Tôi đứng trong bếp cùng mẹ chồng, cố gắng cho con trai tôi ăn, nhưng thằng bé cứ nhè cà rốt ra. Từ lúc 9 tháng tuổi, con thích hầu hết mọi thứ, trừ cà rốt.
Sau khi quan sát tôi một lúc, mẹ chồng đứng dậy, phàn nàn: “Mẹ không biết tại sao con lại gặp nhiều rắc rối như vậy. Với một đứa trẻ bình thường, chuyện ăn ngủ không bao giờ là một vấn đề. Ngày xưa mẹ nuôi trẻ con, mẹ thấy chúng chỉ ăn, ngủ và làm theo những gì chúng được chỉ bảo”.
Tôi băn khoăn: “Vậy về cơ bản chúng giống như những con rô bốt nhỏ, phải không mẹ?”. Câu hỏi của tôi càng khiến mẹ chồng khó chịu.
Bà tiếp tục nói với tôi rằng mặc dù bà từng nuôi 4 đứa con trong một thời gian ngắn nhưng bà đã làm được mọi thứ. Bố chồng tôi đi làm nên việc nhà đều do bà quán xuyến. “Ông ấy không bao giờ thay tã cho bọn trẻ hoặc thức dậy vào ban đêm. Ông ấy phải làm việc”, bà khẳng định.
Tôi đã nghe bà nói điều này rất nhiều lần. Đây là cách bà trách khéo tôi việc tôi đề nghị chồng mình hỗ trợ chăm sóc con. Có lần, mẹ chồng gắt lên với tôi: “Con yêu cầu con trai mẹ giúp đỡ quá nhiều cho bọn trẻ, đáng lẽ con có thể tự xử lý việc đó”.
Vấn đề là chồng tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó. Anh cho rằng nhờ có mẹ, mọi việc trong nhà luôn hanh thông, hạnh phúc và thuận buồm xuôi gió. Anh khẳng định rằng anh đã có một thời thơ ấu “hoàn hảo”, và rằng cha mẹ anh đã có một cuộc hôn nhân “hoàn hảo”. Đó cũng là điều anh muốn ở tôi.
Với tôi, mẹ chồng không ở trong mối quan hệ của chúng tôi, nhưng bà ấy đã nuôi dạy một đứa con trai tin rằng một người vợ nên phục tùng, nên biết kìm nén cảm xúc. Đó là cách tốt nhất để đối phó với các tình huống.
Khi anh ấy không hài lòng với tôi hoặc cảm thấy bị bỏ rơi, thay vì nói chuyện với tôi, anh ấy đã… ngoại tình với hy vọng khiến bản thân cảm thấy tốt hơn thay vì đối mặt với những vấn đề khó khăn.
Tôi nghĩ, anh ấy là một người đàn ông trưởng thành và chịu trách nhiệm 100% cho hành động của mình, nhưng đôi khi tôi nghĩ anh không thể xử lý tốt tình huống vì sự can thiệp của mẹ.
Tôi vẫn kiên quyết buộc anh phải chịu trách nhiệm về những điều mình làm. Cuối cùng, chúng tôi đã ly hôn. Tôi nhận ra rằng, môi trường chúng ta lớn lên có ảnh hưởng sâu sắc đến các mối quan hệ khi chúng ta trưởng thành. Tôi muốn nuôi dạy con mình theo cách khác. Tôi muốn con trai của mình hiểu phụ nữ không phải là vật sở hữu hay thụ động. Phụ nữ có thể yêu cầu những gì họ muốn và cần được lắng nghe, tôn trọng, bởi họ có quyền bình đẳng với nam giới.
Mẹ chồng cũ của tôi không nhìn nhận như vậy và kết quả là chồng cũ của tôi cũng vậy. Tất nhiên, đây không phải là lý do duy nhất khiến cuộc hôn nhân của chúng tôi kết thúc, nhưng tôi quyết tâm làm một tấm gương khác cho các con tôi để đó không phải là vấn đề đối với chúng và các mối quan hệ của chúng. Khi chúng ta lựa chọn những điều tốt hơn, chúng ta sẽ sống tốt hơn.