng chị gái chồng “ăn trên ngồi chốc” luôn ỏng eo, dè bỉu thậm chí tìm đủ mọi cách để đuổi cô em dâu quê mùa ra khỏi ngôi nhà thành phố, và không ít lần xúi em trai đánh vợ.
Tới lần cô ấy hỏi thẳng chồng rằng: “Em ở nhà anh hầu hạ cả nhà, sinh hai con nối dõi cho nhà chồng, không ăn chơi đàn đùm, chăm lo việc nhà… cơn cớ gì mà anh nghe chị để đánh vợ?… Và kết quả là những lần sau chị chồng xúc xiểm đến mấy anh chồng cũng đã biết đường nói “Chuyện vợ chồng em để tự chúng em giải quyết”.
Cô ấy tự thấy may mắn vì đã được “nhờ chồng” một chút, nhưng yên ổn chưa được bao lâu bố chồng bị đột quị lần 1. Mỗi ngày con gái ông chỉ đảo qua thăm, mọi lo toan chăm sóc dồn cả lên vai nàng dâu.
Nhưng cũng không được yên, bởi bố chồng đau đớn nàng dâu nhớ tới việc mẹ đẻ hay chườm nóng bằng ngải cứu cho bố đẻ, bèn vận dụng chườm cho bố chồng.
Thêm việc thì mệt nàng dâu, nhưng chị gái chồng thì lu loa rằng “nàng dâu có tình ý gì nên mới chườm bóp như thế”… Rất may là bố chồng phều phào bảo mẹ chồng mắng át đi, và anh chồng thì bảo chị gái “về chăm bố hàng ngày đi, đừng có chỉ ghé qua chơi rồi kiếm chuyện”.
Và lần đột quị thứ hai này đúng vào tháng 7 âm lịch, mùa Vu lan báo hiếu thì bố chồng nằm liệt. Mẹ chồng vào chăm mấy ngày mệt quá mới bảo các con “báo hiếu” mà trông bố. Phụ nữ thì trông ngày, đàn ông trông ban đêm. Cả hai mẹ con chị chồng sợ bẩn, sợ bệnh không thể thoái thác mới phải vào viện ngồi xa xa trông bố đẻ như thế. Còn mọi việc lau rửa, thay bỉm, ăn tối rồi đánh rằng dành hẳn cho nàng dâu “quen lam lũ”.
Con đường nào cũng có giá trị của nó
Nàng dâu trên còn là may mắn, chứ nhiều cô gái ở quê lấy chồng thành phố đã không thể may mắn như thế. Có gì đúng – sai hay tốt – xấu trong chuyện gái quê ra thành phố lấy chồng hay không?
Chuyên gia Đánh Thức Tình Yêu Nguyễn Đức Quỳnh chia sẻ: “Với tôi thì không, bởi lựa chọn và trải nghiệm là của mỗi người. Chúng ta tôn trọng lựa chọn của mỗi người, và con đường nào cũng có giá trị của nó”.
Theo ông, thế hệ 7x, 8x và đời đầu 9x – là giai đoạn chưa có nhiều cơ hội mở ra để các cô gái nông thôn vươn lên thoát nghèo – đã có những cô gái đã đóng sầm con tim thổn thức trước một tình yêu gõ cửa, hay họ cố quên luôn cả ước mơ của mình để nhắm đến mục tiêu “lấy được một người chồng ở thành phố” – dù có thể không dựa trên nền tảng tình yêu.
Có thể gia cảnh họ khó khăn, chứng kiến bố mẹ mình vất vả nuôi con, chạy ăn từng bữa… cho nên “lấy chồng thành phố” có sẵn nhà cửa, gia thế – để đỡ vất vả tích góp mua nhà, lại có hộ khẩu thành phố. Họ chấp nhận sống xa xôi nơi đất khách quê người, thiếu thốn tình cảm gia đình ruột thịt, xa cách anh chị em bạn bè thân thiết…
Có những cô gái may mắn gặp được một người thành phố tử tế để gắn đời mình vào. Nhưng đâu đó vẫn có những người gặp phải tấm chồng không tốt. Và dẫu thế nào thì các cuộc hôn nhân này không dựa trên nền tảng tình yêu, mà là có sự trao đổi ngầm ở đó. Và năng lượng đó luôn vận hành ngầm trong mối quan hệ này.
Chúng ta không xa lạ gì những câu chuyện rất chát giữa mẹ chồng nàng dâu, những câu chuyện cám cảnh về người phụ nữ bị khinh thường trong nhà chồng, những câu chuyện nhức nhối về phân biệt vùng miền hay phân biệt đẳng cấp giữa sui gia hai bên, rồi những câu chuyện con dâu phải ngậm đắng nuốt cay, chịu nhẫn chịu nhục và không có tiếng nói trong gia đình chồng… Bởi đâu đó, trong những cuộc hôn nhân này, nền tảng chi phối đã xác lập ngay từ đầu, đó là tiền bạc, là nhà thành phố, là hộ khẩu thành phố…
Trong mỗi chúng ta, sự tự do, ước mơ, hoài bão vẫn luôn âm ỉ trong mỗi người. Đến lúc nào đó nó lại trỗi dậy và làm chúng ta luôn trong tư thế ủ mưu, hay muốn vượt ngục hôn nhân để thật sự sống cuộc đời của chính mình. Và gần như chúng ta không trọn vẹn trong hôn nhân.
Có người chọn dừng lại khi đã trải nghiệm được sự đời trong hành trình hôn nhân. Có người vẫn chịu là “cửa dưới” trong quãng đời còn lại để tiếp tục cuộc hôn nhân. Và một lần nữa Chuyên gia Đánh Thức Tình Yêu Nguyễn Đức Quýnh nhấn mạnh rằng, mỗi trải nghiệm đều có giá trị miễn chúng ta hết lòng với trải nghiệm ấy và nhận lấy mọi trách nhiệm cho lựa chọn của mình.
Chúc cho các cô gái chọn cách lấy chồng thành phố, cho mỗi người chúng ta có nhiều bài học trọn vẹn trên hành trình đã chọn – dù trong thời khắc đưa ra quyết định lựa chọn đã đủ sáng suốt hay chưa.